Chủ nhật, 17/11/2024, 16:28[GMT+7]

Giá trị văn hóa của trò chơi dân gian

Thứ 2, 06/08/2018 | 10:13:49
19,364 lượt xem
Không chỉ là những sản phẩm mang tính vận động đặc trưng mà còn là biểu hiện tinh thần xuất phát từ trong lao động sản xuất phản ánh quan niệm về vũ trụ, nhân sinh, chứa đựng những ý tưởng thẩm mỹ, trò chơi dân gian mang lại tiếng cười, niềm vui giải trí cho người dân và mang trong mình những giá trị văn hóa sâu sắc.

Vật cầu. Ảnh: Minh Đức

Thái Bình, quê hương của nhiều anh hùng hào kiệt, là cái nôi của nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật độc đáo đồng thời cũng là mảnh đất có nhiều cuộc thi, trò chơi, trò diễn dân gian thể hiện trí thông minh, lòng quả cảm, sức mạnh của con người, mỗi cộng đồng chiến thắng hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, điều kiện xã hội không thuận lợi và giặc ngoại xâm hung ác. 

Tại Thái Bình, bước đầu đã tập hợp được gần 100 trò chơi dân gian gồm cả trò chơi cho trẻ và trò chơi cho người lớn. Bé chơi nu na nu nống, thả đỉa ba ba, bịt mắt bắt dê, chơi u, chắt chuyền, ô ăn quan, đánh khăng, trốn tìm, cướp cờ, dung dăng dung dẻ, nhảy dây,... Lớn dần lên theo lứa tuổi lại có các trò chơi thi thổi cơm, đấu vật, trò đùng ông đùng bà, thi bơi, cờ tướng, cờ người, bơi chải,... Trò chơi dân gian của người lớn thường xuất hiện vào các dịp lễ hội, vào ngày tết cổ truyền, thì trò chơi dân gian của trẻ em có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Tuy ý nghĩa cụ thể của từng trò chơi, từng lứa tuổi có khác nhau nhưng xét ở góc độ văn hóa, các trò chơi này đều mang một số ý nghĩa chung.

Cầu mong may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu: thi bắt vịt, thi thổi cơm, thi gói bánh, thi bắt chuột, thi chọi trâu, trò đùng ông đùng bà, xúc xắc xúc xẻ đều là những trò chơi gắn liền với các lễ hội, ngày tết Nguyên đán, không chỉ mang ý nghĩ vui hội chơi xuân mà còn là sản phẩm do những người khéo léo nhất được các làng tuyển chọn làm ra dâng lên cúng trời, đất, thần hoàng làng - kết quả của một năm lao động vất vả và hy vọng năm mới, vụ mùa mới may mắn, khoai sai lúa tốt, nắng to được muối, thuyền ra khơi vào lộng, cá chất đầy khoang, cả làng an bình không có dịch bệnh.

Rèn luyện sức khỏe, sự khéo léo, mưu trí: Cuộc sống của người dân Thái Bình từ xưa là cuộc chiến đấu với thiên nhiên khắc nghiệt để mưu sinh, chiến đấu với giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương. Dù trong cuộc chiến đấu nào thì cũng cần sức khỏe, mưu trí. Bởi vậy, phần nhiều các trò chơi dân gian cần phải mạnh khỏe, nhanh nhẹn, khéo kéo, thông minh, gan dạ,… Trò chơi cho trẻ có những trò chơi rèn luyện sự khéo léo, chính xác như chơi chuyền, chơi chong chóng, thả diều,… Có những trò chơi lại giúp trẻ rèn luyện thể lực sức mạnh, dẻo dai: nhảy ngựa, nhảy dây, kéo co, đá cầu, mèo đuổi chuột,… Những trò chơi: ô ăn quan, đánh trận giả lại rèn cho trẻ tính thông minh. Cho đến những trò chơi của người lớn: thi bơi, thi bơi chải, thi đấu vật,… đòi hỏi sức mạnh; thi cờ người, thi cờ tướng,… đòi hỏi sự mưu trí; thi bắt vịt, thi cà kheo, thi đèn kéo quân,… đều cần sự khéo léo, nhanh nhẹn. 

Các trò chơi dân gian dù mang tính cạnh tranh cao hoặc tính chiến đấu khá quyết liệt hay giải trí, vui chơi cũng không nằm ngoài ý nghĩa rèn luyện, để sẵn sàng cho các công việc trong đời sống.

Đề cao tính tập thể, tính cộng đồng, sức mạnh đoàn kết:  ngay từ nhỏ qua các trò chơi: rồng rắn lên mây, nhảy dây, dung dăng dung dẻ, cướp cờ, kéo co,… đã dạy cho các em tính tập thể, tinh thần đoàn kết. Lớn lên các trò chơi dân gian được tổ chức ở hội làng, ngày lễ, tết nên trò nào cũng mang tính cố kết cộng đồng bởi dù là trò chơi cá nhân thì cũng được sự quan tâm, theo dõi, động viên, cổ vũ của đông đảo bà con, thậm chí cá nhân đó còn đại diện cho cả một tập thể, một cộng đồng như trò đấu vật, trò vật cầu,… Còn với những trò chơi tập thể thì không chỉ cần sự đồng lòng, ăn ý của tập thể đó mà còn đại diện cho nguyện vọng của một cộng đồng. Do đó, thành công của cá nhân gắn liền với thành công tập thể và là sự động viên cho cả làng xã cho mùa vụ mới, cho một năm mới.

Đề cao tinh thần thượng võ, sẵn sàng chống ngoại xâm: trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, chúng ta luôn luôn phải đối đầu với nạn ngoại xâm bảo vệ đất nước vì thế từ những trò trong ngày hội làng: đấu vật, bơi chải,… đến trò chơi hàng ngày: cướp cờ, đánh trận giả, trốn tìm, vật kiệu,… từ trò của người lớn đến trò của trẻ đều rèn luyện sức mạnh, sự mưu trí, kỹ năng chiến đấu chuẩn bị tâm lý sẵn sàng tham gia quân đội để chống giặc hoặc thực hiện chính sách “vườn không nhà trống”, thậm chí có thể tự lực, tự vệ.

Ghi dấu và nhớ ơn các tiền nhân: một số trò chơi chính là diễn lại các hoạt động chống giặc hoặc khẩn hoang của cha ông xưa. Chẳng hạn trò vật cầu trong hội làng Hét (Thái Thụy) để nhớ về tướng quân Phạm Ngũ Lão; thi bơi chải hội đền Đồng Bằng (Quỳnh Phụ) gắn với công lao của Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, trò rồng rắn cùng lời hát đồng giao kể về sự tích chống giặc Ngô của người dân ở Quảng Nạp (Thái Thụy), trò tập tầm vông nói về việc thiền sư Nguyễn Minh Không chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông,…

Các trò chơi dân gian là một bức tranh sinh động phản ánh đời sống tinh thần của người Thái Bình xưa phải gồng mình chống thiên tai địch họa nên phải luôn cầu mưa thuận gió hòa, phải kiên cường chống giặc ngoại xâm, chống cường quyền đè nén nên luôn mong quốc thái dân an và hơn hết thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” ghi nhớ công lao của những cha ông đi trước đã xây dựng, bảo vệ quê hương; dù là cuộc vui những lúc nông nhàn, thảnh thơi, dù cạnh tranh nhau quyết liệt nhưng đều hướng tới sự chuẩn bị thường xuyên, kịp thời cho hoạt động sản xuất và chống giặc, hướng tới sự đoàn kết, thống nhất của các cộng đồng, các làng xã và trên hết là đoàn kết toàn dân tộc.

 Trò chơi dân gian đã từng là trang ký ức đậm nét về quê hương làng xóm trong mỗi tâm hồn, góp phần tạo nên lòng yêu nước. Tuy nhiên, ngày nay, vai trò của trò chơi dân gian không còn như xưa. Sở thích và cách thức giải trí của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ cũng thay đổi. Nhiều trò chơi dân gian đứng trước nguy cơ bị lãng quên. 

Từ thực tế ấy khiến việc phục hồi, bảo tồn và phát huy các giá trị của trò chơi dân gian cần được cấp ủy đảng, chính quyền  các cấp đặt ra vừa với tư cách phục hồi một di sản văn hóa phi vật thể vừa như một giải pháp giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần chú trọng tuyên truyền về giá trị văn hóa của trò chơi dân gian đến nhân dân trong tỉnh. Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan trong nhiệm vụ, trách nhiệm của mình phát huy, bảo tồn, phục hồi trò chơi dân gian. 

Cụ thể như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng đề án sưu tầm, khôi phục, đưa trò chơi dân gian trở về cuộc sống thường ngày, xây dựng hồ sơ trình xét công nhận một số trò chơi dân gian mang đặc sắc văn hóa là di sản văn hóa phi vật thể. Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bảo tàng tỉnh phối hợp tạo ra sân chơi cho thanh thiếu nhi với các trò chơi dân gian vào các ngày nghỉ, ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, tết Trung thu, trại hè và giờ sinh hoạt ngoại khóa. Tại địa phương, ban tổ chức lễ hội phải luôn chú trọng giữ gìn trò chơi dân gian: thi nấu cơm, bơi chải, vật cầu, tổ tôm, cờ người, chọi gà, đi cầu khỉ, bắt vịt, đấu vật,… trong phần hội. 

Việc bảo tồn những giá trị văn hóa nói chung, trò chơi dân gian nói riêng là trách nhiệm không chỉ của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể mà còn là trách nhiệm của toàn thể nhân dân bởi nó do nhân dân sáng tạo, lưu truyền và phát triển.

Phan Thị Hải Hà

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)