Thứ 4, 27/11/2024, 13:43[GMT+7]

Bệnh viện Da liễu Thái Bình: Mốc son phát triển

Thứ 3, 21/08/2018 | 08:42:45
5,547 lượt xem
Hòa chung niềm vui của đất nước trong những ngày tháng tám lịch sử, ngành Y tế Thái Bình nói chung, cán bộ, viên chức, người lao động Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn, Trung tâm Da liễu Thái Bình (cũ) nói riêng phấn khởi đón nhận quyết định của UBND tỉnh sáp nhập hai đơn vị và đổi tên, ra mắt Bệnh viện Da liễu Thái Bình.

Bệnh viện Da liễu Thái Bình cơ sở 2 được trang bị máy siêu âm hiện đại phục vụ bệnh nhân.

Hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ 

Bệnh viện Da liễu Thái Bình được sáp nhập từ hai đơn vị có gần chung nhiệm vụ chính trị mà UBND tỉnh và Sở Y tế giao, đó là Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn và Trung tâm Da liễu Thái Bình. Trại phong Văn Môn được thành lập năm 1900. Năm 1960 đổi tên thành Khu Điều trị phong Văn Môn, năm 2003 đổi tên thành Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn. 

Là đơn vị sự nghiệp y tế hạng II và là đơn vị đặc thù của ngành Y tế Thái Bình, Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn qua các thời kỳ đã tiếp nhận, chăm sóc, điều trị cho gần 10.000 bệnh nhân phong đến từ 21 tỉnh, thành phố phía Bắc. 

Những năm gần đây, Bệnh viện luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chăm sóc và nuôi dưỡng bệnh nhân phong tàn tật, độc thân; cấp cứu, khám chữa bệnh đa khoa, chuyên khoa da liễu cho nhân dân trong và ngoài tỉnh... 

Trạm Da liễu Thái Bình được thành lập năm 1971, đến năm 2000 đổi tên thành Trung tâm Da liễu Thái Bình với nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện chương trình phòng, chống bệnh phong quốc gia, quản lý các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng và khám chữa các bệnh thuộc chuyên khoa da liễu. 

Với sự nỗ lực của tập thể y bác sĩ, Trung tâm đã đạt nhiều thành tựu đáng trân trọng, tiêu biểu là đã góp phần đưa Thái Bình trở thành tỉnh đầu tiên thanh toán phong từng vùng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới vào năm 1995; năm 2004 là tỉnh đầu tiên đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh theo 4 tiêu chuẩn của Bộ Y tế; năm 2014 là tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện theo 4 tiêu chí của Việt Nam...

Điều trị chăm sóc da thẩm mỹ tại Bệnh viện Da liễu Thái Bình.

Đồng chí Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế ghi nhận: Những năm qua, Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn và Trung tâm Da liễu Thái Bình đều không ngừng vượt khó vươn lên, phát huy tốt vai trò, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng đơn vị phát triển vững mạnh, góp phần tích cực vào thành tích chung của toàn ngành. Hai đơn vị đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, các bộ, ngành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Y tế, các sở, ngành, địa phương ghi nhận, đánh giá cao, được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý...

Cần thiết sáp nhập 

Trong những năm gần đây, mô hình bệnh tật liên quan đến da liễu bao gồm các bệnh về da, bệnh phong, nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (gồm cả HIV/AIDS), bệnh da do di truyền, vi khuẩn, vi rút, nấm, cơ địa, bệnh da nghề nghiệp, do tiếp xúc với hóa chất, mỹ phẩm... có xu hướng gia tăng. 

Theo thống kê, tỷ lệ mắc các bệnh về da chiếm khoảng 12 - 15% dân số, trong đó năm 2017 riêng Trung tâm Da liễu có 22.866 bệnh nhân, Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn có 14.411 lượt bệnh nhân được khám và điều trị. Ngoài ra còn có nhiều bệnh nhân khám chữa bệnh tại Khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các phòng khám tuyến huyện và tư nhân, nhiều người vượt tuyến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Da liễu Trung ương... 

Nguyên nhân của sự gia tăng các bệnh về da rất nhiều và ngày càng khó quản lý, khó giảm thiểu tác hại bởi do mặt trái của mở rộng giao lưu, phát triển kinh tế; tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường sống, môi trường làm việc độc hại; thời tiết diễn biến bất thường, khắc nghiệt; tình trạng sản xuất, sử dụng thuốc giả, mỹ phẩm giả, hóa chất, thực phẩm giả gây dị ứng... 

Các bệnh da liễu ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm lý, chất lượng cuộc sống và đôi khi ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Đặc biệt, đối với các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, giống nòi và về các vấn đề xã hội khác.

Nhân viên chăm sóc khách hàng Bệnh viện Da liễu Thái Bình luôn đón tiếp, chỉ dẫn tận tình người đến khám bệnh.

Mặc dù số bệnh nhân mắc các bệnh về da liễu có xu hướng tăng mạnh nhưng thực tế ở các bệnh viện đa khoa tuyến huyện trên địa bàn tỉnh chưa có khoa da liễu, cán bộ chuyên trách cũng hạn chế về chuyên môn, thiếu trang thiết bị khám chữa bệnh về da liễu. Vì vậy, các bệnh viện tuyến huyện mới chủ yếu điều trị được bệnh da liễu đơn giản, những bệnh khó, nặng đều phải chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh. Tuy nhiên, ở tuyến tỉnh cũng chưa có bệnh viện chuyên khoa da liễu, vì vậy nhiều bệnh nhân đã vượt tuyến lên các bệnh viện trung ương, vừa phiền hà vừa tốn kém... 

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế: Thực tế Trung tâm Da liễu Thái Bình đã phát triển nhanh chóng về chất lượng chuyên môn bởi có đội ngũ cán bộ chuyên khoa mạnh, triển khai được nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ cao trong khám chữa các bệnh về da liễu và thẩm mỹ. Đối với Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn, tuy Sở Y tế đã giao thêm chức năng khám điều trị song do xa trung tâm tỉnh, khả năng thu hút cán bộ còn hạn chế, vì vậy số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh chưa cao... Từ những bất cập trên, việc sáp nhập hai đơn vị là cần thiết để khắc phục những hạn chế, nhân lên thế mạnh, để Bệnh viện trở thành đơn vị chuyên sâu; từ đó phát huy tốt nhất những kết quả đã đạt được, tạo thuận lợi cho người bệnh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến trung ương. Việc sáp nhập đồng thời là một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) và Quyết định số 5656/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới chuyên ngành da liễu giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. 

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Giám đốc Sở Nội vụ cũng khẳng định: Việc sáp nhập Trung tâm Da liễu Thái Bình vào Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước, phù hợp với chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thực hiện cải cách hành chính, tinh giản đầu mối tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều trị cho bệnh nhân bằng máy laser hiện đại.

Niềm tin về sự phát triển 

Đồng chí Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 67-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 45/KH-UBND của UBND tỉnh, Sở Y tế đã nghiêm túc nghiên cứu thực tiễn các đơn vị, đưa ra phương án sáp nhập hợp lý, bảo đảm sự ổn định, phát triển và hiệu quả hoạt động. Vì vậy, tuy là đơn vị đầu tiên của ngành Y tế thực hiện sáp nhập song được sự đồng thuận, thống nhất cao của các đơn vị, tạo được niềm tin của cán bộ, viên chức, bệnh nhân, nhân dân vào sự phát triển mạnh mẽ của bệnh viện trong thời gian tới.

Khám bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Da liễu Thái Bình.

Theo Quyết định số 1870/QĐ-UBND ngày 31/7/2018 của UBND tỉnh sáp nhập Trung tâm Da liễu Thái Bình và Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn, đổi tên thành Bệnh viện Da liễu Thái Bình, hiện Bệnh viện có cơ sở 1 ở số 278, đường Trần Thánh Tông, thành phố Thái Bình đồng thời là trụ sở chính, cơ sở 2 ở xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư với quy mô 120 giường bệnh. Ban lãnh đạo gồm 1 quyền giám đốc, 4 phó giám đốc, 15 phòng, khoa, giảm được 7 đầu mối khoa, phòng. Giai đoạn đầu, Bệnh viện giữ nguyên tổng số 175 lao động và thực hiện tinh giản biên chế hàng năm theo quy định. Là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện vừa thực hiện công tác chỉ đạo tuyến vừa đảm nhiệm chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân phong tàn tật vừa tổ chức khám, điều trị nội ngoại trú các bệnh về da liễu và làm công tác khám chữa bệnh đa khoa ban đầu. 

Bác sĩ Bùi Trung Dũng, Quyền Giám đốc Bệnh viện cho biết: Hiện Bệnh viện đang triển khai các giải pháp nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng bệnh viện. Trong đó, tổ chức kiện toàn ổn định, luân chuyển và tăng cường cán bộ giữa hai cơ sở nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, quyết tâm phấn đấu giảm phụ thuộc vào ngân sách và tự chủ cao hơn ngay từ năm 2019. Xác định rõ mới sáp nhập Bệnh viện sẽ còn một số khó khăn song với sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Y tế và các địa phương, đơn vị, sự đồng thuận, phấn khởi, chung tay của tập thể y bác sĩ, người lao động, đặc biệt là thời gian tới khi tiếp nhận cơ sở mới do Bệnh viện Đa khoa thành phố bàn giao, tin rằng Bệnh viện sẽ sớm vượt qua khó khăn, ổn định, đoàn kết, phát huy nguồn lực và tiếp tục phát triển bền vững, trở thành địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy về chuyên khoa da liễu cho bệnh nhân và khách hàng tỉnh Thái Bình và khu vực đồng bằng Bắc Bộ.


Đồng chí Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế
Bệnh viện Da liễu Thái Bình sau sáp nhập cần sớm ổn định, phát triển, bảo đảm không ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ và hoạt động chung của toàn ngành. Từ thực tiễn cụ thể hai cơ sở, xem xét bố trí hài hòa tổ chức bộ máy, điều động, bổ nhiệm cán bộ bảo đảm phù hợp vị trí việc làm và mục tiêu phát triển kỹ thuật, tránh chồng chéo, xáo trộn tư tưởng, không tạo sự chia rẽ, mất đoàn kết. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế hai cơ sở cần được phát huy, tận dụng, bổ sung cho nhau nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Phối hợp với các cơ quan chức năng để sớm chuyển trụ sở chính sang Bệnh viện Đa khoa thành phố sau khi bệnh viện chuyển đi, từ đó có kế hoạch phát triển bệnh viện. Làm việc cụ thể với huyện Vũ Thư bàn giao làng phong, bảo đảm giúp người dân ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng...

Bác sĩ Bùi Trung Dũng, nguyên Giám đốc Trung tâm Da liễu Thái Bình, Quyền Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thái Bình

Được sự tin tưởng giao phó của Ban Cán sự đảng và Chủ tịch UBND tỉnh, tôi xin hứa đoàn kết, giữ vững ổn định, lãnh đạo xây dựng Bệnh viện ngày càng phát triển. Phân công Ban Giám đốc cụ thể dựa vào năng lực thực tiễn, sắp xếp cán bộ các phòng, khoa, luân chuyển cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thực hiện tinh giản biên chế theo quy định. Phát huy nội lực, đẩy mạnh phát triển kỹ thuật mới theo hạng bệnh viện, thu hút và tạo thuận lợi cho bệnh nhân, tạo nguồn thu hợp pháp cho Bệnh viện, từng bước giảm phụ thuộc tối đa vào ngân sách nhà nước và tự chủ cao hơn; nâng cao đời sống cán bộ và bệnh nhân phong tàn tật. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương và các cấp có thẩm quyền bàn giao làng phong về địa phương quản lý theo mục tiêu đề án.

Bác sĩ Nguyễn Thế Bê, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thái Bình
Cùng với sự chung tay, đoàn kết, nỗ lực của Ban Giám đốc và tập thể cán bộ, viên chức, người lao động, mong rằng Bệnh viện tiếp tục nhận được nhiều hơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền, Sở Y tế để hai cơ sở phát huy tốt nhất thế mạnh, bổ sung cho nhau để sớm xây dựng Bệnh viện Da liễu Thái Bình ngày càng phát triển. Không những phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân mà còn bảo đảm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, viên chức, người lao động, tạo điều kiện hỗ trợ để bệnh nhân phong tàn tật và người dân làng phong nâng cao đời sống.

Bác sĩ Lê Thị Út Thuận, nguyên Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ chúng tôi đều ủng hộ, phấn khởi đón nhận chủ trương sáp nhập hai đơn vị và đổi tên thành Bệnh viện Da liễu Thái Bình. Đồng thời, tự tin chung tay cùng tập thể thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao và tin tưởng vào sự phát triển vững mạnh của Bệnh viện sau sáp nhập.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Khoa Phẫu thuật laser
Là bác sĩ trẻ, chúng tôi luôn ý thức nỗ lực phát huy năng lực, trình độ chuyên môn; sẵn sàng chấp hành điều động, luân chuyển của Ban Giám đốc Bệnh viện giữa hai cơ sở, phục vụ tốt nhất yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Đồng thời, tích cực học tập bồi dưỡng nâng cao hơn nữa về chuyên môn, nghiệp vụ để cùng tập thể Bệnh viện hoàn thiện các kỹ thuật mà Bộ Y tế phê duyệt cho bệnh viện hạng II, xây dựng Bệnh viện ngày càng phát triển.

Bệnh nhân phong tàn tật Trần Hữu Hòa, 81 tuổi, ủy viên hội đồng bệnh nhân
Tôi đã có hơn 60 năm là bệnh nhân của Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn. Chứng kiến Bệnh viện trải qua các lần đổi tên, chuyển chủ quản từ Bộ Y tế về UBND tỉnh quản lý song lần nào cũng phấn khởi vì Bệnh viện ngày một phát triển, bệnh nhân chúng tôi được chăm lo nhiều hơn. Sáp nhập và đổi tên lần này, bệnh nhân chúng tôi mừng vì giảm bớt được mặc cảm với xã hội. Song cũng mong tiếp tục nhận được nhiều hơn sự quan tâm, hỗ trợ từ các tổ chức, các nhà từ thiện để yên tâm gắn bó với Bệnh viện những ngày cuối đời bởi chúng tôi đều tàn tật, già cả, cô đơn, mọi sinh hoạt và hậu sự sau này đều cậy nhờ Bệnh viện.


Hà Dung