Thứ 7, 23/11/2024, 12:41[GMT+7]

Tháo “nút thắt” trong xử lý nợ xấu (Kỳ 2)

Thứ 4, 19/09/2018 | 08:21:45
2,933 lượt xem
Không thể phủ nhận ảnh hưởng to lớn của Nghị quyết số 42 đối với công tác xử lý nợ xấu (XLNX) của ngành Ngân hàng. Nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết để Nghị quyết thực sự là hành lang pháp lý quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong toàn ngành.

Nghị quyết số 42 tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý nợ xấu.

KỲ 2: Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Một trong những khó khăn lớn nhất phát sinh trong quá trình XLNX đó là việc thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) là bất động sản (nhà ở, nhà xưởng, tài sản gắn liền với đất) do khách hàng không hợp tác trong việc bàn giao tài sản, không phối hợp trong xử lý TSBĐ, cố tình chây ỳ, trốn tránh, không hợp tác với ngân hàng và các cơ quan chức năng. 

Ông Phạm Bá Tuyển, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình cho biết: Rất khó khăn cho Chi nhánh khi phải thu giữ TSBĐ để XLNX bởi theo khoản d, mục 2, điều 7 của Nghị quyết số 42, “Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền; không đang bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật” nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể thế nào là tài sản đang tranh chấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp là khác nhau, gây khó khăn khi xử lý TSBĐ theo Nghị quyết số 42. Đến ngày 31/7/2018, Chi nhánh đã thu hồi được 11,522 tỷ đồng nợ xấu, từ đó giảm tỷ lệ nợ xấu của Chi nhánh xuống còn 0,2%, giảm 0,22% so với thời điểm 31/8/2017 và hiện đang khởi kiện ra tòa án 9 khách hàng với tổng số tiền 135,063 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh, việc XLNX gặp khó khăn đối với các khoản vay thực hiện theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đến nay, Chi nhánh đã cho vay 3/8 tàu trên địa bàn tỉnh với tổng dư nợ 43 tỷ đồng; khoản vay này đã phát sinh nợ xấu 30 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng nợ xấu của Chi nhánh. 

Theo ông Phan Văn Sử, Giám đốc Chi nhánh, nguyên nhân của việc phát sinh nợ xấu này là do ngân hàng không có công cụ hữu hiệu để theo dõi, quản lý, giám sát hoạt động của các tàu; các cơ quan quản lý nhà nước không giám sát được tọa độ, lịch trình, khu vực khai thác của tàu; chủ tàu cố tình chây ỳ không trả nợ. Với số tiền nợ xấu này, rất khó khăn cho Chi nhánh khi thu giữ, xử lý bởi TSBĐ có tính chất đặc thù, giá trị lớn lại liên quan đến các cơ chế, chính sách được quy định tại Nghị định số 67. Còn đối với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Chi nhánh Thái Bình, việc XLNX gặp khó khăn do người vay bị chết, bỏ đi khỏi địa phương, vi phạm kỷ luật bị cơ quan, doanh nghiệp sa thải hoặc bỏ việc, không còn thu nhập để trả nợ.

Cùng với những khó khăn trong xử lý TSBĐ, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh còn gặp vướng mắc do sự phối hợp triển khai các giải pháp về xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được thực hiện quyết liệt, đầy đủ; việc thực hiện nội dung liên quan đến việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ còn nhiều bất cập; quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là TSBĐ cho các khoản nợ mà các cá nhân, tổ chức mua lại từ Công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) còn nhiều khó khăn... Ngoài ra, việc thực hiện các giải pháp XLNX, TSBĐ của các khoản nợ xấu còn hạn chế do chưa có thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp, dẫn đến việc mua bán nợ xấu chưa thật sự sôi động, các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều. Đến ngày 14/8/2018, tổng nợ xấu các TCTD trên địa bàn tỉnh đã bán cho VAMC theo giá thị trường là 10,055 tỷ đồng, chiếm 4,4% tổng nợ xấu đã xử lý của toàn ngành.

Để nâng cao hiệu quả công tác XLNX, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh kiến nghị cần có cơ chế, chính sách riêng về xử lý nợ đối với các khoản cho vay theo Nghị định số 67 của Chính phủ; công an các cấp tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác giữ gìn, bảo đảm an ninh trật tự và hỗ trợ các TCTD trong trường hợp cần thiết khi thu giữ TSBĐ của các khoản nợ xấu, kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi chống đối; thống nhất biện pháp xử lý đối với các trường hợp thế chấp tài sản là nhà ở gắn liền với đất (khi đây là tài sản duy nhất của khách hàng bởi liên quan đến quyền về nhà ở của công dân)...

Việc triển khai Nghị quyết số 42 được ngành Ngân hàng thực hiện rất quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ nợ xấu trong toàn ngành. Với những kiến nghị, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh và các TCTD trên địa bàn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp và trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

(Đồng chí Phạm Văn Tuân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh)


(Tiếp theo và hết)

Minh Hương