Thứ 5, 14/11/2024, 10:54[GMT+7]

Hưng Hà: Thúc đẩy làng nghề phát triển

Thứ 3, 07/08/2018 | 08:24:34
1,914 lượt xem
Xác định làng nghề có vai trò quan trọng góp phần nâng cao giá trị sản xuất của địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao đông nông thôn, những năm qua, huyện Hưng Hà đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều cơ chế khuyến khích thúc đẩy làng nghề phát triển.

Chiếu cói Tân Lễ không chỉ bền mà còn có những nét hoa văn rất đẹp.

Nghề dệt chiếu ở xã Tân Lễ nổi tiếng từ lâu nhưng nó chỉ thực sự phát triển mạnh, giải quyết việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân trong 5 năm trở lại đây. Người dân nơi đây không chỉ duy trì nghề dệt chiếu cói mà còn sản xuất chiếu nilon để thích ứng với nhu cầu của thị trường. Chiếu Tân Lễ đa dạng về kích thước, có chất lượng tốt, phong phú về mẫu mã nên được người tiêu dùng trong cả nước ưa chuộng. 

Ông Trần Ngọc Toán, Chủ tịch UBND xã Tân Lễ cho biết: Bên cạnh duy trì bảo tồn nghề dệt chiếu thủ công, nhiều bà con đã ứng dụng công nghệ và đưa máy móc vào sản xuất nên sản lượng tăng và cho giá trị kinh tế cao; thu nhập bình quân của lao động đạt 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Kết quả đạt được đó, bên cạnh sự năng động của người dân làng nghề có sự giúp sức, đồng hành của các cấp, các ngành từ tỉnh tới cơ sở.

Không riêng làng nghề dệt chiếu xã Tân Lễ, hiện nay, 53 làng nghề ở 19 xã, thị trấn của huyện Hưng Hà đang duy trì hoạt động và phát triển ổn định. Ngoài các nghề truyền thống sẵn có của địa phương như dệt chiếu, dệt khăn, nhân dân các xã còn du nhập và phát triển thêm nhiều nghề mới như: mây tre đan, dệt lưới nilon, chế biến nông sản, nghề mộc, làm hương. Các làng nghề đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 32.663 lao động. Giá trị sản xuất từ khu vực làng nghề của huyện Hưng Hà không ngừng tăng trưởng (năm 2016 đạt 1.957,1 tỷ đồng, năm 2017 đạt 1.992,1 tỷ đồng, năm 2018 phấn đấu tốc độ tăng trưởng 13%).

Ông Nguyễn Bá Phong, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết: Hưng Hà có nhiều nghề truyền thống, mạng lưới giao thông kết nối giao thương thuận lợi, hệ thống điện đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của nhân dân là thế mạnh để phát triển làng nghề. Huyện ủy có nghị quyết chuyên đề về phát triển nghề và làng nghề giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Huyện cùng với các địa phương chú trọng công tác tuyên truyền, vận động và đào tạo nghề cho lao động. Qua hình thức tự truyền nghề, có 22.531 lao động có tay nghề. Hàng năm, huyện phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp dạy nghề, khóa tập huấn khoa học kỹ thuật, bồi dưỡng năng lực quản trị doanh nghiệp cho hơn 600 lao động và giám đốc các doanh nghiệp trong các làng nghề. 

Từ năm 2014 - 2016, Hưng Hà có cơ chế hỗ trợ 20 triệu đồng/ máy dệt khăn, 10 triệu đồng/máy dệt chiếu đã khuyến khích các hộ dân đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc vào sản xuất. Đến nay, toàn huyện có 536 máy dệt khăn công nghiệp và 336 máy dệt chiếu, góp phần nâng cao năng suất lao động.

Nhằm giúp các hộ dân, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, phát triển làng nghề bền vững, Hưng Hà tạo mọi điều kiện về mặt bằng. Huyện quy hoạch 5 cụm công nghiệp gắn với làng nghề thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tập trung hoạt động hiệu quả, tránh gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề đến người tiêu dùng và các đối tác thông qua các hội chợ thương mại, triển lãm sản phẩm làng nghề trong tỉnh và khu vực Bắc Bộ. 

Hiện nay, huyện Hưng Hà đang tập trung chỉ đạo, hỗ trợ cho các làng nghề xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, tham gia giao dịch thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường, bảo vệ bản quyền, gia tăng giá trị của sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động của các làng nghề.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày