Thứ 7, 16/11/2024, 18:32[GMT+7]

Trường Tiểu học Quang Trung: Gồng mình đón năm học mới

Thứ 2, 10/09/2018 | 08:26:33
2,918 lượt xem
Những ngày này, khi các trường học trên địa bàn tỉnh tưng bừng đón năm học mới trong không khí vui tươi, phấn khởi thì thầy và trò Trường Tiểu học Quang Trung (Kiến Xương) lại phải “gồng mình” tăng tiết, tăng ca, học cả thứ bảy và chủ nhật, học trong những phòng học tạm bợ, chật hẹp như nhà ăn, thư viện, phòng hội đồng... Nguyên nhân là do một dãy nhà 10 phòng học của Trường đã xuống cấp trầm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Duy Khánh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quang Trung cho biết: Trường Tiểu học Quang Trung có hai dãy nhà trong đó dãy nhà gồm 10 phòng học được xây dựng từ năm 1986 nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Để bảo đảm an toàn cho học sinh, địa phương đã quyết định đóng cửa, tạm thời niêm phong các lớp học đó, chấp nhận khắc phục khó khăn. Việc đóng cửa 10 phòng học đã ảnh hưởng tới số lớp học của Trường, dẫn tới tình trạng thiếu phòng học. Trước thực trạng đó, địa phương đã đưa ra nhiều phương án trong đó lựa chọn phương án tổ chức học theo ca, học cả thứ bảy, chủ nhật, tăng số tiết trong 1 buổi và tăng số buổi học trong 1 tuần.

Cô giáo Trần Thị Toan, Phó Hiệu trưởng nhà trường dẫn chúng tôi đi thực tế dãy nhà 2 tầng với 10 phòng học đã được niêm phong. Ngay từ lối đi, cầu thang, lan can, bên trong phòng học đều đã hư hỏng nặng, rêu phong, vết loang lổ, vôi vữa bong tróc bao phủ, nền phòng học nhiều chỗ nước mưa ứ đọng, phía trên mái nước ngấm dột, có chỗ chảy thành dòng. Chúng tôi cảm nhận dãy nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào, việc ngừng dạy và học là một quyết định cấp thiết để bảo vệ tính mạng của các thầy cô giáo và hàng trăm học sinh. 

Cô giáo Trần Thị Toan cho biết: Hiện tại, nhà trường có 536 học sinh, cần tới 19 lớp học, tuy nhiên do thiếu giáo viên, cơ sở vật chất không bảo đảm, phòng học không đủ nên phải dồn lại còn 18 lớp. Song thực tế hiện tại nhà trường mới chỉ có 10 phòng học trong đó có 3 phòng tận dụng để khắc phục tình trạng thiếu lớp học buộc nhà trường phải tổ chức học tăng ca, tăng giờ và tận dụng tất cả các phòng như thư viện, nhà ăn, phòng hội đồng để chuyển thành phòng học. Vì thế, nhà trường phải dạy 8 tiết/ngày và lồng ghép các tiết chào cờ, sinh hoạt, tiết thể dục, tiết âm nhạc để đủ số lượng tiết học theo quy định. Việc tăng tiết học như vậy sẽ gây quá tải đối với học sinh, cả thầy cô và học sinh đều mệt mỏi. Ngoài ra, việc học theo ca rất bất cập, nhất là đối với khối lớp 1 khi các cháu còn nhỏ cần phải rèn giũa, uốn nắn ngay từ đầu vào thì lại bị cách đoạn do không có lớp học và mức độ tiếp thu kiến thức không được liên hoàn. 

Theo các thầy cô giáo, việc dạy và học dồn như vậy sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy cũng như việc tiếp thu kiến thức của các em học sinh. Trước thực trạng trên, nhiều gia đình đã lựa chọn phương án chuyển con em mình sang trường khác học. Hiện tại có hơn 70 học sinh ở xã Quang Trung đã xin chuyển trường sang các địa phương lân cận; trong đó, tính riêng trong 10 ngày qua có 30 cháu chuyển trường, chỉ khi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kiến Xương có ý kiến không cho các trường lân cận tiếp nhận học sinh thì việc chuyển trường mới dừng lại.

Cô giáo Bùi Thị Thuyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 5B, Trường Tiểu học Quang Trung cho biết: Từ đầu năm học tới nay, lớp chỉ có 2 cháu chuyển trường nhưng nhiều lớp chuyển cả 5 - 7 cháu, đây là thiệt thòi lớn đối với nhà trường. Điều bất cập nhất theo cô giáo Thuyên là nhiều phụ huynh có ngày nghỉ cuối tuần để chăm sóc các cháu hoặc đưa các cháu đi thăm gia đình, người thân hoặc đi chơi nhưng các cháu lại phải đi học. Ngược lại, những ngày phụ huynh đi làm các cháu lại ở nhà (nhà trường nghỉ xen kẽ) không có người trông coi. Đặc biệt, việc tăng tiết trong buổi học khiến các thầy cô phải giảng dạy liên tục, rất mệt mỏi và áp lực.

Trong trạng thái lo lắng, ông Đặng Văn Tiến, hội trưởng hội phụ huynh nhà trường cho biết: Vì sự an toàn cho con em, mấy năm nay hội phụ huynh cũng như nhà trường đã đề nghị lãnh đạo xã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là khu nhà 2 tầng xuống cấp để con em có chỗ học tập. Tới năm học này chúng tôi đã kiến nghị nhà trường, chính quyền địa phương không tiếp tục bố trí lớp học trong dãy nhà 2 tầng xuống cấp quá nguy hiểm đến tính mạng con em chúng tôi. Hiện tại các cháu phải học luân phiên cả ngày thứ bảy và chủ nhật gây nhiều khó khăn cho phụ huynh và ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng học tập. Điều mong muốn nhất của các bậc phụ huynh hiện nay là xã sớm xây dựng trường để có đủ phòng học cho các cháu.

Ngôi trường đã xuống cấp trầm trọng.

Ông Nguyễn Duy Khánh, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm: Cái vướng nhất của Quang Trung là địa phương mới về đích nông thôn mới nhưng lại có nợ đọng xây dựng cơ bản nên không thể khởi công xây mới các công trình. Song đây là trường hợp đặc biệt nên xã chỉ cần có nguồn để trả nợ sẽ được tiến hành xây dựng. Do đó, địa phương đã quy hoạch khu trung tâm xã để đấu giá đất và đã làm công tác vận động thỏa thuận với người dân. Từ cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đều đồng thuận, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận người dân vẫn chưa thống nhất về giá đền bù giải phóng mặt bằng. Dự trù kinh phí xây dựng 10 phòng học mới khoảng 8 tỷ đồng, người dân địa phương sẵn sàng ủng hộ 200.000 đồng/khẩu, với 9.000 nhân khẩu số tiền có được là 1,8 tỷ đồng nhưng đến nay chủ trương xây trường vẫn chưa được thực hiện.

Để hóa giải bài toán khó, địa phương đang tập trung làm tốt công tác dân vận, huy động sự vào cuộc từ chính quyền thôn, mặt trận, các đoàn thể đồng thời có phương án sẽ trả đất ở những vị trí khác cho những hộ không nhận tiền đền bù, quyết tâm khởi công xây dựng Trường Tiểu học Quang Trung trong năm 2018.

Nguyễn Tùng - Thu Thủy 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày