Thứ 7, 23/11/2024, 14:10[GMT+7]

Phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn

Thứ 5, 04/10/2018 | 08:46:08
4,734 lượt xem
Dự án phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn (RNM) tỉnh Thái Bình do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ được đánh giá có ý nghĩa rất lớn với tỉnh ta trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo được vành đai RNM vững chắc bảo vệ khoảng 54km đê biển dọc hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy.

Trồng rừng ngập mặn tại xã Thụy Xuân (Thái Thụy).

Với mục tiêu phục hồi, trồng mới và quản lý bền vững hệ sinh thái RNM ven biển tỉnh Thái Bình, nâng cao nhận thức, năng lực về phục hồi, bảo vệ và phát triển bền vững RNM, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, dự án phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái RNM tỉnh Thái Bình do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Hiệp định hợp tác lâm nghiệp ASEAN - Hàn Quốc (AFoCo) được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2024 tại 4 xã: Thụy Xuân, Thụy Hải (Thái Thụy), Đông Hoàng, Đông Long (Tiền Hải). Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 2 triệu USD, trong đó tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc là 1,9 triệu USD; vốn đối ứng của Việt Nam là 150.000 USD. 

Dự án gồm 2 hợp phần: hợp phần 1 được thực hiện trong 3 năm đầu (2016 - 2018), trồng mới 80ha, trồng bổ sung 80ha, bảo vệ 960ha rừng bao gồm rừng được trồng mới, trồng bổ sung và diện tích rừng hiện có; hợp phần 2 thực hiện từ năm 2019 đến năm 2024, tập trung đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực và truyền thông. 

Ông Lưu Tiến Đạt, điều phối viên Ban Quản lý dự án tại Việt Nam cho biết: Đây là dự án duy nhất của AFoCo về RNM hiện đang tài trợ cho 10 nước ASEAN, do vậy là một cơ hội tốt để giới thiệu mô hình trồng RNM thành công cho tất cả các nước thành viên AFoCo, đồng thời quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Tại Thái Bình, đến nay đã trồng mới được 60ha, trồng bổ sung 60ha đồng thời bảo vệ diện tích rừng đã trồng và 800ha rừng hiện có, bảo đảm tiến độ đề ra. Qua kiểm tra, toàn bộ diện tích trồng mới cây phát triển tốt, đạt yêu cầu.

Ông Nguyễn Trọng Phà, tổ trưởng tổ hợp tác xã Thụy Xuân cho biết: Để dự án được triển khai hiệu quả tại địa phương, xã Thụy Xuân đã tích cực tuyên truyền đến người dân về hiệu quả của rừng, công tác bảo vệ tài nguyên rừng; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu; xây dựng các bài viết phát trên hệ thống truyền thanh xã... nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của rừng. Thông qua công tác tuyên truyền, người dân hiểu được hiệu quả của việc trồng rừng, chung tay bảo vệ, phát triển rừng, nhờ đó các hoạt động của dự án được triển khai tích cực, hiệu quả. Tăng độ che phủ rừng không chỉ giúp ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn làm phong phú sinh vật vùng ngập mặn, tạo được thu nhập ngắn hạn và dài hạn cho người dân địa phương. Quá trình triển khai dự án cũng đã xây dựng được một số quy ước cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Để tiếp tục duy trì tính hiệu quả, bền vững của dự án, cần tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, đơn vị thực hiện và người dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là dân cư vùng dự án thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài của việc trồng rừng, từ đó tích cực chung tay bảo vệ rừng.

Lưu Ngần