Chủ nhật, 24/11/2024, 16:16[GMT+7]

Ủy ban nhân dân tỉnh làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội

Thứ 5, 22/03/2018 | 17:06:59
2,983 lượt xem
Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 297/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ (KH - CN) là nội dung buổi làm việc giữa UBND tỉnh với Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do đồng chí Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội làm Trưởng đoàn vào chiều ngày 22/3.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh,Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội.

Các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Hoàng Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Văn Tuân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị trong tỉnh dự buổi làm việc với Đoàn.

Thời gian qua, việc ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định, cơ chế, chính sách về KH - CN trên địa bàn tỉnh đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến áp dụng các văn bản luật về phát triển KH - CN được triển khai thực hiện kịp thời, sâu rộng đến các đối tượng có liên quan. Hoạt động KH – CN được triển khai theo đúng kế hoạch đề ra, đạt được những kết quả tích cực trên các mặt công tác, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hoạt động nghiên cứu KH - CN đã gắn bó chặt chẽ với sản xuất và đời sống, lấy nghiên cứu ứng dụng là chính; đồng thời tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm, từng bước góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường.

Công tác quản lý nhà nước về KH – CN đã có nhiều đổi mới và đi vào chiều sâu, bảo đảm tuân thủ các quy định của Nhà nước, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hạn chế công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, bảo vệ sức khỏe, an toàn lao động, môi trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp. Hoạt động thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân được tăng cường và tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm; xử lý nghiêm các sai phạm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của ngành. Công tác tuyên truyền, phổ biến các kết quả nghiên cứu, chuyển giao thành tựu KH – CN, các tiến bộ kỹ thuật phục vụ xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được đẩy mạnh. Hoạt động sự nghiệp KH - CN đã có những bước phát triển tốt; năng lực hoạt động được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ quản lý nhà nước về KH - CN ở địa phương và nhu cầu của các doanh nghiệp. Hoạt động phát triển thị trường KH - CN từng bước được tạo lập; tiềm lực khoa học của các tổ chức KH - CN ngày càng được tăng cường.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đại diện các sở, ngành liên quan đã trả lời, giải trình các vấn đề mà Đoàn giám sát chỉ ra; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KH – CN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. 

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: KH - CN là một trong những yếu tố góp phần đưa kinh tế của tỉnh năm thứ 2 liên tiếp đạt mức tăng trưởng 2 con số và là 1 trong 3 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Trong các lĩnh vưc đều có sự lồng ghép và có sự đầu tư cho KH - CN. 

Cùng với nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự đóng góp tích cực vào sự phát triển KH - CN của tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp thành lập mới đều áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Thái Bình tập trung vào 5 định hướng đột phá ứng dụng KH – CN hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp nông nghiệp, phát triển nhân lực quản trị trong nông nghiệp, phát triển du lịch nông nghiệp. 

Để KH - CN Thái Bình phát triển, là động lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành các văn bản luật, cơ chế chính sách để mua sáng kiến, thuê công nghệ, thuê thiết bị trong cả khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân. Quốc hội, Chính phủ cần đưa ra quy định cụ thể những nhóm danh mục KH - CN để áp dụng thẩm định; đồng thời, đề nghị cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế về KH - CN để các địa phương có căn cứ khi tiếp nhận các dự án đầu tư vào địa bàn. Ngoài ra, Quốc hội cần ban hành các văn bản luật cụ thể áp dụng cho quá trình cải cách hành chính nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư KH - CN ở các địa phương.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đánh giá cao những kết quả mà Thái Bình đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KH - CN trong thời gian qua; đồng thời ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Thái Bình để tổng hợp, báo cáo lên Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Buổi sáng cùng ngày, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã khảo sát thực tế tình hình nghiên cứu và ứng dụng KH – CN tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, Công ty Cổ phần Thương mại Dược – Vật tư Y tế Khải Hà, Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình.

Tất Đạt