Thứ 7, 23/11/2024, 21:07[GMT+7]

Chuyện làm giàu của Tiến

Thứ 3, 15/05/2018 | 16:32:12
3,184 lượt xem
Với khát vọng vươn lên, Nguyễn Xuân Tiến, sinh năm 1983, ở thôn 4, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư đã vượt qua nhiều khó khăn, trở thành ông chủ của một doanh nghiệp với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, bố mất sớm, học hết lớp 9, với nhiều người đó là cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhưng Tiến đã phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ gia đình. Sau khi lân la học được cách trồng nấm của một số gia đình trong xã, Tiến nhờ mẹ vay mượn tiền họ hàng cho anh mở cơ sở sản xuất nấm. Trẻ tuổi nhưng nghiêm túc học hỏi, chăm chỉ làm việc, cơ sở của Tiến hoạt động hiệu quả, không những trả được hết nợ mà còn cải thiện cuộc sống gia đình. Tuy vậy, Tiến tạm gác “sự nghiệp làm giàu” để tham gia nghĩa vụ quân sự. Khi xuất ngũ trở về thì nghề trồng nấm không còn thịnh hành như trước. Năm 2004, nhận thấy dịch vụ cho thuê phông rạp, bát đũa hiệu quả và còn ít người làm, Tiến vay mượn khắp nơi đầu tư 100 triệu đồng mua sắm bàn ghế, bát đũa, phông rạp, loa đài… Liên tục đổi mới đồ dùng theo thị hiếu và phục vụ tận tình, chu đáo nên nhiều năm qua dịch vụ của anh thu hút đông khách hàng. Đến nay, trừ chi phí, Tiến có doanh thu cả chục triệu đồng/tháng từ dịch vụ này.

Tiến chia sẻ: Cũng từ làm dịch vụ này mà tôi có thêm hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Vào dịp cuối năm, thị trường đũa ăn dùng một lần ngày càng khan hiếm, giá đũa tăng, ảnh hưởng tới việc cung cấp dịch vụ cho thuê bát đũa, phông rạp, loa đài. Vì vậy, tôi nảy ra ý định làm ra những chiếc đũa ấy để chủ động trong công việc. 

Nghĩ là làm, Tiến tìm đủ mọi cách để mong có thể học được kinh nghiệm làm đũa. Từ canh chờ, dò hỏi lái xe chở hàng cho các đại lý ở chợ Bo rồi mạnh dạn lên Hòa Bình, vào Thanh Hóa, kiên trì xin làm việc và học cách làm đũa của người địa phương. Hàng tháng trời anh miệt mài với công việc được giao là vác tre từ lòng suối lên. Tối lại mày mò ghi chép lại những điều đã nhìn và nghe thấy. Trở về quê, với nguồn vốn tích góp bao năm, vay thêm tiền, anh đầu tư mua tre đã qua sơ chế và lên Hà Nội tìm mua máy vót, máy chà, sửa lại nhà để làm cơ sở sản xuất đũa.

Từ việc duy trì cơ sở sản xuất đũa tre tại gia đình, năm 2013 Tiến mở rộng thị trường cũng như quy mô sản xuất. Hiện nay anh có xưởng làm tre thô ngay tại Thái Nguyên để thu mua tre, qua hệ thống máy cắt thành khúc, máy đục thành phôi rồi sấy khô; xưởng ở cầu Tân Đệ để hoàn thiện nốt các khâu vót tạo đầu nhọn, chà cho đũa tròn bóng, cho lên bàn sàng lọc rồi đóng gói. Bình quân 1 tháng anh cung cấp từ 50 - 60 tấn đũa dùng một lần cho các đám hiếu hỷ, nhà hàng, khách sạn, các đại lý trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, anh còn tận dụng những đôi đũa không đạt tiêu chuẩn, đoạn phôi còn dư thừa để làm que xiên thực phẩm và que cắm hoa. Những phụ phẩm khác từ tre được anh tận dụng bán làm nguyên liệu cho cơ sở sản xuất giấy.

Nhạy bén nắm bắt nhu cầu của thị trường, năm 2012 Tiến thành lập Công ty TNHH Nước tinh khiết Việt Tiến với vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng. Đến nay, doanh nghiệp của anh cung cấp cho thị trường 500 bình nước/ngày (bình 19 lít), chủ yếu cho các trường học, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, từng bước tạo được uy tín, thương hiệu với người tiêu dùng. Không dừng lại ở những thành công ban đầu, Tiến mạnh dạn thuê 7ha đất, trong đó có hơn 4.000m2 để mở rộng xưởng sản xuất nước tinh khiết, phần còn lại anh xây dựng mô hình VAC chất lượng cao với 3 ao thả cá, trồng cây ăn quả, nuôi gà tây, còn 4 mẫu ruộng của nhân dân không canh tác anh cấy lúa. Đến nay, ao cá, cây ăn quả đã bắt đầu cho thu hoạch. Tổng doanh thu từ sản xuất sản phẩm từ tre, nước sạch và dịch vụ cho thuê phông bạt, bát đũa của anh hiện đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí lãi từ 250 - 300 triệu đồng; tạo việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên và thời vụ với thu nhập bình quân từ 3,5 triệu đồng/tháng.

Để có được thành công như ngày hôm nay, Tiến đã gặp không ít khó khăn, thất bại. Nhưng anh không bỏ cuộc, không nản chí. Tiến chia sẻ: Thất bại đầu tiên và lớn nhất của mình trong sản xuất tăm, đũa tre là dồn hết gần 700 triệu đồng tiền vốn ra mua 2 quả đồi luồng và vầu. Khi đó chưa có kinh nghiệm, mình chỉ kiểm tra sơ qua ở sườn đồi. Ngoài sườn đồi luồng, vầu hấp thụ ánh sáng tốt, chất lượng cây tốt. Càng vào sâu càng thiếu ánh sáng, mặc dù cây rất đẹp nhưng bị xốp, tơ, không thể làm đũa, tăm được. Trong khi mình đã trả tiền hết cho người dân rồi, đành phải bán luồng, vầu cho các công trình xây dựng. Lúc đó gần như trắng tay.

Doanh nghiệp của anh Tiến cung cấp cho thị trường 500 bình nước/ngày (bình 19 lít).

Trải qua tuổi thơ gian khó, vất vả, thành, bại trong làm ăn, Tiến hiểu hơn ai hết những gì mà người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn gặp. Bởi vậy, anh dành không ít thời gian, kinh phí để tham gia các hoạt động thiện nguyện, xây dựng nông thôn mới của đoàn thanh niên các cấp, của địa phương, anh vẫn đi theo hoặc gửi quà, kinh phí các sư thầy đi làm việc thiện. Anh đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Đoàn, UBND tỉnh, Tỉnh đoàn. Với anh, đây là nguồn động viên tinh thần rất lớn để anh tiếp tục đóng góp công sức của mình để xây dựng quê hương.

Là ủy viên Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Vũ Thư, Nguyễn Xuân Tiến không nề hà bất cứ hoạt động gì khi các cấp bộ đoàn, hội cần hỗ trợ, giúp sức. Tiến là tấm gương sáng trong phong trào thi đua thanh niên phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới và tình nguyện vì cộng đồng.
(Anh Trần Đức Toản,
(Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Vũ Thư)

Xuân Phương


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày