Thứ 2, 25/11/2024, 07:30[GMT+7]

Mô hình rau thủy canh hồi lưu

Thứ 2, 30/07/2018 | 08:49:36
4,149 lượt xem
Mô hình rau thủy canh hồi lưu không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngay tại các gia đình. Đó là chia sẻ của chàng trai Hà Ngọc Lương, 30 tuổi (phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình), chủ nhân của 320m2 nhà lưới trồng rau theo phương pháp thủy canh hồi lưu.

Từng là một kỹ sư xây dựng với thu nhập ổn định song với niềm đam mê làm nông nghiệp, anh Lương đã quyết định nghỉ việc, theo đuổi ước mơ từ tấm bé đó chính là làm giàu từ nông nghiệp. Với sự nhanh nhạy, táo bạo, tìm hiểu xu thế phát triển của nông nghiệp, anh Lương quyết định đi theo hướng sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao và mô hình rau thủy canh được anh lựa chọn cùng với sự hợp tác của hai người bạn. 

“Quyết định lúc đó của tôi gặp phải sự phản đối rất nhiều từ bố mẹ, người thân và bạn bè bởi công việc của tôi đang là niềm mơ ước của nhiều người, trong khi đó, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, trong khi đầu tư lớn mà tôi chưa có kinh nghiệm. Nhưng với quyết tâm cùng sự kiên trì thuyết phục, cuối cùng gia đình cũng tin tưởng, ủng hộ” - anh Lương chia sẻ.

Theo anh Lương, hiện nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc tồn dư các chất độc hại trong thực phẩm đang là mối lo ngại của toàn xã hội. Vì vậy, việc xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chính là hướng đi tất yếu nhằm tạo ra những nông sản an toàn cung cấp đến tận tay người tiêu dùng. 

Để thực hiện mô hình này, anh Lương đã tự tìm tòi thông tin qua mạng và thực hiện nhiều chuyến tham quan các mô hình trồng rau thủy canh tại thành phố Đà Lạt. Từ những chuyến đi thực tế, anh Lương dần nắm được các khâu trong quy trình sản xuất sạch: thiết kế nhà lưới, bể dinh dưỡng, chọn giống rau, kỹ thuật chăm sóc, điều hòa nhiệt độ, ánh sáng… đến khâu thu hoạch, phân phối sản phẩm. 

Với 320m2 đất thuê lại được của người thân, anh Lương thuê thợ từ Đà Lạt ra thiết kế, thi công các hạng mục. Với 15 bàn, mỗi bàn có 300 giỏ, anh Lương trồng các loại rau: cải các loại, xà lách Hà Lan, rau muống… 

Nói về ưu thế của mô hình này, anh Lương cho biết: Rau thủy canh là một sản phẩm nông nghiệp sạch vì được trồng trong nhà lưới khép kín, không có côn trùng, giá thể trồng là xơ dừa đã được xử lý mầm bệnh trước khi ươm cây, chất dinh dưỡng được hòa tan trong nước để cây hấp thụ nên hoàn toàn không sử dụng các loại thuốc trừ sâu, chất bảo quản thực vật. Trong điều kiện không có sâu bệnh, nguồn dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ, các yếu tố: nhiệt độ, ánh sáng phù hợp, rau sẽ phát triển nhanh và cho năng suất cao. Tùy từng loại rau có giá bán khác nhau nhưng đều cao từ 2 - 3 lần so với rau sản xuất tự do. 

Hiện tại, với quy mô sản xuất còn khiêm tốn, khách hàng của anh Lương là các hộ nhỏ lẻ quanh khu vực chủ yếu là người quen hoặc qua giới thiệu mà tìm đến. Thời gian tới, khi mô hình đi vào ổn định, anh Lương dự định sẽ thuê thêm đất, mở rộng quy mô để hướng tới các trường học với mong muốn cung cấp thực phẩm sạch cho học sinh.

Không chỉ cung cấp rau, anh Lương còn sẵn sàng chuyển giao công nghệ, nhận thi công, lắp đặt hệ thống thủy canh hồi lưu tại nhà cho các hộ dân khi có nhu cầu. 

Anh Lương chia sẻ: Thực tế cho thấy, quá trình đô thị hóa đã khiến cho diện tích đất nông nghiệp đang ngày bị thu hẹp, cùng với đó, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người dân tăng cao. Việc xây dựng hệ thống thủy canh hồi lưu trên diện tích nhỏ là ý tưởng khả thi. Sản phẩm được làm ra theo quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ ngay tại hộ nên giữ được độ tươi, chất dinh dưỡng của sản phẩm.

“Dù mô hình mới cho thu hoạch được 2 lứa rau song với những kinh nghiệm đã được trang bị, tôi tin đây sẽ là một hướng khởi nghiệp thành công” - anh Lương khẳng định.

Ngân Huyền 

trannguyenvuong - 4 năm trước

Xem thêm giàn thủy canh hồi lưu cải tiến tại https://www.thietbithuycanh.vn/ky-thuat-trong-rau-thuy-canh-hoi-luu/

Tải thêm