Thứ 5, 14/11/2024, 12:39[GMT+7]

Khi Bitcoin về Thái Bình

Thứ 6, 27/04/2018 | 15:39:11
1,114 lượt xem
Là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo) không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính nào nên ngay từ khi xuất hiện tại Việt Nam vào cuối năm 2013, Bitcoin đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động nghiên cứu và đưa ra khuyến cáo là không nên sử dụng bởi đây là loại tiền tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro.

Khách mời tham dự buổi giao lưu tại Thái Bình do Công ty Sky Mining tổ chức.

Vừa qua, trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH Sky Mining đã tổ chức buổi giao lưu với sự tham gia của gần 200 nhà đầu tư đến từ Thái Bình và một số tỉnh lân cận. Công ty Sky Mining được thành lập vào cuối tháng 9/2017 với hai trụ sở chính tại quận Phú Nhuận (thành phố Hồ Chí Minh) và quận Thanh Xuân (thành phố Hà Nội) với ngành nghề kinh doanh chính là xuất bản phần mềm.

 

 Vé mời dự gặp mặt giao lưu các nhà đầu tư của Công ty Sky Mining

Tại buổi giao lưu, với tư cách là “Tổ chức đầu tư mua máy và thiết lập các nhà máy khai thác tiền điện tử tại Việt Nam”, lãnh đạo Công ty TNHH Sky Mining đã giới thiệu về cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và những cơ hội đi kèm thách thức, rủi ro khi đến với Sky Mining đặc biệt là khi đầu tư vào Bitcoin. 

Ông Nguyễn Văn Hà (một nhà đầu tư ở Hà Nội) chia sẻ: Tôi đã được nghe nhiều về Bitcoin và những rủi ro nên tôi muốn được tham dự buổi giao lưu để được tìm hiểu rõ hơn về Bitcoin trước khi quyết định có nên đầu tư hay không. 

Theo chia sẻ của một nhà đầu tư tại Thái Bình thì trên địa bàn tỉnh đã có 225 máy khai thác (đào) tiền điện tử và sau khi đầu tư mua 1 máy đào tiền với giá 5.000 USD, thì từ ngày thứ 8 kể từ khi vận hành máy, chủ máy không phải làm gì nhưng vẫn được trả vào tài khoản số tiền 40 USD/ngày.

Ngay sau khi Bitcoin xuất hiện tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động nghiên cứu và khẳng định Bitcoin cũng như các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ hợp pháp và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro vì có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch, mặt khác giao dịch Bitcoin có tính ẩn danh cao nên có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn ma túy, trốn thuế. Do đó, việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. 

Từ khi ra đời đến nay, Bitcoin đã tăng giá trị từ vài chục cent lên đến gần 20.000 USD vào tháng 12/2017. Song Bitcoin có sự biến động giá rất khó lường. Đến thời điểm ngày 22/4, Bitcoin giảm mạnh giá trị xuống còn hơn 8.800 USD. Bitcoin giảm giá thời gian gần đây đã khiến cho vốn hóa thị trường Bitcoin về 149,6 tỷ USD. 

Theo thông tin từ Công ty an ninh mạng CyRadar nhiều trường hợp người chơi tiền ảo bị chiếm đoạt tài sản, đáng chú ý có một người sinh sống tại Hà Nội mất tới gần 8 tỉ đồng. Gần đây nhất, tại Thành phố Hồ Chí Minh, 32.000 người cũng bị “sập bẫy” tiền ảo bởi Công ty Cổ phần Modern Tech với số tiền lên tới hơn 15 nghìn tỷ đồng.

Hàng trăm người tụ tập tại đại lộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP Hồ Chí Minh tố cáo công ty CP Modern Tech (ảnh khai thác)

Nhiều quốc gia trên thế giới cũng cùng chung quan điểm ứng xử với đồng Bitcoin như Việt Nam. Tháng 1/2018, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tại quốc gia này dừng tất cả dịch vụ liên quan tới giao dịch tiền ảo. Mới đây, Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI) đã quyết định cấm các ngân hàng chịu sự quản lý của RBI cung cấp dịch vụ cho bất kỳ doanh nghiệp, cá nhân nào có giao dịch, hoạt động kinh doanh liên quan tới tiền ảo.

Nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro do Bitcoin và các loại tiền ảo khác mang lại, ngày 11/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan đến tiền ảo theo quy định của pháp luật; đồng thời phối hợp với Bộ Công an trong việc phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật. 

Ngày 23/4/2018, UBND tỉnh cũng có công văn số 1310/UBND-KT yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tiền ảo, trong đó có Bitcoin.

BITCOIN:
- Là một loại tiền mã hóa, được phát minh bởi Satoshi Nakamoto dưới dạng phần mềm mã nguồn mở từ năm 2009. Bitcoin có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào.
- Bitcoin có cách hoạt động khác hẳn so với các loại tiền tệ điển hình: không có một ngân hàng trung ương nào quản lý nó và hệ thống hoạt động dựa trên một giao thức mạng ngang hàng trên internet. Sự cung ứng Bitcoin là tự động, hạn chế, được phân chia theo lịch trình định sẵn dựa trên các thuật toán. Bitcoin được cấp tới các máy tính "đào” Bitcoin để trả công cho việc xác minh giao dịch Bitcoin và ghi chúng vào cuốn sổ cái được phân tán trong mạng ngang hàng.


Minh Hương- Phan Lợi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày