Thứ 6, 15/11/2024, 13:36[GMT+7]

“Ông Thiệu da cam”

Thứ 4, 15/08/2018 | 09:55:17
4,983 lượt xem
86 tuổi đời, hơn 70 năm làm nghề đông y gia truyền, lương y Nguyễn Văn Thiệu, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ nổi tiếng với hai bài thuốc “Nhi khoa thánh dược” và “Dưỡng lão thần phương”, không chỉ vậy ông còn là ân nhân chữa trị cho hàng vạn lượt cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin trong chiến tranh.

Ảnh: Kiên Trung (CTV)

Từ nhiều năm nay, ông Thiệu dành thứ bảy hàng tuần chữa bệnh nhân ái cho các bệnh nhân bị vết thương không mảnh đạn trong chiến tranh, họ là những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin. Từ ngày nhận đỡ đầu cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin huyện Quỳnh Phụ và huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, ông Thiệu đã thăm khám được cho hàng nghìn lượt bệnh nhân da cam/Điôxin, trong đó có gần 400/680 hội viên bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin của tỉnh Hưng Yên, phần nhiều trong số họ đều cảm thấy khỏe mạnh hơn sau khi được điều trị. Mỗi bệnh nhân đến khám, đều được tặng 5 thang thuốc trị giá 400.000 đồng. 

Trong 10 năm, ông Thiệu đã khám chữa bệnh và tặng hàng vạn thang thuốc trị giá trên 10 tỷ đồng. Trong quá trình điều trị, tùy từng hoàn cảnh mà ông có cách hỗ trợ thêm, người thì được giảm giá hoặc hỗ trợ tiền xe hay được ông lo cho chỗ ăn nghỉ đối với những người ở xa. Những việc tưởng chừng như đơn giản ấy nhưng đã tạo cho người bệnh một tâm lý yên tâm, thoải mái.

Chứng kiến một ngày làm việc của ông mới thấy hết được sự vất vả của người thầy thuốc. Với  lương y Nguyễn Văn Thiệu, nghề y này tuyệt đối không được sai sót trong bất cứ công đoạn nào, bởi những người đến đây tất cả đều có bệnh, mình làm không hết trách nhiệm thì khác nào quàng vào cổ họ thêm một bệnh nữa, cho nên từ việc tiếp đón bệnh nhân đến khâu khám và điều trị ông cũng tự tay làm, như thế mới yên tâm. 

Lương y Nguyễn Văn Thiệu chia sẻ: Người bị nhiễm độc da cam/Điôxin rồi thì cơ thể ai ai cũng bị suy nhược cả, vì vậy điều trị cho bệnh nhân da cam/Điôxin trước tiên phải bồi bổ sức khỏe, kết hợp cắt thuốc chữa bệnh. Bài thuốc này chúng tôi gọi là phước phương, tức là vừa bổ vừa chữa kết hợp nên kết quả đạt được rất nhiều. 

Với ông Thiệu, việc gặp lại bệnh nhân cũ là điều “cực chẳng đã”, có nghĩa người bệnh không đỡ, thuốc vẫn chưa hiệu quả, điều này khiến ông day dứt lắm. Ông bảo qua thời gian theo dõi, cứ 100 người điều trị thì 50 người sức khỏe khá lên, có thể tham gia học tập, lao động được, 20 người tiến triển không đáng kể, hết thuốc bệnh lại đau, còn 30 người không thấy đỡ. Ông cũng đau đáu: Bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin, đến nay y học chưa tìm ra phương thuốc gì tiêu độc được. Chỉ có thể chăm lo, bồi dưỡng cho cơ thể khỏe lên, mới mong chống lại bệnh tật và dùng thuốc đặc trị các bệnh thứ phát nên tranh thủ những lúc ít bệnh nhân, ông tự tay bốc thêm vài thang thuốc bổ mang đến tận nhà những bệnh nhân da cam/Điôxin để họ bồi bổ. Chỉ một việc làm nhỏ thôi nhưng cũng khiến những người bệnh ấm lòng.

Sống được đến ngày hôm nay, ông Nguyễn Hữu Niệp, thôn Đoàn Xá, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ không quên ơn cứu chữa của lương y Nguyễn Văn Thiệu. Năm 1972, ông tham gia thanh niên xung phong ở mặt trận Nam Lào, sau khi trở về địa phương, ông Niệp phát bệnh, sức khỏe sa sút, cơ thể lở loét, những u nhọt ngày ngày cắn xé cơ thể ông, gia đình rồi vợ con đưa ông đi chữa trị khắp nơi mà bệnh tình vẫn không đỡ. Năm 2010, ông Niệp tìm đến nhà lương y Nguyễn Văn Thiệu để bốc thuốc. Từ đấy đến nay ông Niệp không còn bị những cơn đau hành hạ nữa, ông đã có thể phụ giúp vợ con những việc vặt trong nhà.

Ông Thiệu cho biết thêm: Người làm nghề đông y, khi khám bệnh phải dựa vào 4 yếu tố: vọng, văn, vấn, thiết, tức là: nhìn, nghe, hỏi, bắt mạch, trong đó nhìn là quan trọng nhất, tổng hợp cả 4 yếu tố đó, người lương y sẽ bắt đúng bệnh, cắt đúng thuốc. Tuy nhiên, đó chỉ là những điều kiện cần mà thôi, còn một yếu tố nữa, đó là tấm lòng, là đạo đức của người thầy thuốc thì mới đủ được, có như vậy mới theo được nghề và giữ được nghề.

Gần 70 năm qua, hàng vạn bệnh nhân ở các nơi nghe tiếng ông đã tìm về để chữa bệnh. Bằng cái tâm, cái đức, cái tài của mình, ông đã chữa trị cho rất nhiều bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Con người ông là vậy, tấm lòng ông là vậy. Trường hợp của bà Nguyễn Thị Vang, thôn Đức Chính, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ bị bệnh viêm đa khớp từ năm 1998, nhiều năm nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều phải nhờ người thân hỗ trợ, tiền của trong nhà cứ đội nón ra đi mà bệnh tình không thuyên giảm. Gia đình bà đến nhà lương y Nguyễn Văn Thiệu để bốc thuốc với suy nghĩ “còn nước còn tát”, việc tưởng như chỉ để giải quyết khâu tư tưởng nhưng không ngờ lại cứu sống được thêm một mạng người nữa. Từ khi điều trị theo phương pháp của lương y Nguyễn Văn Thiệu, nay bà đã khỏe mạnh và đi lại được...

Có lẽ làm nghề thuốc cứu người, lương y Nguyễn Văn Thiệu là người nhận được nhiều tâm phúc, con cái ông ai cũng thành đạt, ai cũng có việc làm ổn định. Nghề thuốc đã cho ông sức khỏe và sự minh mẫn, ông có của ăn của để, tiền ấy ông dành xây dựng cơ sở khám chữa bệnh và mua các loại thuốc quý bổ sung cho thang thuốc cứu người, trả công người lao động tại cơ sở, một phần dành tiêu dùng hàng ngày và phần còn lại dành cho việc làm nhân ái, giúp người nghèo bị bệnh trọng, xoa dịu nỗi đau da cam/Điôxin cho các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc trong chiến tranh.

Ở tuổi 86, lương y Nguyễn Văn Thiệu vẫn miệt mài với việc nghiên cứu, tìm tòi những phương thuốc đông y. Trên cơ sở kinh nghiệm gia truyền và những bài học được rút ra từ cuộc đời làm nghề của mình, lương y Nguyễn Văn Thiệu kết hợp với việc tra cứu thông tin qua sách báo, cũng chính từ đây ông đã rút ra nguyên lý chữa bệnh “Nhi khoa thánh dược” chuyên trị được các bệnh thấp khớp ở trẻ em; “Dưỡng lão thần phương” chuyên trị bệnh suy nhược cơ thể ở người cao tuổi và bài thuốc trị bệnh thần kinh tọa ở lứa tuổi trung niên.

Bệnh nhân đến với ông gọi ông là thầy Thiệu, cựu chiến binh trìu mến gọi ông là “Ông Thiệu da cam”. Với những việc làm của ông, ông đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và tặng bằng khen vì có thành tích “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”. Ngoài ra ông còn nhận được nhiều bằng khen, kỷ niệm chương của Bộ Y tế, UBND tỉnh, cũng như các tổ chức xã hội cho những đóng góp của mình với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Việc làm của ông đã và đang cùng với xã hội hàn gắn vết thương chiến tranh, xoa dịu nỗi đau da cam/Điôxin.

Nguyễn Công Liêm

(Thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày