Chủ nhật, 24/11/2024, 01:49[GMT+7]

Phát triển bền vững - quan tâm phát triển văn hóa

Thứ 6, 27/04/2018 | 11:08:24
3,794 lượt xem
Thực tế qua giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh những năm qua cho thấy, ở đâu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đến phát triển văn hóa thì ở đó kinh tế - xã hội địa phương có sự phát triển nổi trội và bền vững.

Múa kéo chữ trong bản hội làng Thượng Xá, xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ.

Văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã khẳng định. Thực tế qua giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh những năm qua cho thấy, ở đâu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đến phát triển văn hóa thì ở đó kinh tế - xã hội địa phương có sự phát triển nổi trội và bền vững.

Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) là một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Thái Bình vào năm 2013. Đến Quỳnh Minh hôm nay, sự khác biệt dễ nhận thấy ở đây so với nhiều địa phương khác là không gian, nếp sống văn hóa hiện hữu và lan tỏa. Đường làng sạch sẽ, phong quang, người dân chan hòa, thân thiện. 

Ông Nguyễn Văn Huynh, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Minh chia sẻ sự khác biệt trong đầu tư phát triển ở Quỳnh Minh so với nhiều địa phương khác là cùng với phát triển kinh tế, xã rất chú trọng, quan tâm đầu tư phát triển văn hóa. Trong quá trình đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, xã Quỳnh Minh chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động văn hóa, đồng thời chú trọng xây dựng đời sống văn hóa trong nhân dân. 

Theo ông Nguyễn Văn Huynh phân tích, chỉ có khi nào con người có một đời sống tinh thần vui vẻ, lành mạnh, lạc quan thì họ mới chăm chỉ làm việc, chăm lo phát triển kinh tế gia đình và tích cực đóng góp công sức xây dựng cộng đồng, xã hội. Chính vì vậy, tại Quỳnh Minh, văn hóa là một trong những tiêu chí đạt cao và đạt sớm. Cả 7/7 thôn đạt thôn văn hóa, hàng năm có gần 90% số hộ gia đình đạt gia đình văn hóa. Các trường Mầm non, Tiểu học, THCS và Trạm  Y tế xã đều giữ vững chuẩn, riêng Trường Mầm non và Trường Tiểu học giữ vững chuẩn mức độ II. Sự quan tâm và đầu tư cho phát triển văn hóa tại Quỳnh Minh đã thực sự mang lại sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định cho địa phương nhiều năm qua.

Không chỉ có Quỳnh Minh, tại hầu hết các xã sớm đạt nông thôn mới trên địa bàn tỉnh như Thanh Tân (Kiến Xương), Hồng Minh (Hưng Hà), Nguyên Xá (Vũ Thư)… đều có sự quan tâm, đầu tư cao cho sự phát triển văn hóa trong đó Thanh Tân cũng là một xã tiêu biểu. Sự quan tâm đặc biệt của Đảng ủy và chính quyền địa phương đã huy động tốt nguồn lực xã hội hóa, giúp Thanh Tân xây được nhiều công trình văn hóa, thể thao chất lượng cao như công viên văn hóa thể thao phức hợp có phòng tập gym, bể bơi, khu vui chơi giải trí cho trẻ em giúp người dân nông thôn Thanh Tân được hưởng một cuộc sống như những người dân thành phố.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nếu như đến hết năm 2014, toàn tỉnh mới có 20% số xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới thì đến hết năm 2017, số xã đạt chuẩn nông thôn mới đã tăng lên 51,6%; có 67,5% số phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, có 63,9% thôn, tổ dân phố, khu phố đạt danh hiệu văn hóa. Điều này cho thấy sự đầu tư cho phát triển văn hóa đã được quan tâm đẩy mạnh trong những năm gần đây. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được các địa phương đầu tư xây dựng, nâng cấp tạo điều kiện phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, sáng tạo văn hóa, văn nghệ của nhân dân. 

Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 263/263 xã có nhà văn hóa (đạt 100%); 256/263 xã có khu thể thao (đạt 96,1%); 1.315/1.597 thôn có nhà văn hóa (đạt 82,3%); 1.274 thôn có khu thể thao (đạt 79,8%). Hệ thống nhà văn hóa được trang bị thiết bị truyền thanh, phát thanh phục vụ sinh hoạt, hội họp cho các hội, đoàn thể, trẻ em, đồng thời là trung tâm phát thanh để phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân. 

Không chỉ xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, tại thành phố Thái Bình, với sự huy động nguồn lực xã hội hóa, nhiều công trình văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí đã được khánh thành, đi vào sử dụng giúp người dân trong tỉnh được hưởng các dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí chất lượng cao như hệ thống rạp chiếu phim Lotte Cinema Thái Bình (Vincom Thái Bình), công viên nước Thái Bình (phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình), phố đi bộ mua sắm (khu đô thị Petro Thăng Long, Quang Trung, thành phố Thái Bình)… Cùng với việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa các cấp, phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao trên địa bàn tỉnh được duy trì, phát triển, vì vậy đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, nếu so sánh với tốc độ phát triển kinh tế và so sánh với các tỉnh, thành phố cùng khu vực, sự đầu tư cho lĩnh vực văn hóa của Thái Bình chưa tương xứng. Tại Thái Bình, chưa có các công trình văn hóa trọng điểm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa chất lượng cao của nhân dân, chưa tổ chức được các hoạt động văn hóa, giải trí quy mô lớn. 

Một ví dụ điển hình, Thái Bình được coi là một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo, song nhiều năm qua, việc đầu tư phát triển bộ môn nghệ thuật này còn nhiều hạn chế. 

Ông Vũ Ngọc Cải, Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình chia sẻ mong ước của ông và đội ngũ nghệ sĩ Nhà hát là đưa chèo chuyên nghiệp đến gần hơn với nhân dân, thường xuyên biểu diễn chèo phục vụ nhân dân trong tỉnh và du khách đến Thái Bình song mong ước này rất khó thực hiện vì nguồn kinh phí eo hẹp. Không chỉ đối với bộ môn nghệ thuật chèo, việc đầu tư cho phát triển văn hóa còn hạn chế, chưa thực sự coi trọng phát triển văn hóa từ cấp tỉnh đến địa phương là nguyên nhân chính dẫn đến văn hóa chưa phát triển xứng tầm với kinh tế, chính trị, xã hội.

Công viên nước Thái Bình thu hút đông đảo du khách tham quan, vui chơi.

Chỉ ở đâu có phát triển văn hóa, con người được quan tâm toàn diện, ở đấy mới có sự phát triển bền vững thực sự, thực tế tại nhiều địa phương trong tỉnh và cả nước cũng như trên thế giới đã khẳng định. Câu chuyện về việc gìn giữ, coi trọng phát triển văn hóa tại Nhật Bản hay Singapore là những kinh nghiệm lớn cho bất kỳ một quốc gia hay địa phương nào. Nghị quyết số 33-NQ/TW hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước nêu rõ quan điểm: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Một trong bốn giải pháp được nêu trong Nghị quyết có giải pháp về tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa trong đó chỉ rõ mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. 

Triển khai Nghị quyết số 33, ngày 22/7/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 37-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết; ngày 26/6/2015, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 1412/QĐ-UBND phê duyệt đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết số 1413 phê duyệt đề án xây dựng con người phát triển toàn diện về trí tuệ, tư tưởng, đạo đức và thể chất, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030 của tỉnh Thái Bình. 

Hy vọng tinh thần Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chương trình hành động số 37 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Nghị quyết số 1412, 1413 của UBND tỉnh sẽ tiếp tục được quán triệt sâu sắc đến các cấp ủy đảng, được tăng cường thực hiện trong thời gian tới tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thu Hương - Trịnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày