Cho con áp lực hay tuổi thơ thần tiên?
Những ngày qua, dư luận xã hội “dậy sóng” về vụ việc một học sinh lớp 10 tại thành phố Hồ Chí Minh gieo mình tự vẫn vì áp lực học tập. Nội dung lá thư em để lại chia sẻ nguyên nhân em quyết định từ bỏ cuộc sống vì mệt mỏi và áp lực điểm số học tập khiến người đọc không khỏi xót xa. Làm gì để không bao giờ còn phải chứng kiến những câu chuyện đau lòng tương tự? Câu hỏi khẩn thiết đặt ra đối với toàn xã hội, ngành Giáo dục và đặc biệt là các bậc cha mẹ.
Áp lực học tập với con trẻ là vấn đề đã được đề cập đến trong suốt nhiều năm qua. Nhiều chuyên gia tâm lý và giáo dục đã khẳng định ít có nơi đâu, trẻ em phải chịu nhiều áp lực học tập như ở Việt Nam. Mặc dù vậy, chất lượng giáo dục Việt Nam lại không được đánh giá cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến áp lực trong học tập của con trẻ mà trước hết phải khẳng định nguyên nhân đầu tiên vì chương trình học tập quá tải.
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn khẳng định chương trình học đang được giảm tải song theo đánh giá của phần đông giáo viên, chương trình học ngày càng nặng. Chỉ một ví dụ đơn cử về chương trình học bậc tiểu học. Nếu như trước đây (trước năm 2005), chương trình môn toán lớp 1 chỉ dạy và học cộng, trừ đến phạm vi 10, nhưng đến nay các cháu đang học cộng trừ tới phạm vi 100 chưa nhớ. Đối với lớp 2, trước đây chỉ học cộng trừ đến phạm vi 100 có nhớ, chưa học phép nhân, phép chia nhưng hiện nay chương trình toán lớp 2 đã dạy đến cộng trừ phạm vi 1000 và có phép nhân, phép chia...
Chị Nguyễn Thị Lan, phường Quang Trung (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Chị có con đang học lớp 4. Có những tối, chồng chị là một giảng viên đại học phải thức cùng con đến hơn 22 giờ mà không giải được 1 bài toán cô giáo giao về nhà. Ngày hôm sau, chồng chị phải đến nhờ các đồng nghiệp nhưng vẫn chỉ đúng kết quả mà sai cách giải.
Cả xã hội đang chứng kiến thực trạng học sinh các cấp học đang phải quay như chong chóng vì thời gian học tập. Hai buổi, sáng, chiều các em học trên lớp, từ 17 - 19 giờ và từ 19 - 21 giờ tiếp tục học thêm ở nhà thầy, cô; 21 - 23 giờ làm bài về nhà. Rất nhiều người ngoài cuộc ngạc nhiên vì học sinh vừa vào lớp 1 đã được bố mẹ cho đi học thêm để luyện viết chữ a, b, c và luyện toán 1 + 1 = 2. Cả lớp có 50 em, có tới 45 em học thêm.
Một phụ huynh chia sẻ: Ngày chưa có con vào lớp 1, tôi cũng ngạc nhiên và từng khẳng định khi con đi học, quyết sẽ không cho con đi học thêm nhất là học thêm lớp 1. Nhưng đến khi con đi học, tôi vỡ lẽ không đi không được vì cả lớp như thế, con mình không đi không học thêm sợ không theo được các bạn rồi dần sinh tâm lý chán học.
Tâm lý lo sợ con không theo kịp chúng bạn là tâm lý chung của rất nhiều phụ huynh và để giải tỏa tâm trạng lo lắng của chính mình, các bậc phụ huynh đành phải cho con đi học thêm.
Ảnh minh họa.
Việc đặt quá nhiều kỳ vọng vào con của các bậc phụ huynh đã tạo nên nhiều trào lưu không tốt trong học tập và trào lưu chọn trường chuyên, lớp chọn là một ví dụ điển hình. Nhiều lãnh đạo nhà trường, đặc biệt là lãnh đạo các trường học ở thành phố chia sẻ: Năm nào cũng vậy, vừa dậm dạp kết thúc năm học là ban giám hiệu lại đau đầu vì giải quyết việc chọn lớp, chọn thầy của phụ huynh. Có nhà trường đã giải quyết tốt vấn đề này nhưng có nhà trường chưa giải quyết tốt nên dẫn đến ở không ít trường học, có lớp có tới hơn 60 học sinh, thậm chí lên đến 63 - 68 học sinh. Phụ huynh hoan hoan, hỉ hỉ vì con được vào lớp chọn nhưng không hiểu được nỗi khổ của con vì ở lớp không chọn, các con được ngồi học, được nghỉ trưa 2 bạn/bàn còn ở lớp chọn, con phải chịu cảnh nhồi nhét 3 bạn/bàn. Với lớp học lên đến 60 học sinh, không phải học sinh nào cũng được cô quan tâm sâu sát nên các cháu nhận thức chậm hơn phải lùi lại phía sau.
Để gỡ lại sự thiếu hụt kiến thức khi trên lớp, phụ huynh cho con đi học thêm. Một vòng tròn luẩn quẩn nhưng không hiểu vì lý do gì mà phụ huynh vẫn chạy đua bước vào vòng tròn ấy và vấn đề áp lực cho con trẻ vẫn ngày càng gia tăng.
Cần thiết phải giảm áp lực học tập cho con trẻ, phải trả lại tuổi thơ cho các em, dư luận xã hội đã lên tiếng, các chuyên gia đã phân tích song sự giảm tải áp lực học tập vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Áp lực học tập đang cướp đi tuổi thơ của con trẻ và trong trường hợp tự vẫn vừa qua của em học sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh là đã bị cướp đi cả mạng sống.
“Con biết khi bố mẹ đọc được những dòng này tức là con không còn trên cõi đời này nữa… Con luôn nghĩ rằng phải đậu trường công an hay y cho bố mẹ vui lòng nhưng con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả. Con không thể hoàn thành nó được. Con xin lỗi…” - đó là những dòng chữ cuối cùng em để lại.
Cùng nhìn sang một quốc gia ở châu Á không xa Việt Nam đó là Singapore, đọc một bức thư của hiệu trưởng một trường học gửi phụ huynh học sinh để chúng ta nhận thấy sự khác biệt trong quan niệm giáo dục giữa hai quốc gia như thế nào: “Các phụ huynh thân mến! Kỳ thi của các con sắp bắt đầu. Tôi biết quý vị đều lo lắng muốn con mình làm bài tốt. Nhưng hãy nhớ rằng trong số các em làm bài thi sẽ có 1 em là nghệ sĩ và không cần phải hiểu môn Toán. Sẽ có 1 doanh nhân không quan tâm đến Lịch sử hay Văn học Anh… Nếu con của quý vị đạt điểm số cao, điều đó thật tuyệt vời. Nhưng nếu chúng không đạt được thì làm ơn đừng lấy đi phẩm giá và sự tự tin của chúng. Hãy nói với con rằng “Không sao đâu, đó chỉ là một bài thi. Con được nuôi dạy cho những điều to lớn hơn thế nhiều”… Và thêm một điều nữa, hãy đừng nghĩ rằng các bác sĩ hay kỹ sư là những người duy nhất hạnh phúc trên đời này...”.
Ảnh minh họa
Bao giờ các em học sinh sẽ không còn phải chịu áp lực trong học tập? Sẽ thực sự được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”? Đó là câu hỏi đặt ra cho ngành Giáo dục? Song mỗi người lớn đã đi qua tuổi thơ đều hiểu tuổi thơ là quãng thời gian đẹp đẽ, trong trẻo nhất của đời người và cũng không thể quên mình đã mong ước gì khi còn thơ dại.
Dư luận ồn ào rồi cũng sẽ lắng, nhưng nỗi đau mất con của người làm cha, làm mẹ khó có thể nguôi ngoai. Các bậc phụ huynh mong muốn sẽ dành cho con những áp lực hay một tuổi thơ thần tiên?
Trần Thu Hương
Tin cùng chuyên mục
- Lần đầu tiên tổ chức giải cờ tướng Việt Nam - Đài Bắc Trung Hoa 23.11.2024 | 21:05 PM
- Khai trương đại lý Skoda Thái Bình 23.11.2024 | 21:07 PM
- Chung kết cuộc thi hùng biện tiếng Anh dành cho học sinh THCS cấp tỉnh 23.11.2024 | 20:03 PM
- ĐT Việt Nam sang Hàn Quốc chuẩn bị cho AFF Cup 23.11.2024 | 20:03 PM
- Trung Quốc phát hiện mỏ vàng khổng lồ trị giá hàng trăm tỷ USD ở tỉnh Hồ Nam 23.11.2024 | 16:58 PM
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.11.2024 | 17:03 PM
- Cơ sở thu giữ CO2 bằng điện gió đầu tiên trên thế giới 23.11.2024 | 14:09 PM
- Ký ức đẹp với một vùng quê lúa 23.11.2024 | 12:33 PM
- Mẹo giúp món chiên giòn ít ngấm dầu mỡ 23.11.2024 | 12:36 PM
- Thành phố Hồ Chí Minh vào top điểm đáng ghé thăm ở châu Á năm 2025 23.11.2024 | 17:03 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng