Thứ 7, 23/11/2024, 15:33[GMT+7]

Nói “không” với bạo lực gia đình

Thứ 2, 18/06/2018 | 14:57:12
2,352 lượt xem
Vài năm trở lại đây, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) ở các địa phương trên địa bàn tỉnh được đánh giá giảm, song số vụ bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần vẫn còn cao. Từ năm 2015 - 2017, toàn tỉnh đã ghi nhận 243 vụ bạo lực thân thể, 309 vụ bạo lực tinh thần. Vì vậy, việc thực hiện các giải pháp nhằm giảm BLGĐ vẫn là vấn đề cần được quan tâm.

Dạy nghề, tạo việc làm giúp phụ nữ khẳng định vị trí, vai trò trong gia đình.

Theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007: “BLGĐ là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình”. Như vậy, BLGĐ bao gồm các yếu tố bạo hành về thể chất, tinh thần và kinh tế. Ngoài ra, theo phân loại các hình thức BLGĐ còn có cả yếu tố bạo lực tình dục. 

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2015 - 2017 toàn tỉnh ghi nhận 625 vụ BLGĐ được báo cáo, trong đó năm 2016 có 266 vụ, năm 2015 có 213 vụ và năm 2017 xảy ra 146 vụ. Tuy nhiên, điều đáng nói trong tổng số các vụ BLGĐ thì số vụ BLGĐ tại các vùng nông thôn diễn ra là chủ yếu với tỷ lệ 91,3% và người gây BLGĐ cũng xuất phát chủ yếu từ nam giới.

Nguyên nhân sâu xa của BLGĐ là do tư tưởng bất bình đẳng giới, lối xử sự gia trưởng ở nam giới. Từ lâu nay, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” kéo theo sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Trước đây, người phụ nữ bị bạo hành do sống phụ thuộc chủ yếu vào chồng. Khi nền kinh tế thị trường có bước phát triển mạnh, vai trò của phụ nữ có nhiều thay đổi và thành đạt hơn chồng thế nhưng họ vẫn bị chồng ngược đãi. Bên cạnh đó, do các tệ nạn xã hội mà người chồng hoặc vợ mắc phải, như nghiện rượu, sa vào cờ bạc, con cái vi phạm pháp luật... dẫn đến vợ chồng lục đục, kinh tế khó khăn, suy sụp, mâu thuẫn vợ chồng gay gắt và khi đó xảy ra bạo lực trong gia đình. 

Điều đáng quan tâm nữa là một số nạn nhân của BLGĐ có tâm lý cam chịu, không muốn tố cáo, sợ “vạch áo cho người xem lưng”. Điển hình nhất là trường hợp chồng xích cổ vợ và nhốt trong nhà xảy ra tại xã Trà Giang (Kiến Xương) vào tháng 6/2017 gây bất bình trong dư luận. Theo báo cáo kết quả xác minh vụ việc của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vào khoảng đầu tháng 6/2017 anh Lại Thanh T. với bản tính hay ghen, nghi ngờ vợ mình là chị Phạm Thị T. có quan hệ tình cảm với người khác nên trước khi đi làm đã xích cổ và nhốt vợ trong nhà. Chỉ đến khi người thân sang chơi, biết sự việc báo chính quyền xã sự việc mới được giải quyết. Rất may, nhờ sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể địa phương, chị T. đã tha thứ cho chồng. Bản thân anh T. cũng đã nhận ra lỗi của mình và hứa sẽ thay đổi để tiếp tục cuộc sống vợ chồng với chị Phạm Thị T.

BLGĐ ngoài việc gây tổn hại về sức khỏe, thể chất, gây tổn thương về tâm lý, tinh thần, gây tan vỡ gia đình, làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội còn ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ em trong gia đình có bạo lực. Hậu quả của BLGĐ làm cho các em mất niềm tin vào các thành viên gia đình, từ đó chán học, sa ngã vào các tệ nạn xã hội hoặc có hành vi phạm pháp. Những năm gần đây, để hạn chế số vụ BLGĐ, nhiều giải pháp đã được các ngành, địa phương triển khai trong đó tập trung chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, làm tốt công tác tư vấn, hòa giải đi đôi với phòng, chống tệ nạn xã hội để thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử về gia đình, từ đó dần xóa bỏ BLGĐ. 

Tại tỉnh ta, nhiều địa phương đã thành lập các mô hình phòng, chống BLGĐ. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, triển khai Kế hoạch số 58 của UBND tỉnh về phòng, chống BLGĐ giai đoạn 2012 - 2016, toàn tỉnh đã có 713 mô hình phòng, chống BLGĐ được thành lập ở các xã, phường, thị trấn do hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh đảm nhiệm. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có gần 3.000 câu lạc bộ gia đình làm kinh tế giỏi, câu lạc bộ gia đình văn hóa, câu lạc bộ gia đình không sinh con thứ ba… cùng với 449 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Từ những hoạt động tuyên truyền cũng như việc triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình phòng, chống BLGĐ, số vụ BLGĐ có chiều hướng giảm: năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 364 vụ BLGĐ, đến năm 2017 giảm còn 146 vụ.

Năm 2018, hưởng ứng tháng hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ với chủ đề “Gia đình: nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình”, theo bà Trần Thị Thanh Phương, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch), Sở đã xây dựng kế hoạch triển khai tháng hành động, trong đó tập trung vào tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007 - 2017), ngày Gia đình Việt Nam (28/6), đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ nhằm thay đổi nhận thức, hành vi về BLGĐ, góp phần tiến tới xóa bỏ BLGĐ và nâng cao nhận thức về truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam.

Nguyễn Cường