Chủ nhật, 17/11/2024, 17:45[GMT+7]

Vu Lan nhớ ân nghĩa mẹ cha

Thứ 6, 24/08/2018 | 08:30:07
3,004 lượt xem
Theo văn hóa truyền thống của người Việt, rằm tháng 7 là ngày xá tội vong nhân cũng là thời điểm tổ chức lễ Vu Lan. Ngày để con cháu có dịp suy ngẫm, thể hiện sự báo hiếu đối với công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Đó cũng chính là nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của dân tộc.

Nghi thức bông hồng cài áo tại lễ Vu Lan báo hiếu chùa Từ Xuyên, thành phố Thái Bình.

Đại lễ Vu Lan báo hiếu năm nay, chùa Từ Xuyên, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) đón gần một nghìn tín đồ, Phật tử và du khách thập phương về tham dự. 

Thượng tọa Thích Thanh Định, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, trụ trì chùa Từ Xuyên cho biết: Hàng năm, chùa đều tổ chức đại lễ Vu Lan báo hiếu để tín đồ, Phật tử gần xa có dịp tỏ lòng báo hiếu cha mẹ, hướng về tiên tổ. Khác với mọi năm, năm nay, trong đại lễ Vu Lan báo hiếu chùa có mời ni sư của Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam giảng về lòng báo ân cha mẹ và các nghệ sĩ, ca sĩ của Thành phố Hồ Chí Minh về biểu diễn, giao lưu văn nghệ nhằm nâng cao đời sống tinh thần và tăng cường mối giao lưu văn hóa hai miền Nam - Bắc. Thời gian tổ chức lễ bông hồng cài áo cũng được chùa tổ chức vào buổi chiều, sớm hơn mọi năm.

Trong không khí trang nghiêm, thành kính của lễ bông hồng cài áo, các tín đồ, Phật tử, du khách thập phương được nghe tâm sự của người con đã mất cả cha lẫn mẹ. Những giọt nước mắt đã rơi khi bông hồng đỏ được cài lên áo người còn cha mẹ, bông hoa màu hồng cài cho người còn cha hoặc mẹ và bông hồng trắng được cài cho những người vắng cha, xa mẹ.

Có mặt tại lễ bông hồng cài áo, bà Nguyễn Thị Hiên, phường Quang Trung (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Năm nào tôi cũng tham dự lễ Vu Lan. Dự lễ, được nghe giảng đạo lý, tôi lại nhớ đến các bậc sinh thành ra mình. Dù cha mẹ đã khuất nhưng với lòng thành tâm khi đến chùa, tôi cầu nguyện cho cha mẹ sớm được siêu thoát. Qua nhiều lần tham dự, chứng kiến các cháu lứa tuổi học sinh, sinh viên chia sẻ về những điều chưa phải với cha mẹ, tôi rất mừng. Dù là những hối hận muộn màng nhưng lễ Vu Lan đã giúp các cháu có cái nhìn đúng đắn hơn về cuộc sống, về cách ứng xử với bậc sinh thành. Vì thế, tôi thấy rằng lễ Vu Lan mang ý nghĩa giáo dục rất lớn.

May mắn hơn bà Hiên khi còn cha mẹ và được cài trên mình bông hồng đỏ nhưng giây phút được gắn bông hoa trên áo cũng khiến cho chị Hoàng Thị Ngọc, xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình) không khỏi xúc động. Chị Ngọc chia sẻ: Mùa Vu Lan là mùa để những người con bày tỏ tình cảm, lòng tri ân đối với ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đó chính là báo hiếu đối với công ơn của người sinh thành. Ân cha mẹ không gì có thể so sánh được. Những ngày này, tôi muốn đến chùa tụng kinh Vu Lan, làm những việc tốt để hồi hướng cho cha mẹ hiện tiền được khỏe mạnh, bình an, tổ tiên từ nhiều đời, nhiều kiếp sớm được siêu sinh tịnh độ.

Lễ Vu Lan được xuất phát từ câu chuyện về lòng hiếu thảo của Bồ Tát Mục Kiền Liên đối với mẹ - bà Thanh Đề. Khi nhìn thấy mẹ thân hình tiều tụy, đói không được ăn, khát không được uống nơi địa ngục A Tỳ, Mục Kiền Liên vận dụng phép thần thông đến và dâng cơm cho mẹ ăn, nhưng vì ác nghiệp thọ báo còn quá nặng nên những hạt cơm cứ đưa gần tới miệng bà Thanh Đề đều bỗng hóa thành lửa. Mục Kiền Liên về xin đức Phật chỉ dạy cách cứu mẹ. Sau khi thành kính đi rước chư tăng khắp mười phương về cùng chú nguyện bà Thanh Đề được giải thoát.

Ai sinh ra cũng đều từ cha, từ mẹ. Vì thế, những câu chuyện về lòng đạo hiếu dễ làm lay động trái tim, ăn sâu vào tư tưởng của nhiều người. Ở nước ta, lễ Vu Lan báo hiếu không rõ có từ khi nào, chỉ biết rằng cứ vào dịp tháng 7 âm lịch hàng năm, lễ Vu Lan lại được tổ chức tại các chùa với nhiều nghi thức: cung nghinh, tụng kinh, dâng y... Ngày lễ đã góp phần định hướng cho người dân về quan điểm sống hướng thiện.

Ngày nay, trong cuộc sống gấp gáp, giữa bộn bề lo toan, có đôi lúc chúng ta quên đi chữ hiếu, chưa làm tròn bổn phận của người con đối với cha mẹ. Vu Lan chính là dịp để mỗi người suy ngẫm, nhìn lại những việc mình đã làm. Sai trái hôm qua có thể sửa hôm nay để mỗi chúng ta làm tròn phận đạo con. Tùy theo điều kiện kinh tế, hoàn cảnh, mỗi người mỗi cách báo hiếu khác nhau. Tuy nhiên, món quà ý nghĩa nhất với cha mẹ không nhất thiết là mâm cao cỗ đầy, là áo nhung vải lụa mà đó chính là cách ứng xử qua từng lời nói, hành động. Báo hiếu không chỉ dừng ở lễ Vu Lan mà cần phải thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Đó mới là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt lưu truyền từ ngàn đời.

Hoàng Lanh