Thứ 7, 23/11/2024, 21:24[GMT+7]

Quân bưu của hương hồn liệt sĩ

Thứ 2, 09/07/2018 | 08:27:10
2,113 lượt xem
Từ năm 1995 đến nay, cựu chiến binh Lê Văn Cam với tâm đức của mình đã bằng nhiều cách sưu tầm, tìm kiếm và làm quân bưu chuyển gần 30.000 lá thư báo tin cho thân nhân liệt sĩ trong cả nước.

Căn nhà mái bằng xây gần 10 năm trông đã rất cũ, nhưng so với 13 năm về trước thì nó không còn lụp xụp và tối tăm. Trong nhà nhiều thứ vẫn y nguyên, chiếc giường ọp ẹp, chiếc bàn gỗ long chong, chiếc rađiô vẫn nơi đầu giường và gần 100 cuốn sổ ghi thông tin về liệt sĩ được xếp ngay ngắn trên chiếc giá kê ngay đầu giường. Có giá nhất trong nhà là bộ máy vi tính ông Cam được một mạnh thường quân tặng để “kết nối tiếp nhận và chuyển thông tin liệt sĩ đến thân nhân của họ” - đó là căn nhà của ông Lê Văn Cam ở thôn 10, xã Vũ Phúc (Thành phố Thái Bình).

Thấy tôi đến nhà, bà Hoa vợ ông Cam vồn vã: Chú ơi nhà tôi phải đi nằm viện điều trị bệnh gần 10 hôm nay rồi, may cho chú đấy hôm nay ông nhà tôi được xuất viện, lát nữa sẽ về. Chiếc xe máy dừng trong sân, bà Hoa mừng rỡ: Chú ơi, ông Cam về đây này. Vừa vào trong nhà chưa kịp uống nước, ông Cam đã bật máy vi tính và nói với tôi: Chú cứ ngồi chơi, tôi phải làm cái này ngay đã vì đã hứa với hai ông bạn cùng nằm viện rồi. Rút từ chiếc túi nilon đựng tài liệu, ông Cam lấy ra cuốn sổ, một tay lật đi lật lại mấy trang chữ nguệch ngoạc, một tay cầm chiếc kính lúp soi trên những con chữ viết vội. 

Ông Phạm Văn Cảo ở thôn Tống Thỏ, xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình) nhờ trích lục hồ sơ liệt sĩ Phạm Văn Hiển; ông Nguyễn Văn Vinh ở xã Vũ Thắng (Kiến Xương) nhờ tìm hồ sơ trích ngang nơi hy sinh của liệt sĩ Đinh Quang Thẩm. Mổ cò trên bàn phím máy tính, chậm rãi nhập các dữ liệu cần tìm về hai liệt sĩ song ông Cam buông chiếc kính lúp quay ra nét mặt rạng rỡ. “Xong rồi” - ông cười hỉ hả và mãn nguyện.

Kết bạn thu thập thông tin

Những năm gần đây, khi tuổi đã cao sức đã yếu nhưng tâm đức dành cho các liệt sĩ trong ông Cam vẫn cháy bỏng. Không còn sức để đạp xe để theo tàu, theo xe đi đến các tỉnh phía Nam, các nghĩa trang liệt sĩ để ghi chép, phân tích rồi viết thư chuyển thông tin cho thân nhân liệt sĩ, ông Cam được một số mạnh thường quân tặng bộ máy vi tính, ông nghĩ cách đăng tin trong mục “Kết bạn”, “Tìm bạn bốn phương” trên các tờ báo, đài phát thanh nhờ bạn tìm kiếm giúp thông tin. Ông lập facebook viết thư kết bạn với nhiều bạn trẻ và đã bắc được gần 100 “cây cầu” ở khắp các tỉnh từ Cà Mau, Nam Bộ và một số tỉnh Tây Nguyên chắp nối thông tin về các liệt sĩ. Ông Cam khoe có một bạn là cán bộ ngành Thuế ở Cần Thơ, không chỉ sưu tầm thông tin về liệt sĩ ở địa phương gửi ông Cam mà trong thư bạn ấy còn viết: “Anh Cam thân mến! L. cảm động khi nhận được thư anh gửi từ quê lúa Thái Bình, cảm ơn nhịp cầu thân ái đã kết nối chúng ta… Anh cứ yên tâm, L. sẽ thay mặt anh và người thân của các liệt sĩ chăm sóc những ngôi mộ liệt sĩ ở nơi này”. Lá thư của ông Nguyễn Văn Lệnh, là anh trai liệt sĩ Nguyễn Văn Cát ở tỉnh Hòa Bình viết: “Ông Cam thân mến, khi đọc xong lá thư của ông, chúng tôi hết sức vui mừng và cảm động. Gia đình tôi chịu ơn ông nhiều lắm”. Còn một bức thư khác thì viết: “Thưa bác Cam, sau khi nhận được thư của bác, gia đình cháu vào Đà Lạt để thăm viếng phần mộ liệt sĩ Hòa. Chính xác 100% bác ạ”. Còn rất nhiều, rất nhiều những bức thư của thân nhân liệt sĩ gửi về cảm ơn thiện tâm của ông Cam đối với hương hồn các liệt sĩ.

