Thứ 4, 27/11/2024, 03:41[GMT+7]

Ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Fuhong Việt Nam: Công đoàn cơ sở đã phát huy trách nhiệm?

Thứ 6, 30/03/2018 | 08:15:01
3,599 lượt xem
Sau hai ngày ngừng việc tập thể đồng loạt trong phần lớn công nhân tại Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Fuhong Việt Nam (khu công nghiệp Phúc Khánh, thành phố Thái Bình), với sự can thiệp và hỗ trợ của Công đoàn cấp trên và các ngành chức năng, vụ ngừng việc tập thể đã cơ bản được giải quyết.

Nhiều công nhân đã viết đơn xin nghỉ việc khi chủ sử dụng lao động không đáp ứng một số kiến nghị của họ.

Tuy nhiên, do không tìm được tiếng nói chung giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, phần đông người lao động đã xin nghỉ việc, không ở lại Công ty tiếp tục làm việc.

Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Fuhong Việt Nam có 100% vốn đầu tư nước ngoài từ một doanh nghiệp Trung Quốc, bắt đầu hoạt động tại khu công nghiệp Phúc Khánh từ tháng 12/2014 với ngành nghề sản xuất chính là điện dân dụng. Hiện tại, Công ty có gần 500 công nhân làm việc. 

Theo phản ánh của phần đông công nhân, dù đã đi vào hoạt động hơn 3 năm song tại đây, nhiều điều kiện tối thiểu phục vụ cho công nhân trong từ 8 - 11 giờ làm việc/ngày tại Công ty cũng không được bảo đảm như: Công ty không có phòng y tế, không tổ chức ăn trưa và không có nhà ăn, thiếu nước uống trong mùa hè… Với điều kiện làm việc như vậy, rất nhiều người lao động vào Công ty làm việc song chỉ làm một thời gian ngắn lại xin nghỉ việc. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay đã có hàng trăm công nhân nghỉ việc, Công ty luôn trong tình trạng cần tuyển thêm lao động. 

Song cũng theo phản ánh của công nhân, tất cả những điều kiện làm việc thiếu thốn đó cũng chỉ là một giọt nước nhỏ làm tràn ly “bức xúc” của người lao động, bởi nguyên nhân sâu xa lại vì nhiều chế độ, chính sách về lao động theo quy định của pháp luật chưa được thực hiện đúng. Mặc dù nhiều công nhân đã làm việc tại Công ty từ khi Công ty bắt đầu hoạt động (đến nay là hơn 3 năm) song đến thời điểm hiện tại, công nhân chưa được nhận sổ bảo hiểm xã hội, đến gần cuối năm 2017, công nhân mới có thẻ bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, Công ty đưa ra nhiều quy định mà người lao động không thể chấp nhận như nếu công nhân muốn đi khám bệnh phải đặt cọc 800.000 đồng cho bộ phận hành chính mới được mượn thẻ bảo hiểm y tế, sau đó phải về trả lại thẻ mới được nhận lại tiền đặt cọc; nếu công nhân có ốm đau, phải trực tiếp đến Công ty xin nghỉ việc, không chấp nhận xin nghỉ qua điện thoại hay giấy xin phép; nếu có người thân qua đời, phải có giấy chứng tử hoặc giấy xác nhận của địa phương mới được nghỉ làm việc; trong thời gian sản xuất, nếu xảy ra sự cố mất điện, công nhân vẫn phải ở lại Công ty song nếu thời gian làm việc không đủ 8 tiếng, không được hỗ trợ tiền cơm trưa trong ngày đó.

Song tất cả các nguyên nhân đó cũng chưa thực sự là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến vụ việc ngừng việc tập thể mà phải chờ đến tuần vừa qua, khi Công ty thông báo tiếp tục tăng định mức khoán sản phẩm cho mỗi chuyền. 

Theo phản ánh của công nhân, mặc dù tiền lương không tăng song việc khoán sản phẩm tại Công ty tăng thường xuyên trong thời gian qua. Chỉ trong thời gian ngắn, Công ty đã khoán tăng sản phẩm ở một số bộ phận như sản xuất tai nghe, màng loa, lắp ghép lên từ 25.000 sản phẩm/chuyền lên 33.000 sản phẩm/chuyền/tháng. 

Theo nhận xét của công nhân, với định mức 33.000 sản phẩm/chuyền/tháng, hầu hết công nhân đã phải làm việc từ 10 - 11 giờ/ngày mới hoàn thành số lượng định mức trên. Nếu tiếp tục tăng định mức khoán việc, công nhân sẽ không còn sức lực làm việc. Vì vậy, trước thông báo tăng định mức sản lượng, ngay từ sáng ngày 24/3/2018, đã có khoảng 60 công nhân phản đối, ngừng việc và việc ngừng việc đồng loạt trong hầu hết công nhân đã diễn ra từ sáng ngày 26/3. Nhiều công nhân cũng cho biết mặc dù việc ngừng việc tập thể đã bắt đầu ở một số bộ phận từ 10 giờ sáng ngày 24/3, song người lao động không nhận được bất kỳ một hỗ trợ nào của tổ chức công đoàn cơ sở. Đến sáng ngày 26/3, buộc lòng một số công nhân phải trực tiếp báo cáo lên Công đoàn các khu công nghiệp và Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh. 

Với mong muốn phản ánh khách quan tiếng nói của cả người lao động và người sử dụng lao động cũng như của tổ chức công đoàn cơ sở về vụ việc ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Fuhong Việt Nam, phóng viên Báo Thái Bình đề nghị phỏng vấn Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Fuhong Việt Nam cũng là người phiên dịch cho lãnh đạo Công ty về sự việc này song Chủ tịch Công đoàn Công ty từ chối trả lời.

Ông Lê Bảo Cường, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh cho biết, sau khi nhận được thông tin về ngừng việc tập thể, sáng ngày 26/3, lãnh đạo Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh đã phối hợp với một số đơn vị liên quan đến nắm tình hình, làm việc với lãnh đạo, người lao động Công ty để sớm tìm giải pháp giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động. Đã có 3 cuộc đàm phán được tổ chức giữa đại diện công đoàn, các đơn vị chức năng, lãnh đạo Công ty, đại diện người lao động. Qua đó, người lao động đưa ra 16 kiến nghị tập trung vào các vấn đề như: giảm định mức khoán sản lượng; thưởng lương tháng thứ 13 cho người lao động; trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động; tăng tiền xăng xe cho người lao động…

Qua đàm phán, Ban lãnh đạo Công ty đồng ý với các đề nghị của người lao động như: trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, đồng ý cho người lao động nghỉ khi có con bị ốm (phải có giấy tờ kèm theo);… Mặc dù có 11/16 kiến nghị của người lao động đã được giải quyết song theo phần đông công nhân Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Fuhong Việt Nam, các cam kết của Công ty còn rất mập mờ, đặc biệt Công ty chỉ đồng ý “tạm thời chưa tăng sản lượng, sẽ xem xét và có kế hoạch làm thử” nên phần đông công nhân đã quyết định nộp đơn xin nghỉ việc vào sáng ngày 27/3 và đã được Công ty chấp thuận.

Như vậy, vụ ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Fuhong Việt Nam đã cơ bản được giải quyết song giữa người sử dụng lao động và phần đông người lao động đã không tìm thấy tiếng nói chung, có tỷ lệ cao người lao động đã xin nghỉ việc để tìm cho mình một nơi làm việc mới. 

Ông Lê Bảo Cường, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh cho biết qua vụ ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Fuhong Việt Nam là thêm một thông điệp nhắc nhở các doanh nghiệp tại Thái Bình phải có sự đổi mới nhanh chóng về cải thiện môi trường làm việc và các chế độ, chính sách để người lao động yên tâm làm việc và cống hiến trí tuệ, năng lực, tâm huyết vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, những năm gần đây, số vụ ngừng việc tập thể ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Điều này cũng phản ánh mối quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động đang ngày càng trở nên phức tạp, ở không ít nơi quan hệ này đã trở nên gay gắt. Vì vậy, bài toán về xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động rất cần được quan tâm giải quyết trong giai đoạn hiện nay, trong đó nhiệm vụ trước mắt là nâng cao năng lực và trách nhiệm của công đoàn cơ sở.


Trần Hương - Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày