Thứ 5, 14/11/2024, 11:12[GMT+7]

Thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công

Thứ 2, 03/09/2018 | 14:26:13
1,735 lượt xem
Quan tâm, chăm lo tới gia đình chính sách và người có công với cách mạng là truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc. Những năm qua, cùng với sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh luôn chú trọng phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc thông qua những việc làm, hành động cụ thể: giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách; xây nhà ở, thăm hỏi, tặng quà... các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Trong những năm qua, hầu hết người có công đã được hưởng đúng, đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước; phạm vi, đối tượng thuộc diện hưởng chính sách ngày càng được mở rộng; chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi từng bước được cải thiện. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “Xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ”… được phát triển sâu rộng ở các địa phương, nhằm phát huy mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng, cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng. Việc rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được tiến hành thường xuyên nhằm bảo đảm chính xác, công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng. 

Tính đến nay, toàn tỉnh có gần 40 vạn người được xác nhận và giải quyết chính sách, có trên 70.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên. Trong việc giải quyết hồ sơ người có công xác lập mới, 5 năm (2012 - 2017) thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, toàn tỉnh đã xác nhận và giải quyết trên 15.000 trường hợp hưởng chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Hàng nghìn gia đình người có công khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây mới. 

Thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/4/2013 về hỗ trợ nhà ở cho người có công, đến nay toàn tỉnh đã có 6.498 hộ người có công được hỗ trợ cải thiện nhà ở với tổng kinh phí trên 260 tỷ đồng. Ngoài chính sách hỗ trợ nhà ở, hàng năm đã trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho trên 5.000 người có công và thân nhân liệt sĩ, cấp thẻ BHYT cho 171.000 người có công và thân nhân người có công.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian qua đó là triển khai việc rà soát đối tượng hưởng chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. 

Thực hiện Kết luận số 44 của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại tỉnh Thái Bình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành rà soát trên 7.024 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 26 của Chính phủ. Sau rà soát đã có 3.499 trường hợp phải bổ sung giấy tờ chứng minh chiến trường để hoàn thiện hồ sơ theo quy định. 

Đến nay, hầu hết các trường hợp đã bổ sung được giấy tờ chứng minh chiến trường theo quy định. Ngoài ra, Sở cũng đã triển khai rà soát giấy tờ chiến trường của 11.559 hồ sơ theo Nghị định số 54 của Chính phủ và thực chứng 13.513 trường hợp con đẻ người hoạt động kháng chiến để làm cơ sở giải quyết chính sách cho đối tượng trực tiếp và đối tượng gián tiếp.

Nhiều gia đình người có công được quan tâm hỗ trợ cải thiện nhà ở, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cùng với việc quan tâm chăm lo và giải quyết các chế độ, chính sách đối với gia đình chính sách và người có công với cách mạng, những năm qua, các đối tượng chính sách, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, bệnh tật, sống gương mẫu cho thế hệ trẻ noi theo. Nhiều thương binh, bệnh binh, nhiều gia đình có công đã được vinh danh lao động sản xuất giỏi, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Những kết quả trong công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng đã góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo nên nét đẹp trong đời sống văn hóa - xã hội.

Mặc dù đã đạt những kết quả nhất định về công tác chăm sóc gia đình chính sách và người có công với cách mạng, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, tồn tại cần sớm giải quyết. Vẫn còn trường hợp người có công chưa hoàn thiện được thủ tục hồ sơ để hưởng chính sách; một số gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công... điều kiện kinh tế khó khăn. Một số nghĩa trang, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ chưa được khang trang, nhiều mộ của liệt sĩ chưa thể biết tên; vẫn còn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Đây là những trăn trở, day dứt chúng ta cần tiếp tục quan tâm giải quyết. 

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc người có công, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các ngành, các địa phương tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc và những kết quả của công tác thương binh, liệt sĩ và người có công trong những năm qua. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, chu đáo các chế độ, chính sách ưu đãi người có công; giải quyết dứt điểm những tồn đọng về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công trong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến… để người có công và thân nhân người có công được hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày