Thứ 6, 15/11/2024, 05:14[GMT+7]

Đông Thọ: Ô nhiễm từ làng nghề miến dong

Thứ 2, 01/10/2018 | 08:54:36
2,909 lượt xem
Vài năm nay, xã nông thôn mới Đông Thọ, thành phố Thái Bình đã có nhiều đổi thay. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập tăng cao nhưng người dân vẫn đang phải sống chung với ô nhiễm môi trường.

Những nguồn nước ô nhiễm trầm trọng.

Sau bao thăng trầm, hiện làng nghề miến dong xã Đông Thọ chỉ còn 14 hộ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hàng trăm hộ dân sống ven hệ thống sông trục, rãnh thoát nước tại 2 thôn Đoàn Kết và Thống Nhất đang phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải của các cơ sở sản xuất miến. 

Đến làng nghề, chúng tôi cảm nhận sự thay da đổi thịt của mảnh đất này. Đường làng ngõ xóm đều được bê tông hóa, thông thoáng, sạch đẹp nhưng đi đến đâu cũng bắt gặp nước thải ở tất cả cống rãnh thoát nước làng nghề một màu đen kịt. Sau khi mục sở thị tại các cơ sở sản xuất miến dong thì có thể khẳng định, hầu hết các cơ sở sản xuất ở đây đều chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc có cũng chỉ là hình thức. Các hộ xả chất thải trực tiếp ra cống rãnh. Mùa nắng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, mùa mưa, nước bẩn theo các con mương tràn vào khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước và không khí. 

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Cao Luyện cho biết, quy trình sản xuất miến dong còn thủ công, cá thể, chưa tập trung quy hoạch thành các cơ sở lớn, mạnh ai người ấy làm. Sau nhiều năm sản xuất, đến nay các công đoạn làm miến dong ở Đông Thọ đã được áp dụng nhiều loại máy móc khác nhau để tăng hiệu quả và năng suất. Mỗi lò sản xuất đều đầu tư 3, 4 loại máy khác nhau như: nồi hơi, máy trộn bột, máy tráng, máy ra sợi… Tuy làng nghề đã bị thu hẹp nhưng quy mô từng hộ lại lớn hơn. Trung bình mỗi hộ sản xuất từ 60 - 70 tấn bột dong/tháng. Lợi nhuận từ 100 - 300 triệu đồng/hộ/năm nhưng hàng nghìn mét khối nước chưa qua xử lý đang được xả thải trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống hàng ngày của người dân.

Bà Trần Thị Hằng, thôn Thống Nhất bức xúc: Chất thải của làng nghề tích tụ lâu năm ảnh hưởng lớn đến nguồn nước. Nước thải từ hoạt động ngâm ủ bột dong có mùi hôi thối, chua nồng, lại không được tiêu thoát, chỉ luẩn quẩn hệ thống cống rãnh quanh xã thì sao mà không ô nhiễm? 

Chị Nguyễn Thị Hà, thôn Đoàn Kết cho biết: Tất cả người dân sống ở đây đều rất khó chịu vì mùi chua nồng bao phủ khắp làng, do các hộ dân làm miến thường xuyên xả nước thải không qua xử lý xuống thẳng cống rãnh. Người dân chúng tôi cũng đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên chính quyền xã nhưng vẫn chưa thấy được cách xử lý triệt để. Thỉnh thoảng, xã tổ chức nạo vét, vớt rác để khơi thông cống rãnh nhưng rồi nước thải từ các cơ sở sản xuất miến dong lại xả thải ra nên đâu lại vào đó. Dù đường làng ngõ xóm rộng rãi, sạch, đẹp nhưng chúng tôi cũng chẳng dám ra đường hóng mát vì mùi hôi thối từ hệ thống rãnh thoát nước.

Đường làng, ngõ xóm sạch đẹp.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Cao Luyện thì nghề làm miến là nghề thế mạnh của địa phương nên việc bà con tham gia mở rộng quy mô sản xuất là điều đáng mừng. Tuy nhiên, do phát triển phân tán trong khu dân cư nên vấn đề xử lý môi trường rất khó khăn. Giải pháp khả thi nhất hiện nay là di chuyển các cơ sở sản xuất về một khu tập trung, thế nhưng với khả năng của xã thì giải pháp này không khả thi, cần có sự vào cuộc của thành phố và tỉnh trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng.

Đức Dũng