Chủ nhật, 24/11/2024, 00:21[GMT+7]

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Thứ 3, 18/09/2018 | 08:44:12
3,139 lượt xem
Toàn tỉnh hiện có 6.244 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề. 7 tháng đầu năm có 507 doanh nghiệp, 179 chi nhánh, văn phòng đại diện mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký hơn 2.233 tỷ đồng.

Nhờ liên kết sản xuất, 100% hàng hóa của Công ty TNHH Da giày xuất khẩu Thành Phát (xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình) tiêu thụ hết và có mặt ở 27 quốc gia trên thế giới.

Cùng với sự chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tái cơ cấu, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức liên kết, hỗ trợ nhau phát triển, có địa bàn hoạt động cả ở nước ngoài và tham gia xuất khẩu hàng hóa. 

Theo Chi cục Hải quan Thái Bình, đến nay có 273 doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu mở tờ khai tại Hải quan để thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa. Kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2018 toàn tỉnh ước đạt 1.856 triệu USD. Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao số nộp ngân sách cho nhà nước. Năm 2017, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã nộp ngân sách nhà nước 4.495 tỷ đồng, chiếm 65% tổng thu ngân sách của tỉnh; 6 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp đã nộp ngân sách 1.594 tỷ đồng, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 33.000 lao động.

Mặc dù có sự lớn mạnh đáng ghi nhận song thời gian qua và hiện nay cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì sản xuất, kinh doanh. 

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Có tới 97% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên sản xuất, kinh doanh, hội nhập gặp rất nhiều khó khăn. Năng lực quản trị kinh doanh hạn chế; vốn đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu; công nghệ sản xuất lạc hậu, năng suất lao động thấp; chưa có nhiều mặt hàng, sản phẩm quy mô lớn, tính cạnh tranh cao; thị trường tiêu thụ hạn hẹp... Đây là những “rào cản” khiến các doanh nghiệp khó có cơ hội tồn tại, phát triển.

Không chỉ có vậy, theo nhiều doanh nghiệp, việc tiếp cận các nguồn quỹ ưu đãi của nhà nước như quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chỉ đạo của Chính phủ vẫn còn khó khăn do các quy định về thủ tục hành chính. Thuế thu nhập doanh nghiệp, giá thuê đất mặc dù đã được nhà nước, tỉnh điều chỉnh nhưng vẫn ở mức cao. Riêng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp dù rất thiếu vốn sản xuất nhưng khó tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng vì các quy định về điều kiện thế chấp, thủ tục vay vốn và lãi suất cao vượt khả năng của doanh nghiệp. 

Ông Lưu Huy Hà, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Hà cho biết: Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Riêng trong hoạt động vận tải hành khách, hiện nay xuất hiện nhiều xe nhái, xe dù hoạt động trá hình, phá vỡ trật tự vận tải hành khách trên các tuyến, làm giảm doanh thu của doanh nghiệp và gây thất thu thuế cho nhà nước. Thêm vào đó, hiện tượng nhái thương hiệu của nhiều nhà xe vừa gây thất thu cho doanh nghiệp có thương hiệu đã được bảo hộ độc quyền vừa làm giảm uy tín mà doanh nghiệp đã dày công xây dựng.

Xuất phát từ ý kiến của nhiều doanh nghiệp về việc khó tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thủ tục cấp phép đầu tư, tại buổi làm việc của UBND tỉnh với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, ông Đoàn Hồng Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thiếu năng lực xây dựng dự án, không nắm rõ quy định của pháp luật về lĩnh vực đầu tư, đất đai dẫn tới lập dự án, hồ sơ dự án, hồ sơ đăng ký kinh doanh không đạt yêu cầu nên không được phê duyệt.

Công ty TNHH May TexHong Thái Bình (khu công nghiệp Phúc Khánh, thành phố Thái Bình) đầu tư hệ thống tự động hóa một số khâu trong quy trình sản xuất nâng cao năng suất lao động.

Những bất cập đó là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp khi đi vào hoạt động gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp khởi nghiệp khó thành công và thực tế có không ít doanh nghiệp mới thành lập đã phải ngừng hoạt động. 

Theo ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Để giải quyết bài toán này, trước hết, các doanh nghiệp phải tự nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trình độ quản lý, đầu tư có chiều sâu cả về khoa học công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực, năng động tìm kiếm, mở rộng thị trường; tăng cường kết nối, liên kết doanh nghiệp tạo sức mạnh của cả cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ nhau phát triển.

Song song với đó, các cơ quan chức năng cũng xem xét có những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Có như vậy, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mới “sống khỏe” trước nhiều thách thức, rủi ro trong sân chơi hội nhập và mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 có hơn 9.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả mới có thể đạt được.

Hà Thanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày