Tiền Hải : Phát triển nuôi tôm công nghệ cao
Vùng nuôi tôm của Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu (MTV XNK) Thái Bình (xã Nam Thịnh) là một trong những mô hình nuôi tôm công nghệ cao được triển khai thành công, từng bước mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp đầu tư.
Theo ông Vũ Văn Hải, đại diện Công ty TNHH MTV XNK Thái Bình cho biết: Mô hình nuôi tôm công nghệ cao được xây dựng đầu tiên trong huyện Tiền Hải với diện tích hơn 100ha, số vốn đầu tư ban đầu trên 50 tỷ đồng. Mô hình được xây dựng quy mô khép kín, quy trình vận hành khá nghiêm ngặt. Nuôi tôm công nghệ cao tuy mật độ thả nuôi dày nhưng không dùng kháng sinh, quản lý được thức ăn, môi trường nên thu hoạch gần như là tôm sạch. Việc nuôi tôm đạt tỷ lệ thành công trên 90%, năng suất đạt trên 30 tấn/ha tăng gấp nhiều lần so với nuôi ao đất truyền thống. Với mô hình nuôi tôm, Công ty chỉ sử dụng khoảng 50% diện tích làm ao nuôi, diện tích còn lại được xây dựng ao ương, ao lắng, ao xử lý nước… Hiện nay, diện tích nuôi thả tôm của Công ty đã đạt 50ha.
Ông Hải cho biết thêm, với cách nuôi truyền thống trong ao đất, thường thả 70 con giống/m2 thì với tôm công nghệ cao thả đến 300 con/m2. Đặc biệt vùng nuôi tôm đều xây dựng ao ương dưỡng để kiểm soát tôm giống trong 25 - 30 ngày đầu tiên rồi mới thả sang ao nuôi. Diện tích ao nuôi đều có hệ thống bạt ngăn chim và các động vật khác xâm nhập, giữ ổn định nhiệt độ ao nuôi vào mùa đông. Điều này sẽ góp phần tránh cho tôm khỏi mang mầm bệnh đốm trắng, bị hoại tử gan tụy khắc phục được tôm chết hàng loạt khi mới xuống giống. Ngoài ra, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Công ty đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 50 lao động. Không chỉ có các doanh nghiệp đầu tư vào nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Tiền Hải mà nhiều hộ dân cũng đã phát triển nuôi tôm theo công nghệ cao.
Với diện tích 5.000m2 nuôi tôm công nghệ cao, vụ nuôi tôm năm 2017 anh Nguyễn Văn Nhàn ở thôn Đức Cường, xã Nam Cường đã giành thắng lợi, trừ chi phí đạt lợi nhuận 280 triệu đồng.
Anh Nhàn chia sẻ: Hệ thống ao nuôi công nghệ cao phải tuân thủ quy trình có đầy đủ lưới, ao có lót bạt, có hố xi-phông… bảo đảm môi trường ao nuôi. Những năm trước đây, nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất, gặp thất bại nhiều hơn thành công vì rủi ro dịch bệnh.
Sau khi đi tham quan, học hỏi mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở các tỉnh bạn, anh Nhàn đã quyết định thay đổi tư duy về nuôi trồng thủy sản. Ngoài đầu tư diện tích nuôi thả tôm, anh Nhàn tích cực tham dự các lớp tập huấn về cách phòng, chống bệnh trong lĩnh vực thủy sản. Lựa chọn giống chất lượng ở cơ sở uy tín tại địa phương. Khi chuyển qua nuôi tôm công nghệ cao, anh Nhàn đã chủ động kiểm soát môi trường nuôi nên hạn chế được rất nhiều nguy cơ dịch bệnh cho con tôm. Đồng thời đầu tư thiết bị cho tôm ăn tự động, hút xả đáy theo giờ đã được cài đặt vận hành theo quy trình. Mỗi lứa tôm nuôi trung bình trên 80 ngày, cộng với thời gian xử lý ao thì một năm anh Nhàn nuôi được 3 vụ.
Đặc biệt, mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã đáp ứng điều kiện sống của tôm khi nuôi vụ đông, khi nhiệt độ bên trong và ngoài chênh lệch 7 - 8 độ C. Nhiệt độ dưới nước vào khoảng 27 - 32 độ C, bảo đảm thích nghi của tôm và mang lại lợi nhuận cao khi bán ra thị trường những ngày giáp tết Nguyên đán.
Nuôi tôm công nghệ cao của gia đình anh Nhàn, thôn Đức Cường, xã Nam Cường (Tiền Hải).
Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Hiện nay, nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn huyện Tiền Hải đạt khoảng 250ha, trong đó có khoảng 60ha nuôi tôm công nghệ cao. Dịch bệnh trên tôm luôn là điều ám ảnh người nuôi tôm trong nhiều năm gần đây. Việc ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao đã cơ bản giải quyết vấn đề này. Trong đó, giúp kiểm soát được dịch bệnh, giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng của môi trường xung quanh… Để tăng năng suất, sản lượng, tăng số vụ tôm nuôi, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn Tiền Hải đã áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao như dùng máy cho ăn tự động, hệ thống cung cấp oxy tự động và hệ thống vệ sinh đất ao nuôi đã bảo đảm môi trường...
Thời gian tới, Tiền Hải chú trọng đến việc quy hoạch các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để thu hút các tổ chức, cá nhân có năng lực về tài chính vào đầu tư. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để tái cơ cấu lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững trên địa bàn.
Mạnh Thắng
Tin cùng chuyên mục
- Lần đầu tiên tổ chức giải cờ tướng Việt Nam - Đài Bắc Trung Hoa 23.11.2024 | 21:05 PM
- Khai trương đại lý Skoda Thái Bình 23.11.2024 | 21:07 PM
- Chung kết cuộc thi hùng biện tiếng Anh dành cho học sinh THCS cấp tỉnh 23.11.2024 | 20:03 PM
- ĐT Việt Nam sang Hàn Quốc chuẩn bị cho AFF Cup 23.11.2024 | 20:03 PM
- Trung Quốc phát hiện mỏ vàng khổng lồ trị giá hàng trăm tỷ USD ở tỉnh Hồ Nam 23.11.2024 | 16:58 PM
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.11.2024 | 17:03 PM
- Cơ sở thu giữ CO2 bằng điện gió đầu tiên trên thế giới 23.11.2024 | 14:09 PM
- Ký ức đẹp với một vùng quê lúa 23.11.2024 | 12:33 PM
- Mẹo giúp món chiên giòn ít ngấm dầu mỡ 23.11.2024 | 12:36 PM
- Thành phố Hồ Chí Minh vào top điểm đáng ghé thăm ở châu Á năm 2025 23.11.2024 | 17:03 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng