Chủ nhật, 24/11/2024, 09:44[GMT+7]

Cảnh giác với tội phạm mua bán người

Thứ 5, 24/05/2018 | 09:15:47
3,222 lượt xem
Những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động nâng cao cảnh giác trong nhân dân về tội phạm mua bán người. Nhưng với những thủ đoạn tinh vi, phức tạp của bọn tội phạm, vẫn có một số người, nhất là phụ nữ và trẻ em gái mắc bẫy.

Khai thác từ internet.

Theo thống kê, rà soát của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), đến nay, toàn tỉnh có 6 người bị lừa bán ra nước ngoài và được giải cứu trở về, tập trung chủ yếu ở hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy. Phần lớn các vụ mua bán người đều do các đường dây tội phạm thực hiện, có sự liên kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước với nhiều thủ đoạn tinh vi như: hứa hẹn việc làm, môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi... Chúng thường lên mạng làm quen rồi dụ dỗ các bé gái và phụ nữ ở nông thôn có nhu cầu tìm việc làm với mức thu nhập hấp dẫn. Thậm chí, chúng lừa ngay cả người thân quen của mình rồi kết nối, đem bán ra nước ngoài. 

Trường hợp em Vũ Thu T, sinh năm 2000, quê xã Thái Thượng (Thái Thụy) - nạn nhân của một vụ mua bán người sang Trung Quốc vừa được Bộ đội Biên phòng tỉnh giải cứu thành công là một ví dụ. Gặp chúng tôi sau gần 2 tháng được giải cứu, khuôn mặt em vẫn còn biểu hiện của sự hoảng loạn. Phải nhờ cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh động viên, chúng tôi mới có cuộc trò chuyện ngắn cùng em. 

Theo lời kể của T., em bị bán sang Trung Quốc do chính người bạn thân gài bẫy. T. kể: Đầu tháng 11/2017 em có quen một người phụ nữ xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) trên mạng qua sự giới thiệu của người bạn thân. Sau một thời gian làm quen, ngày 14/11/2017, người phụ nữ hẹn gặp và rủ T. lên Hà Nội chơi rồi lừa bán sang Trung Quốc. Gần 2 tháng lưu lạc, bị chuyển hết nơi này đến nơi khác, đến ngày 12/1/2018 được sự giúp đỡ của lực lượng chức năng Trung Quốc, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn và Bộ đội Biên phòng tỉnh, T. đã được trao trả về địa phương và trở lại đi học bình thường. Trường hợp của T. chỉ là một trong nhiều trường hợp vì tin người thân, bạn bè mà trở thành nạn nhân của bọn mua bán người.

Để nâng cao nhận thức và giúp người dân cảnh giác với thủ đoạn, tội phạm mua bán người, những năm qua, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, thu hút hàng chục nghìn lượt người tham gia. 

Từ năm 2016 đến nay, Chi cục đã in ấn 15.000 tờ rơi, 30.000 tờ gấp tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cấp cho 8 huyện, thành phố; tổ chức truyền thông cho hàng nghìn học sinh tại một số trường THPT nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm và mua bán người. Cùng với đó, hàng năm, Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức tuyên truyền tới người dân, nhất là các xã trọng điểm về mua bán người. Duy trì và sử dụng hiệu quả hòm thư tố giác tội phạm để nắm bắt thông tin, giải quyết vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người và các loại tội phạm hình sự khác ngay tại cơ sở. Việc tiếp nhận, xác định, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cũng được các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện theo đúng quy định.

Theo Trung tá Trần Văn Thái, Trưởng ban Nghiệp vụ, Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, hiện nay, tội phạm mua bán người diễn biến rất phức tạp, các đối tượng sử dụng công nghệ cao như internet, mạng xã hội để liên hệ móc nối với các nạn nhân, lợi dụng sự cả tin, lôi kéo, đưa ra nhiều cách kiếm tiền rồi lừa bán. Vì vậy, để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc, mỗi người, nhất là phụ nữ và trẻ em gái cần đề cao cảnh giác trước những thủ đoạn của bọn tội phạm và nêu cao tinh thần trách nhiệm của người dân, khi phát hiện có dấu hiệu mua bán người cần nhanh chóng thông báo cho các cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết.

Nguyễn Dũng