Chủ nhật, 24/11/2024, 10:25[GMT+7]

Đấu tranh với tội phạm ma túy: Cần huy động sức mạnh tổng hợp

Thứ 3, 26/06/2018 | 08:30:43
3,491 lượt xem
Những năm qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn cả nước nói chung, Thái Bình nói riêng diễn biến khá phức tạp. Trong vòng 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm các cơ quan chức năng trong tỉnh phát hiện, xử lý 500 vụ phạm tội về ma túy, tăng cả về số lượng cũng như tính chất, mức độ phạm tội.

Đối tượng và tang vật các vụ án.

Đáng lưu ý là đã phát hiện các đường dây vận chuyển ma túy số lượng lớn từ tỉnh ngoài về Thái Bình tiêu thụ, hoạt động của tội phạm ma túy rất phức tạp, các đối tượng thường lợi dụng các tụ điểm vui chơi, giải trí, nhà nghỉ, quán karaoke, mạng xã hội để mua bán, sử dụng trái phép ma túy gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Quýnh, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh cho biết: Qua công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm ma túy cho thấy các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy phần lớn có tiền án, tiền sự về ma túy, phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi và liều lĩnh; nhiều đối tượng lợi dụng các tiện ích của công nghệ thông tin, lợi dụng quy định của pháp luật không tạm giam phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi để phạm tội. Nhiều đối tượng tổ chức bán lẻ các chất ma túy với quy mô khép kín, chúng xây dựng “boong ke” kín cổng cao tường với chỉ một lối vào duy nhất, cho người canh coi cảnh giới và chỉ bán cho người quen. Khi bị các lực lượng chức năng bao vây, phong tỏa, chúng chuyển sang buôn bán lưu động với hình thức giao cho người nghiện, nhiễm HIV, người già thường xuyên thay đổi địa điểm, có ký hiệu khi giao hàng, sẵn sàng sử dụng vũ khí chống đối lực lượng vây bắt (5 năm qua đã xảy ra gần 20 vụ chống lại lực lượng công an).

Nguyên nhân gia tăng tội phạm ma túy trong thời gian qua, theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Quýnh là do tội phạm ma túy ở các địa bàn, tuyến trọng điểm như Sơn La, Lai Châu, Nghệ An lấy Thái Bình làm địa bàn vừa trung chuyển vừa tiêu thụ. Thời gian qua, tuy các cấp, ngành, đoàn thể đã đẩy mạnh công tác đấu tranh nhưng chưa tạo được sức mạnh tổng hợp, thế trận liên hoàn trong phòng, chống ma túy nên hiệu quả chưa cao. Mặt khác, do lực lượng mỏng, phương tiện khoa học kỹ thuật, kinh phí đầu tư, hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh trật tự còn nhiều bất cập, nhất là quản lý thuốc tân dược, quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện như nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke chưa chặt chẽ để tội phạm lợi dụng hoạt động, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. 

Theo thống kê mới đây nhất, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 5.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (thực tế số người nghiện chưa có hồ sơ quản lý còn lớn hơn). Từ năm 2014, thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, công tác đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc phải qua nhiều cơ quan và nhiều thủ tục nên mỗi năm chỉ đưa được khoảng 300 người đi cai nghiện bắt buộc, vì vậy số người nghiện ma túy ở ngoài xã hội đông. Lợi dụng cơ hội này, tội phạm ma túy tìm mọi cách đưa ma túy vào địa bàn tiêu thụ nhằm kiếm lời bất chính.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Địa phương nào nếu để xảy ra tình hình phức tạp về tội phạm và ma túy cần có những biện pháp cứng rắn như quy trách nhiệm cá nhân, đánh giá mức độ thi đua... Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền về tác hại của ma túy cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao đồng thời phát huy vai trò của các đoàn thể tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống ma túy; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến (xã, phường, trường học, thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, dòng họ, họ giáo không có ma túy; mô hình cai nghiện và quản lý sau cai). Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, chương trình xây dựng nông thôn mới... xây dựng cơ quan, doanh nghiệp, trường học an toàn về an ninh trật tự. 

Các ngành Công an, Y tế, Bộ đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra các hoạt động sản xuất, mua bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần; quản lý cư trú, quản lý địa bàn, nhất là các cơ sở cho thuê lưu trú, cơ sở kinh doanh có điều kiện góp phần ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra tình trạng sản xuất ma túy bất hợp pháp và trồng cây có chứa chất ma túy; không để hình thành các tụ điểm buôn bán, sử dụng ma túy trá hình trong các khách sạn, nhà nghỉ, quán bar. Duy trì hiệu quả chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone ở các huyện, thành phố. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, dạy nghề và cai nghiện ma túy, xây dựng mô hình quản lý sau cai phù hợp.

Đối với loại tội phạm nguy hiểm này, các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh, phòng, chống; ngăn chặn tình trạng đưa ma túy vào địa bàn tỉnh; kiên quyết triệt xóa các tụ điểm, điểm phức tạp, không để gây bức xúc trong nhân dân; điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh tội phạm ma túy, chú trọng công tác xét xử lưu động phục vụ tuyên truyền, giáo dục, răn đe, phòng ngừa.

Nguyễn Tùng