Thứ 6, 15/11/2024, 15:40[GMT+7]

Chuyện ở Đông Lâm

Thứ 3, 11/09/2018 | 08:58:54
4,549 lượt xem
Với người dân Đông Lâm (Tiền Hải), Cách mạng Tháng Tám sống mãi và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đình Thanh Giám (xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải) - nơi tập hợp quần chúng đi biểu tình ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930.

Thời khắc lịch sử

88 năm trước, Đông Lâm (Tiền Hải) là nơi khởi điểm của tiếng trống mở đầu cuộc biểu tình đấu tranh của nông dân Tiền Hải. Ngày đó, cao trào đấu tranh Xô Viết Nghệ Tĩnh vang dội khắp cả nước nhưng bị thực dân Pháp khủng bố đẫm máu.

Không chịu khuất phục trước áp bức của thực dân Pháp, ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ngày 14/10/1930, tại xã Đông Lâm, tiếng trống từ đình Nho Lâm hòa cùng tiếng trống ở đình Thanh Giám thúc làm hiệu lệnh, tiếp đó là tiếng tù và, loa tay, tiếng trống ngũ liên vang lên khắp các làng. Cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng nghìn người của các tổ chức quần chúng Nông hội đỏ, Thanh niên, Phụ nữ cứu quốc, các hội ái hữu... Đoàn người làng Nho Lâm, Thanh Giám cùng làng Đông Cao (xã Tây Tiến) cùng tiến vào huyện lỵ biểu tình ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và không được áp bức dân lành. Một khí thế hào hùng, sôi động chưa từng có diễn ra trên mảnh đất Tiền Hải. 

Những hoạt động đấu tranh của nhân dân Đông Lâm dưới sự lãnh đạo của Đảng có tiếng vang rộng lớn trong cả nước đã góp phần không nhỏ đưa khí thế cách mạng ở nhiều nơi trong cả nước ngày càng dâng cao trong những ngày tiền khởi nghĩa. 

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân Đông Lâm cùng nhân dân cả nước đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.

Miền quê cách mạng trên đà đổi mới

Tiếp nối truyền thống kiên cường, dũng cảm của các thế hệ cha anh, ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Lâm đang ra sức xây dựng quê hương văn minh, giàu mạnh. 

Từ một vùng đất nghèo bị áp bức, ngày nay Đông Lâm thực hiện chủ trương của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một trong những xã kinh tế phát triển thuộc tốp đầu huyện Tiền Hải. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế. Những con đường đất ngày nào giờ đã được mở rộng cứng hóa bê tông tạo thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa. Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Công tác giáo dục, y tế, văn hóa được quan tâm và không ngừng được cải thiện, nâng cao. Đông Lâm đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới năm 2014. Là xã tiêu biểu được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xây dựng nông thôn mới. 

Ông Trần Văn Ơn, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Những năm qua, phát triển kinh tế được Đảng bộ, chính quyền xã xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Vì thế, hàng năm Đảng bộ xã đã xây dựng nghị quyết với những chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, sát thực tế địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các đoàn thể đẩy mạnh công tác phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện các mô hình liên doanh, liên kết trong đầu tư, sản xuất. Các công ty, xí nghiệp chuyên sản xuất sứ dân dụng được đầu tư xây dựng, mở rộng góp phần chuyển dịch lao động làm nông nghiệp sang làm công nhân nâng cao thu nhập cho người lao động... Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được bảo đảm, không để dịch bệnh xảy ra. Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế ngày càng được khẳng định đúng hướng, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, số hộ khá và hộ giàu nhiều hơn. Các giá trị văn hóa truyền thống của làng quê vẫn được giữ gìn, phát huy. Hàng năm, chính quyền và các đoàn thể đều chăm lo, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, người có công với cách mạng...

Mạnh Thắng