Thứ 4, 27/11/2024, 14:38[GMT+7]

Đổi mới ở Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội

Thứ 4, 22/08/2018 | 08:23:56
1,932 lượt xem
Từng khu nhà xuống cấp được thay thế bằng những căn nhà mái bằng kiên cố, khép kín; chất lượng bữa ăn từng bước được cải thiện; trang thiết bị được đầu tư nhiều hơn... - nhiều nét mới tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của những mảnh đời yếu thế đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại đây.

Những dãy nhà được xây mới khang trang góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đối tượng.

33 năm sống tại Trung tâm, chưa khi nào anh Tô Văn Kính, quê xã Văn Lang (Hưng Hà) lại cảm thấy phấn khởi như vài năm gần đây. Được chăm sóc chu đáo lại sống trong căn nhà khang trang, sạch sẽ cùng nhiều đồ dùng mới là ao ước của rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như anh. Hai mắt không nhìn thấy từ khi 5 tuổi, bố mẹ mất sớm, anh được gửi vào Trung tâm nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ. Qua mỗi năm sống tại Trung tâm, anh lại cảm nhận thêm được sự quan tâm của cán bộ, nhân viên, sự sẻ chia của các tổ chức xã hội. 

“Trước đây, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại Trung tâm chưa được đầy đủ. Giờ đây, kinh tế phát triển hơn, việc chăm lo cho những người có hoàn cảnh như tôi đã được Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều hơn. Bữa ăn thường xuyên được cải thiện, đủ chất dinh dưỡng. Khu nhà ở xuống cấp giờ đã được xây mới, rộng rãi, thoáng mát; đồ dùng, vật dụng đầy đủ, khu vệ sinh khép kín, sạch sẽ hơn so với trước” - anh Kính tâm sự.

Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội đóng trên địa bàn xã Minh Quang (Vũ Thư) hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho 164 đối tượng, trong đó có 136 đối tượng xã hội, 5 đối tượng người có công, 23 đối tượng dưỡng lão tự nguyện. Đối tượng sống tại Trung tâm đa số là người khuyết tật đặc biệt nặng, bệnh nặng nên việc phục vụ ăn uống, chăm sóc sinh hoạt hàng ngày và phục hồi chức năng rất khó khăn. 

Ông Phạm Đình Lễ, Giám đốc Trung tâm cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn xác định rõ nhiệm vụ của mình, luôn sát cánh bên đối tượng, đặc biệt là trẻ em, dành hết tình yêu thương và coi các em như con em trong gia đình để bù đắp lại những thiệt thòi các em phải gánh chịu.

Thấu hiểu hoàn cảnh của từng đối tượng, để mỗi người có cuộc sống ổn định, được chăm sóc chu đáo, nhiều năm qua, bằng nguồn hỗ trợ kinh phí của trung ương và của tỉnh, toàn bộ khu hành chính và khu nhà ở của đối tượng được xây dựng từ những năm 1991 đang được Trung tâm xây mới để giải quyết vấn đề chỗ ở. 

Hiện tại khu nhà ở dành cho đối tượng bảo trợ xã hội và khu dưỡng lão tự nguyện đã đi vào hoạt động, bình quân 3 đối tượng/phòng rộng 20m2 khép kín với đầy đủ tiện nghi; xung quanh khu nhà có khuôn viên cây xanh, hồ nước đang được hoàn thiện sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống cho đối tượng. 

Cùng với đầu tư về cơ sở vật chất, chất lượng bữa ăn cho đối tượng cũng từng bước được cải thiện. Đối với đối tượng xã hội, ngoài số tiền quy định 750.000 đồng/người/tháng, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, mỗi tháng Trung tâm hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng để cải thiện chất lượng bữa ăn. Riêng đối với những đối tượng còn khả năng lao động, Trung tâm thường xuyên tổ chức lao động sản xuất với mức thu nhập bình quân 400.000 đồng/người/tháng, qua đó tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho đối tượng. 

Ngoài ra, việc chăm lo cho trẻ em bước vào năm học mới cũng được quan tâm. 100% trẻ em trong độ tuổi được đi học và trang bị đầy đủ đồ dùng học tập; được tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện kỹ năng sống, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tăng gia sản xuất... giúp các em phát triển toàn diện.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, cùng với việc hoàn thành cơ sở vật chất, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng xã hội; tăng cường hỗ trợ cung cấp dịch vụ công tác xã hội; tranh thủ nguồn kinh phí xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân để chăm lo cho đối tượng để Trung tâm thực sự là ngôi nhà của những người yếu thế.

Nguyễn Cường