Thứ 7, 23/11/2024, 21:00[GMT+7]

Thái Thụy: Chủ động hộ đê tại các vị trí xung yếu

Thứ 2, 11/06/2018 | 08:38:21
1,097 lượt xem
Qua công tác kiểm tra của các cụm phòng, chống thiên tai của huyện đến nay các địa phương, cơ quan, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện đúng số lượng, chất lượng và tập kết vào vị trí được giao.

Đê cửa sông tả Trà Lý, đoạn qua địa bàn xã Thái Thọ (Thái Thụy) bị sụt lở dưới chân đê.

Qua kiểm tra của cơ quan chuyên môn, nhiều vị trí trọng điểm, xung yếu tại các tuyến đê, kè, cống trên địa bàn huyện Thái Thụy không bảo đảm yêu cầu. Vì thế, ngay trước mùa mưa bão, các cấp, các ngành chức năng của huyện đã chủ động đưa ra các phương án, chuẩn bị vật tư, phương tiện để sẵn sàng xử lý ngay khi có sự cố xảy ra.

Thái Thụy là huyện ven biển có tổng chiều dài đê, kè nhiều nhất tỉnh với 87,3km đê đi qua địa bàn 23 xã, thị trấn. Trong đó có 19,7km đê sông, 36,5km đê cửa sông, 31,1km đê biển; 64 cống dưới đê; 20 kè lát mái, 28km kè hộ bờ; 2 khu neo đậu tàu thuyền. 

Những năm qua, hệ thống đê, kè trên địa bàn huyện đã được đầu tư nâng cấp khá cơ bản, tuy nhiên vẫn còn một số đoạn đê, kè đã xuống cấp gây mất an toàn trong mùa mưa bão. Cụ thể như trên tuyến đê cửa sông Hữu Hóa đoạn từ K2+900 đến K7+00, đoạn từ K12+900 đến K17+00, đê biển 8 cũ, thuộc địa phận các xã Hồng Quỳnh, Thụy Hồng, Thụy Dũng... Đây là những đoạn có mặt ngang đê nhỏ, cao trình thân đê thấp, trường hợp xảy ra bão lớn trùng với triều cường nước biển dâng thì nguy cơ tràn đê là rất cao. Riêng đoạn đê cửa sông tả Trà Lý, đoạn qua xã Thái Thọ vào thời điểm gặp những trận bão lớn năm 2012, 2016 nước đã dâng cách mặt thân đê chỉ vài chục cm, rất nguy hiểm. 

Ngoài các vị trí trên, Thái Thụy đã xác định được nhiều vị trí trọng điểm, xung yếu khác nằm rải rác trên toàn hệ thống đê, kè, cống của huyện như trên tuyến đê sông tả Trà Lý gồm: kè Thái Hà, từ K41+730 đến K42+030 (Thái Hà) và đê, kè Thái Phúc từ K46+650 đến K47+150 (Thái Phúc)... 

Theo ông Bùi Huy Tập, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Trước mùa mưa bão, các ngành chức năng của huyện đã tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống đê, kè, cống và các công trình thủy lợi phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai. Trong đó, đã xác định và phân loại các vị trí trọng điểm, xung yếu của đê, kè để xây dựng phương án giao cho 10 cụm phòng, chống thiên tai của huyện sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra.

Theo đó, bố trí lực lượng canh coi đê 480 người, lực lượng xung kích 6.890 người, cừ sách 1.940 người, giao thông 171 người, số lượng bao tải 282.500 chiếc, đèn pin 6.100 chiếc, 9 tàu thuyền, 22 ô tô... Qua công tác kiểm tra của các cụm phòng, chống thiên tai của huyện đến nay các địa phương, cơ quan, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện đúng số lượng, chất lượng và tập kết vào vị trí được giao. Ngoài ra, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giải tỏa các vi phạm trong hành lang bảo vệ đê, xử lý dứt điểm vi phạm còn tồn tại.

Bên cạnh sự chủ động trong công tác hộ đê tại các vị trí xung yếu, để bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều trong mùa mưa bão, Thái Thụy đề nghị tỉnh bố trí kinh phí xử lý khẩn cấp các hạng mục công trình đê điều như: kè Thái Hà đoạn K41+500 đến K41+950 đê sông tả Trà Lý (Thái Hà); đê cửa sông tả Trà Lý, đoạn K9+00 đến K13+000 (Thái Thọ); đê sông tả Trà Lý, đoạn K46+00 đến K51+000 (Thái Phúc); xây mới cống Mai Diêm, cống Láng Quai... Đồng thời, bố trí kinh phí để rải đá cấp phối cứng hóa mặt đê cửa sông Hữu Hóa, cửa sông tả Trà Lý, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Trần Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày