Thứ 7, 16/11/2024, 00:40[GMT+7]

Quỹ tín dụng nhân dân An Ninh: Đồng hành cùng thành viên

Thứ 6, 11/05/2018 | 09:00:05
2,119 lượt xem
Hoạt động trên địa bàn 3 xã: An Ninh, An Cầu, An Vũ (Quỳnh Phụ), từ khi thành lập đến nay, Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) An Ninh đã khắc phục mọi khó khăn để không ngừng phát triển, trở thành địa chỉ tin cậy giúp người dân phát triển kinh tế.

Gia đình anh Vũ Văn Thiệc phát triển cơ sở sản xuất chiếu cói từ nguồn vốn đầu tư của Quỹ Tín dụng nhân dân An Ninh.

Ông Đào Khắc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ TDND An Ninh cho biết: Với phương châm hoạt động lấy sự phát triển của thành viên làm gốc, đồng hành tích lũy giá trị cho tương lai, Quỹ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành viên nhanh chóng có vốn phát triển sản xuất. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao uy tín trong hoạt động, Quỹ còn chú trọng thực hiện công tác cải cách hành chính, có chính sách cho vay linh hoạt với lãi suất cho vay hợp lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành viên nhanh chóng có vốn phát triển sản xuất. 

Hiện tại, Quỹ đang duy trì mức lãi suất cho vay phổ biến ở mức 10,2%/năm; riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Quỹ thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi 7,5%/năm. Bên cạnh đó, Quỹ còn xây dựng kế hoạch cụ thể, giao chỉ tiêu cho vay đối với từng phòng giao dịch; tích cực đổi mới công tác tín dụng, tăng cường đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ; thực hiện nghiêm túc quy trình tín dụng, thẩm định rà soát khách hàng, bảo đảm nguồn vốn được sử dụng một cách hiệu quả. Ngoài ra, Quỹ còn chỉ đạo 5 cán bộ tín dụng trong tổng số 19 cán bộ, nhân viên thường xuyên bám sát địa bàn hoạt động, tích cực tìm kiếm thị trường, tiếp thị các chương trình cho vay đến từng thôn, xóm, tăng cường kiểm soát nguồn vốn sau cho vay...

Thực hiện hiệu quả các giải pháp, hoạt động cho vay của Quỹ TDND An Ninh luôn tăng trưởng qua các năm. Giai đoạn 2013 - 2017, Quỹ cho 7.460 lượt thành viên vay vốn với tổng doanh số cho vay gần 855 tỷ đồng. Đến ngày 31/3/2018, tổng dư nợ cho vay của Quỹ đạt 141 tỷ đồng, đạt 85,45% kế hoạch năm; trong đó, cho vay sản xuất nông nghiệp chiếm 35%, cho vay kinh doanh, dịch vụ, ngành nghề chiếm 65%. Nguồn vốn vay từ Quỹ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi giúp các thành viên phát triển nghề và làng nghề, mở rộng ngành nghề mới tại địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà còn hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi ở các địa phương. 

Anh Vũ Văn Thiệc ở thôn Vạn Phúc, xã An Ninh tâm sự: Nếu không có nguồn vốn đầu tư của Quỹ TDND An Ninh thì cơ sở sản xuất chiếu cói của tôi không thể phát triển quy mô được như ngày hôm nay. Trước đây gia đình tôi chỉ làm nghề buôn chiếu. Sau hơn 20 năm trong nghề, tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ thuật dệt chiếu và rất muốn mở cơ sở sản xuất chiếu cói tại gia đình, tạo việc làm cho nhân dân địa phương. Tuy nhiên, điều khiến tôi gặp khó khăn, trở ngại nhất đó là không có vốn đầu tư. Đúng thời điểm đó thì Quỹ TDND An Ninh được thành lập và tạo điều kiện cho gia đình tôi được vay vốn. Với số tiền đó tôi dùng để đầu tư mua sắm trang thiết bị, vật tư, nguyên liệu cần thiết để phục vụ sản xuất. Làm ăn có hiệu quả, trả lãi và gốc đúng hạn, tôi tiếp tục được Quỹ xem xét cho vay với hạn mức lớn hơn để mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, cơ sở của tôi đã có 8 máy dệt chiếu, 4 máy khâu, sản xuất trung bình 3.000 đôi chiếu/tháng với doanh thu gần 700 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho 25 lao động trực tiếp, 100 lao động vệ tinh với thu nhập trung bình 3 triệu đồng/lao động trực tiếp/tháng. Sản phẩm của cơ sở không chỉ tiêu thụ ở trong tỉnh mà còn xuất bán sang Hải Phòng, Hải Dương...

Nhờ có vốn đầu tư phát triển của Quỹ TDND An Ninh, kinh tế các xã An Ninh, An Cầu, An Vũ đã có bước phát triển đáng kể, đời sống người dân ngày một nâng cao. Đến nay, cả 3 xã đều đã hoàn thành 19/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

 Minh Hương