Từ năm 1995 đến nay, cựu chiến binh Lê Văn Cam với tâm đức của mình đã bằng nhiều cách sưu tầm, tìm kiếm và làm quân bưu chuyển gần 30.000 lá thư báo tin cho thân nhân liệt sĩ trong cả nước. Lấy chiếc kính lúp áp vào mắt, ông lại tiếp tục vào máy tính, nhấn chuột tìm thư mục “Bài ca năm tấn”. 

Ông khoe: Đây là công trình được ông công phu, tỉ mỉ thực hiện trong nhiều năm với trên 50.000 liệt sĩ ở các tỉnh trong toàn quốc, được sắp xếp theo vần A, B, C và ghi rõ tên tuổi các liệt sĩ, quê quán ở đâu, ngày nhập ngũ, ngày hy sinh ở chiến trường nào. Các trường hợp liệt sĩ ông xác minh rõ thì làm thông báo cho thân nhân, trường hợp còn nghi vấn và chưa rõ thì gửi thư, nếu thân nhân tìm đến nhà thì kết nối chỉ dẫn, ông bảo cách làm này giúp rất nhiều thân nhân liệt sĩ khi tìm kiếm không còn băn khoăn khi giấy báo tử liệt sĩ chỉ ghi “hy sinh tại mặt trận phía Nam, an táng tại nghĩa trang của đơn vị”.

Chắt chiu dành tiền mua tem và bì thư

Làm “Quân bưu của hương hồn liệt sĩ” đã 23 năm, ông Cam không mảy may tính toán thiệt hơn, không đòi hỏi trợ cấp, không cần lệ phí, có bao nhiêu tiền kể cả tiền trợ cấp người cao tuổi, tiền con cháu biếu tặng ngày lễ, tết, lúc ốm đau, có khi tiền từ việc vợ chồng bán con gà, nải chuối ông đều chắt chiu dành dụm để mua tem và bì thư. Ngày nối ngày viết thư báo tin cho thân nhân liệt sĩ, ông Nguyễn Đăng San, một cựu chiến binh, một doanh nhân ở Hải Dương nhiều năm tìm đồng đội là liệt sĩ Tô Ngọc Lâm ở xã Tân Phong, huyện Vũ Thư nhờ có ông Cam đã tìm được gia đình đồng đội. Cảm phục tinh thần và lòng thiện tâm của ông Cam với đồng đội mình, ông San đã tặng ông Cam bộ máy vi tính để tiếp tục làm “Quân bưu của hương hồn liệt sĩ”. Cũng còn nhiều thân nhân liệt sĩ nhận thông tin từ ông Cam mà tìm và đưa được hài cốt của liệt sĩ về quê hương, khi đến thăm ông Cam muốn có lời cảm ơn bằng vật chất ông đều từ chối và chỉ nhận một ít bì thư, con tem để khỏi phật lòng.

Trước khi tạm biệt, tôi tặng ông Cam một ít con tem gọi là quà của người khỏe dành cho người từ bệnh viện trở về, ông Cam siết chặt tay tôi và nhắn: Nhà báo viết gì cũng chỉ nên nói tôi tuổi đã cao nhưng sẽ làm “Quân bưu của hương hồn liệt sĩ” đến khi nào không thể tiếp nhận thông tin, không thể giơ kính lúp và mổ cò máy tính, lúc ấy tôi sẽ đi cùng đồng đội.

Nguyễn Công Liêm

(Thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày