Chủ nhật, 24/11/2024, 04:24[GMT+7]

Xây dựng phong cách tư duy cho cán bộ, đảng viên hiện nay theo tấm gương Hồ Chí Minh

Thứ 2, 02/07/2018 | 08:56:37
1,496 lượt xem
Chuyên đề đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 7/2018

Đại biểu dự hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII).

Thành công của Đảng ta khi bắt đầu bước vào đổi mới là thành công của đổi mới tư duy. Đảng ta nhấn mạnh rằng đổi mới tư duy “là đòi hỏi bức thiết của đất nước. Đó cũng là đặc tính của cách mạng, nhất là cách mạng xã hội chủ nghĩa, là bản chất sâu xa của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là xu thế tất yếu của thời đại”. Đảng ta khẳng định rằng chỉ có đổi mới tư duy thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy hết những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa. Muốn thế, “phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta”.

Trước hết, phong cách tư duy của mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay đòi hỏi phải nhận thức sâu sắc rằng trong suy nghĩ và hành động, nói và làm, từ việc nhỏ đến việc lớn, hàng ngày, suốt đời phải giữ vững thái độ và lập trường vô sản; phải lấy ánh sáng khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xem xét các vấn đề, quy định phương châm, đường lối, kế hoạch và công việc cụ thể. Phải giữ vững lý tưởng cách mạng, niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ suy nghĩ đến hành động, tuyệt đối không được xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; phải kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Là những người cách mạng chân chính, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta phải có phong cách nghĩ - tư duy theo lời Bác dạy: “Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình hình... Không chịu tự phê bình, không chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”. Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng “xã hội bây giờ ngày một phát triển. Tư tưởng hành động cũng phát triển. Nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi là không đi đến đâu cả”.

Hồ Chí Minh thường phê bình một số cán bộ có kiểu tư duy rập khuôn, máy móc, làm việc như những cái máy, không có chính kiến, nhát gan, dễ bảo, “thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi”, theo gió bẻ buồm. Đó là loại cán bộ dao động, thiếu niềm tin, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc. Nói theo tư tưởng và tấm gương của Bác, phong cách tư duy của cán bộ, đảng viên hiện nay phải là những người “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”. Ngược lại, “nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan”, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”.

Hiện nay, một bộ phận cán bộ mắc nhiều chứng bệnh, Đảng ta gọi là biểu hiện suy thoái, trong đó có suy thoái về tư duy. Cái bệnh “ăn theo nói leo”, giữ lấy những thói quen xấu dai dẳng, người trước nói thế nào, người sau nói lại như vậy; hàng chục năm trước suy nghĩ thế nào, bây giờ cũng vẫn tư duy như vậy, không cần biết nó có đúng lý không, có khoa học không? Bệnh này nhìn bên ngoài không thấy ảnh hưởng, tác hại xấu, nhưng bản chất của nó là hết sức nguy hiểm. Nó làm cho cán bộ, đảng viên tưởng cái gì cũng tốt, bằng lòng với cách tư duy ổn định, không cần phải thay đổi, mặc dầu những kiểu tư duy đó đem lại hậu quả khôn lường. Chẳng hạn, khi có khuyết điểm, sai lầm ở một lĩnh vực nào đó, ta thường nói đến nguyên nhân “buông lỏng quản lý”. Đây là một cụm từ được nhiều người nói đến khi mổ xẻ khuyết điểm, thậm chí lãnh đạo các cấp cũng mặc nhiên thừa nhận là do “buông lỏng quản lý”. Phong cách tư duy không cần xem xét cụm từ đó đúng hay sai dẫn đến hậu quả lớn là không tìm được nguyên nhân đúng để khắc phục sai lầm, khuyết điểm. Thực chất khi có những sai lầm như ta thấy, không phải là do “buông lỏng quản lý”, vì trên thực tế làm gì có chuyện buông lỏng hay buông chặt, vì đã buông là rơi. Vì vậy, nguyên nhân ở đây phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật là buông rơi quản lý, thực chất là không quản lý. Phong cách tư duy mập mờ kiểu “buông lỏng quản lý” rất nguy hiểm, làm người ta lầm tưởng có quản lý nhưng chưa chặt chẽ lắm. Những chuyện “cát tặc”, “lâm tặc”, “thực phẩm tặc”, “cà phê tặc”... thực chất là do không quản lý hay quản lý móc ngoặc với “tặc”. Nếu chúng ta có phong cách tư duy đúng, khoa học như vậy thì sẽ tìm ra nguyên nhân của các sai phạm để sửa chữa.

 Công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, bên cạnh những thuận lợi, còn có những khó khăn, phức tạp. Một trong những trở ngại trên con đường đổi mới, phát triển của đất nước là tư duy cũ kỹ, lạc hậu, theo lối mòn, không cần, không biết phân tích tư duy đó đúng hay sai. Chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi là cả một cuộc chiến đấu khổng lồ. Trong những điều cũ kỹ Hồ Chí Minh nói tới, có sự cũ kỹ về tư duy. Xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng phải ngày càng tiến. Vì vậy, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng “thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”. Làm việc trong bối cảnh, tình hình hiện nay, phải có sáng kiến, động não, luôn luôn đổi mới tư duy, nếu không sẽ tụt hậu.

Tu dưỡng, rèn luyện theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh là mỗi cán bộ, đảng viên phải có tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo. Độc lập là không lệ thuộc, không phụ thuộc, không bắt chước, không theo đuôi. Tự chủ là tự mình làm chủ suy nghĩ của mình, làm chủ bản thân và công việc của mình, tự mình thấy trách nhiệm trước nhân dân. Sáng tạo là sẵn sàng từ bỏ những cái cũ xấu xa, lạc hậu, lỗi thời; những cái cũ đã đúng một thời nhưng nay không phù hợp. Tìm tòi cái mới phù hợp với quy luật khách quan, trả lời được những câu hỏi của thực tiễn đặt ra. Cái mới đó không hoàn toàn phủ định những giá trị của cái cũ, vượt lên cái cũ, bổ sung thêm những giá trị mới. Phải quán triệt sâu sắc quan điểm Hồ Chí Minh về đổi mới, sáng tạo: “Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... cái gì mới mà hay thì ta phải làm”. Phải xem xét những khái niệm cũ và sáng tạo ra những khái niệm mới là tư duy rất cần thiết hiện nay.

Tư duy phải xuất phát từ thực tiễn địa phương, đơn vị, ngành mình, phù hợp với những điều kiện lịch sử cụ thể. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu sâu học thuyết của Khổng Tử, đạo Thiên chúa, Phật giáo, Lão giáo, chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên, Chủ nghĩa Găngdi, tiếp cận tư tưởng của các nhà khai sáng và cách mạng tư sản Tây Âu, đặc biệt là học thuyết Mác - Lênin. Nghiên cứu nhiều tư tưởng, học thuyết để có sự so sánh, đối chiếu, sàng lọc, tìm ra cái đúng, cái hay, phù hợp với dân tộc và thời đại. Cách tư duy đó đem lại nội dung khoa học và cách mạng trong quá trình hình thành tư tưởng. Hiện nay, cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ văn hóa, làm giàu trí tuệ của mình bằng những kiến thức phong phú và sâu rộng; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, Tổ quốc và Đảng. Có được một phong cách tư duy khoa học, cách mạng như vậy, chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều thành công, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Trích nguồn Tạp chí Bảo hiểm xã hội, kỳ 2, tháng 5/2018
 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày