Chủ nhật, 17/11/2024, 23:13[GMT+7]

“Đánh thức” thương mại điện tử

Thứ 2, 03/09/2018 | 11:46:41
754 lượt xem
Ngày nay, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành phương tiện giao dịch quen thuộc, mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Nhận rõ xu hướng và thế mạnh của TMĐT, Sở Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy TMĐT phát triển, trong đó tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nhanh môi trường thương mại này.

Ảnh minh họa.

TMĐT là các hoạt động giao dịch, mua bán, thanh toán, đặt hàng, quảng cáo và giao hàng… thông qua internet và các phương tiện điện tử khác. Nó giúp các nhà cung cấp sản phẩm tiếp cận trực tiếp và nhanh nhất với người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn ít quan tâm, chưa phát huy tối đa thế mạnh của loại hình thương mại này cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. 

Trong tổng số hơn 6.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động ở Thái Bình, mới có khoảng 60% số doanh nghiệp đã tham gia giao dịch TMĐT thông qua Email, website; trong số đó có rất ít doanh nghiệp duy trì hoạt động website thường xuyên nên chưa phát huy hiệu quả. Phần lớn các doanh nghiệp mới dừng lại ở việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp tới khách hàng mà chưa thiết lập môi trường đặt đơn hàng, ký kết hợp đồng, mua bán, thanh toán trực tuyến. Nguyên nhân là do kiến thức pháp luật, nhận thức về TMĐT còn hạn chế, thiếu kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, nguồn lực hạn chế, thanh toán điện tử trong các giao dịch trực tuyến giữa doanh nghiệp với khách hàng còn thấp...

Để thúc đẩy TMĐT phát triển, thời gian qua, Phòng Xuất nhập khẩu (Sở Công Thương) phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức. Năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018, đơn vị đã tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền pháp luật về TMĐT cho trên 1.200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ cửa hàng; phát hành sổ tay TMĐT nhằm thông tin tới doanh nghiệp vai trò, lợi ích của TMĐT. Mở 4 khóa tập huấn về kỹ năng sử dụng website và khai thác các sàn giao dịch TMĐT cho 750 đối tượng là chủ doanh nghiệp, sinh viên năm cuối khối ngành kinh tế Trường Đại học Thái Bình nhằm chuẩn bị tốt nguồn nhân lực phát triển TMĐT.

Từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã đầu tư hỗ trợ kinh phí cho 31 doanh nghiệp xây dựng website riêng, duy trì tên miền 1 năm đầu và tham gia thành viên uy tín trên Cổng TMĐT quốc gia, liên kết với sàn giao dịch TMĐT của tỉnh. Phòng Xuất nhập khẩu cũng phân công cán bộ theo dõi, hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng website có hiệu quả và hoạt động theo quy định của pháp luật. Tổ chức tư vấn cho doanh nghiệp triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, quy trình kinh doanh theo mô hình B2C tiên tiến trên thế giới, cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, cách thức quảng bá, marketing hiệu quả cho website. 

Cũng như nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý, ông Đào Đức Hưng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu bánh kẹo Bảo Hưng cho biết: Việc duy trì thông tin, giao dịch TMĐT thường xuyên trên trang web của công ty giúp cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm mới tới khách hàng nhanh chóng; tạo niềm tin cho đối tác và người tiêu dùng vào thương hiệu Bảo Hưng. Việc ứng dụng TMĐT còn góp phần không ngừng mở rộng thị trường, nâng cao doanh thu và phát triển công ty một cách ổn định, bền vững.

Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu bánh kẹo Bảo Hưng tích cực ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động của doanh nghiệp.

Từ khi hoàn thiện và đưa vào hoạt động đến nay, sàn giao dịch TMĐT Thái Bình đã thu hút được gần 140 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia với trên 1.300 sản phẩm được đăng tải. Đây là kênh thông tin hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thông tin, hình ảnh, tính năng của sản phẩm qua đó giúp khách hàng có thể tìm kiếm được những mặt hàng bảo đảm uy tín, chất lượng. 

Để quảng bá rộng rãi sàn TMĐT của tỉnh đến nhiều đối tượng khách hàng, trong những năm qua, Sở Công Thương cũng tăng cường quảng bá sàn TMĐT của tỉnh trên các cổng thông tin điện tử uy tín của Bộ Công Thương. 

Ông Vũ Ngọc Khiếu, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thực hiện kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2020, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng TMĐT, đào tạo nguồn nhân lực và có những cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng TMĐT nhằm thúc đẩy hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh phát triển phù hợp với xu thế và tình hình mới.

*Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 60% doanh nghiệp có website riêng, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm; 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng TMĐT trên internet hoặc trên nền tảng di động; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại thực hiện lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Duy trì, phát triển sàn giao dịch TMĐT của tỉnh tiến tới liên kết với các đơn vị có liên quan, kết nối với các sàn TMĐT có uy tín trong và ngoài nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch TMĐT của tỉnh thực hiện đặt hàng và thanh toán trực tuyến, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường; khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp kinh doanh bằng TMĐT.

Khắc Duẩn