Thứ 6, 15/11/2024, 13:20[GMT+7]

Kiến Xương chuyển mình

Thứ 7, 01/09/2018 | 09:22:41
2,665 lượt xem
Là địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước, cách mạng, Kiến Xương hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực.

Nhiều doanh nghiệp may lớn hoạt động trên địa bàn huyện.

Vang mãi bài ca cách mạng

Lịch sử huyện Kiến Xương gắn liền lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nơi đây đã có nhiều cán bộ cốt cán bổ sung cho Đảng, cho phong trào cách mạng của cả nước và của tỉnh trong thời kỳ 1930 - 1945 như các ông Nguyễn Công Chuẩn, Nguyễn Danh Đới, Phạm Thuần, Nguyễn Công Truyền, Nguyễn Văn Vực... 

Khi triển khai lệnh tổng khởi nghĩa, ngày 20/8/1945 nhiều làng ở Kiến Xương đã biểu tình thị uy hô vang các khẩu hiệu: “Việt Minh vạn tuế”, “Việt Nam độc lập vạn tuế”... Trước đó, cờ đỏ sao vàng, truyền đơn, khẩu hiệu, chương trình, điều lệ tóm tắt của Việt Minh đã được phát tán khắp nơi. Ngay trong ngày 20/8, lệnh tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng được truyền đến các làng trong toàn huyện. Đêm ngày 20/8, toàn dân hầu như không ngủ, mọi người may cờ, chặt tre làm gậy, mài dao, kiếm chuẩn bị cho sáng hôm sau kéo về phủ đường giành chính quyền. 

Đúng 13 giờ ngày 21/8, biển người từ các ngả đường kéo về vây quanh phủ lỵ Kiến Xương tại Phủ Sóc. Chỉ sau mấy phát súng hiệu, đoàn người đã kéo vào tịch thu toàn bộ súng đạn, hồ sơ, niêm phong công sở đồng thời biến phủ lỵ thành trụ sở UBND cách mạng lâm thời. 

Ngày 22/8/1945, các làng tiếp tục nổi dậy bắt bọn cường hào gian ác ra thú tội trước nhân dân và buộc bọn lý dịch phải nộp ấn tín, sổ sách. 

Đến ngày 25/8, hệ thống chính quyền cách mạng được thiết lập từ tổng đến xã. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân Kiến Xương cùng đồng bào cả nước thoát vòng nô lệ, trở thành người làm chủ của chế độ dân chủ, cộng hòa, tự do, độc lập.

Vùng đất chuyển mình

Hơn 70 năm đã trôi qua kể từ những ngày tháng tám hào hùng đó, cùng với các địa phương khác trong tỉnh, Kiến Xương đã có bước phát triển vượt bậc. Từ một vùng quê nghèo nay đã trở thành một huyện phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. 

Trong những năm gần đây, kinh tế của huyện tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị sản xuất tăng bình quân 9,6%/năm. Trong sản xuất nông nghiệp, Kiến Xương đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Toàn huyện có 24 xã, thị trấn có vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích gần 1.300ha, có trên 250ha đất đã được tích tụ với quy mô từ 2ha trở lên để sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra Kiến Xương còn mở rộng 1.170ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, quy hoạch vùng nuôi cá lồng trên sông và hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các xã duyên giang với diện tích gần 200ha. 

Xác định xây dựng nông thôn mới là khâu then chốt, động lực để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, 8 năm qua, Kiến Xương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và tổ chức lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2015 đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn của huyện được nâng cấp đã làm thay đổi cảnh quan, môi trường, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đến nay, bình quân các xã trong huyện đạt 17,5 tiêu chí/xã, 28/35 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Một góc thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương).

Bên cạnh đó, Kiến Xương tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tạo điều kiện cho các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển, vừa tạo việc làm vừa tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Kết quả, huyện có 7 cụm công nghiệp thu hút nhiều dự án lớn, 31 làng nghề, gần 10.000 cơ sở và hộ gia đình tham gia sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với trên 26.000 lao động có việc làm và thu nhập ổn định.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đảng bộ và nhân dân Kiến Xương tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, tập trung phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, khai thác mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu 100% xã về đích nông thôn mới trước năm 2020.


Ông Nguyễn Đức Cứu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện
Những năm qua, Hội Cựu chiến binh huyện luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào. Từ năm 2013, hội viên toàn Hội đã hiến 213.160m2 đất, ủng hộ 8,6 tỷ đồng, đóng góp 72.706 ngày công để xây dựng nông thôn mới. Không chỉ anh dũng trong thời chiến, hội viên còn giỏi phát triển kinh tế trong thời bình. Hiện tại toàn huyện có 92 gia trại, trang trại, 22 doanh nghiệp, hợp tác xã do cựu chiến binh làm chủ và có 37 mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực. Hàng năm, Hội đều tặng quà động viên thanh niên lên đường nhập ngũ. 5 năm qua có 98,16% gia đình hội viên đạt gia đình văn hóa, 94,8% hội viên đạt gương mẫu, 98,3% chi hội và 100% cơ sở hội đạt trong sạch, vững mạnh. 5 năm gần đây Hội đều đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và UBND tỉnh khen thưởng, UBND huyện tặng cờ thi đua.

Ông Vũ Ngọc Đường, khu Thống Nhất, thị trấn Thanh Nê

Sinh ra trên mảnh đất Kiến Xương có bề dày truyền thống  yêu nước, cách mạng với nhiều phong trào như “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng”..., tôi rất vinh dự được cống hiến một phần công sức của mình cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày đó, cuộc sống của người dân Kiến Xương vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng vẫn ra sức phấn đấu để trở thành hậu phương vững chắc phục vụ chiến trường. Kết thúc chiến tranh, thực hiện đường lối của Đảng, địa phương đã không ngừng phát triển toàn diện về mọi mặt, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, diện mạo nông thôn không ngừng đổi mới. Hòa chung với không khí đó, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tôi luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, mạnh dạn phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Đặc biệt, tôi đã tự nguyện phá bỏ tường bao, hiến gần 40m2 đất để chỉnh trang đô thị, góp phần đưa thị trấn Thanh Nê xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện.


Anh Trương Văn Chinh, Bí thư Huyện đoàn
Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như thực hiện công trình, phần việc thanh niên; đóng góp ngày công tham gia xây dựng, sửa chữa, cải tạo hạ tầng nông thôn; phát triển kinh tế; xây dựng đời sống văn hóa... 5 năm qua, các cấp bộ đoàn trong huyện đã thực hiện được 14 công trình cấp huyện, 405 công trình, phần việc thanh niên cấp cơ sở, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên còn tích cực thực hiện các chủ trương của huyện về phát triển kinh tế, đầu tư vốn sản xuất, tạo dựng thương hiệu, kinh doanh dịch vụ, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động với 145 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


Thu Thủy 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày