Thứ 7, 16/11/2024, 11:28[GMT+7]

Dạo quanh một vòng với món ngon Hà Nội vào thu

Thứ 6, 12/10/2018 | 10:22:00
742 lượt xem
Tháng 10 không chỉ là dịp kỷ niệm giải phóng thủ đô mà còn là lúc thời tiết Hà Nội chuyển mùa, ăn món nào cũng ngon hơn.

Bún ốc là món quà vặt Hà Nội được nhiều người yêu thích qua nhiều thế hệ.

Buổi sáng: bún ốc

Hãy bắt đầu một ngày mùa thu bằng việc dậy sớm, tản bộ hay đạp xe chầm chậm qua những con phố cổ của Hà Nội, cảm nhận hương sắc còn sót lại của một Hà Nội xưa cũ, trầm lắng. Hà Nội lúc buổi sớm có lẽ là lúc mang trong mình nhiều vẻ duyên dáng và tinh tế nhất. Và sẽ không có gì hoàn hảo hơn sau cuộc dạo chơi khắp các ngóc ngách, được ghé vào một quán ven đường để ăn sáng bằng một món nóng hổi.

Phở là "quốc sắc thiên hương" trong làng ẩm thực Hà thành nhưng vào những sớm mùa thu thì bát bún ốc mới thực sự thích hợp. Bún ốc giờ đã có nhiều phiên bản, thêm đủ thứ thập cẩm như một nồi lẩu với giò, trứng vịt lộn, thịt bò... nhưng chuẩn vị nhất vẫn là bát bún ốc chân phương, chỉ gồm bún và ốc. Chỉ như vậy, vị nước ốc chua thanh vị giấm bỗng, ngọt vị xương, miếng ốc béo giòn dai mới được cảm nhận một cách trọn vẹn nhất. Người Hà Nội gốc hẳn sẽ nhớ ngay tới hàng bún ốc nhỏ trong phố Hàng Chai, bao năm vẫn giản dị như thế và tất nhiên là vẫn đông như vậy, nhất là khi tiết trời thu lại đẹp thế này.

Ăn vặt: cốm Vòng

Cốm Vòng trở thành biểu tượng của ẩm thực Hà Nội. Ảnh: Nguyên Chi

Cốm Vòng trở thành biểu tượng của ẩm thực Hà Nội. 

Với người Tràng An xưa, mùa thu chính là mùa cốm. Cốm làm từ hạt lúa non thì nơi đâu cũng có thể làm ra nhưng xưa kia, người ta chuộng nhất là cốm làng Vòng. Ngày nay, để kiếm được một gói cốm nhỏ xinh, thơm nức, gói trong lá sen thoang thoảng thì bạn sẽ phải cất công đôi chút, tìm đến các chợ trong khu dân cư hay may mắn bắt gặp một hàng cốm đi rong trên phố.

Hạt cốm làng Vòng, làng Mễ Trì luôn có vị thơm thơm, ngòn ngọt nơi đầu lưỡi do phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, tinh tế. Đặc biệt là khâu rang cốm, nếu quá lửa hạt cốm non sẽ mất mùi còn lửa nhỏ thì cốm lại bị dính, vón cục. Người Hà Nội ngày nay vẫn giữ thói quen ăn cốm cùng chuối. Vị ngọt đậm của chuối, chấm vào những hạt cốm xanh ngọt nhẹ sao mà hợp đến thế.

Ăn trưa: chả rươi

Bạn có thể ăn chả rươi ở phố Lò Đúc, Hàng Chiếu hoặc Gia Ngư hay cũng có thể làm tại nhà. Ảnh: Momkitty

Bạn có thể ăn chả rươi ở phố Lò Đúc, Hàng Chiếu hoặc Gia Ngư hay cũng có thể làm tại nhà. 

Rươi là loài sinh vật sống ở nơi đồng ruộng mà người dân bỏ trống sau khi thu hoạch vụ mùa, vốn dĩ chẳng thân thuộc gì với chốn thành thị. Ấy vậy mà bàn tay tài hoa của người đầu bếp Hà thành lại tạo nên một trong những món ăn tinh túy đến vậy - chả rươi. Rươi vào mùa thu hoạch khoảng từ tháng 9 âm lịch, trùng với tiết trời sang thu. Một dịp nữa sau vụ lúa chiêm mùa hè nhưng theo kinh nghiệm từ thời các cụ thì rươi vụ mùa vẫn ngon hơn.

Người ta thường chế biến chả rươi với trứng, thịt, lá gừng nhưng độc đáo nhất vẫn là vỏ quýt thái mỏng. Thế mới thấy, người Hà Nội tinh tế là vậy. Món rươi nhiều đạm dễ khiến người ăn nhanh đầy bụng, khó tiêu nhưng chỉ cần vài lát vỏ quýt thái mỏng là mọi chuyện đã có thể được "hóa giải". Chả rươi thường được ăn kèm với bún, rau sống, chấm nước chấm chua ngọt như bún chả. Nếu không đủ khéo tay thì bạn có thể ghé qua 3 quán nổi tiếng đất kinh kỳ ở phố Hàng Chiếu, Lò Đúc và Gia Ngư.

Ăn xế: Ốc - sấu dầm - chè truyền thống

Ốc

Ôc tháng 10, người Hà Nội quả thật danh bất hư truyền. Ảnh: Nguyên Chi

"Ôc tháng 10, người Hà Nội" quả thật danh bất hư truyền. 

Để nói tiếp về món ốc, bạn hẳn sẽ băn khoăn tại sao mùa thu thì lại nên ăn bún ốc. Lý do chính là bởi ốc mùa này là ngon nhất, vị chuẩn nhất để nấu ra những món ăn danh bất hư truyền. Không phải ngẫu nhiên mà người xưa có câu: "Ốc tháng mười, người Hà Nội". Tháng 10 này là tháng âm lịch nhưng thời điểm hiện tại cũng bắt đầu vào mùa ốc ngon nhất trong năm.

Sau bao năm du nhập các phong cách ăn uống Bắc Nam Đông Tây khiến món ăn truyền thống biến tướng đi nhiều thì ốc ở Hà Nội vẫn được ăn theo cách dân dã nhất. Đó là hấp cùng lá chanh, chấm với nước chấm chua ngọt. Có lẽ hàng ốc nổi tiếng nhất xứ 36 phố chính là ốc Hà Trang ở ngã tư Đinh Liệt - Hàng Bạc. Mùa nào trong năm cũng đông nhưng tầm này thì đặc biệt đông, không có chỗ gửi xe và phải ngồi sát lòng đường. Nhưng người Hà Nội sành ăn chẳng cảm thấy phiền toái. Ngoài ốc ngon, nước chấm đặc biệt là thương hiệu khiến cho quán nhỏ trở nên độc đáo, không nơi nào có được.

Sấu dầm

Sấu dầm muối ớt khiến bao người nuốt nước bọt vì thèm. Ảnh: Nguyên Chi

Sấu dầm muối ớt khiến bao người nuốt nước bọt vì thèm. 

Có lẽ sấu là món ăn mang đậm dấu ăn Hà Nội nhất bởi lẽ, chúng được lớn lên từ mảnh đất này, mang theo đầy đủ dư vị chua ngọt của thành phố. Hàng sấu được người Pháp trồng ở Hà Nội từ thế kỷ trước, cứ mỗi mùa thay lá lại phủ vàng khắp các con phố thâm nghiêm, khiến đôi chân ta lạc bước. Tới mùa hè, sấu xanh ra quả, tô điểm thêm cho bát canh rau muống thanh tịnh mà xua tan đi mọi cái oi bức của thời tiết nóng như đổ lửa.

Mùa thu lại là lúc những trái sấu còn sót lại trên cây đổi màu chín vàng. Sấu chín có lẽ món ăn gây thương nhớ nhiều nhất cho đám học sinh Hà Nội những năm khó khăn. Chẳng có nhiều quà vặt như bây giờ, trước đây vào giờ ra chơi, học trò chỉ túm tụm ở cổng trường ăn vài ba quả sấu chín được thái vòng quanh xoáy chôn ốc, chấm muối ớt, ban đầu thì chua đến kên răng nhưng ăn xong lại thấy dư vị ngọt ngào. Sấu chín ở Hà Nội giờ khó kiếm hơn trước nhưng tâm hồn ăn uống vẫn tìm ra trong các khu chợ nội ngoại thành.

Bánh trôi tàu, xôi chè, chí ma phù

Các món chè ăn nóng rất hợp ăn lúc chuyển mùa. Ảnh: Vy An

Các món chè ăn nóng rất hợp ăn lúc chuyển mùa. 

Năm ngoái, cả Hà Nội xôn xao vì một quán hàng huyền thoại hồi sinh - đó là bánh trôi tàu nhà cố nghệ sĩ Phạm Bằng ở phố Hàng Giầy. Sau 5 năm nghỉ bán và hơn một năm sau ngày mất của nghệ sĩ Phạm Bằng, quán bánh trôi được các con cháu ông gây dựng trở lại. Đây là tâm huyết của hai vợ chồng nghệ sĩ tài hoa lúc sinh thời và trở thành kỷ niệm đẹp trong ký ức người Hà Nội bao thế hệ.

Bánh trôi tàu, xôi chè hay chí ma phù đều là các món chè người Hoa phải ăn nóng hay chí ít là không bao giờ bỏ đá nên khi trời bắt đầu thu, se se lành lạnh mới thích hợp. Những ngày chớm thu này, các tiệm chè không riêng gì của nhà nghệ sĩ Phạm Bằng đều bắt đầu đông khách hơn ngày thường. Một trong số đó là xôi chè bà Thìn phố Bát Đàn. Quán chè giờ đã sang tới thế hệ thứ ba, chất lượng có thay đổi ít nhiều do tay nấu nhưng nét cổ xưa, tinh thần Hà Nội của một món ăn nhuốm màu thời gian thì chưa hề mai một. Các quán chè truyền thống đều mở tới khuya muộn, hợp để ăn tráng miệng sau bữa tối và để kết thúc một ngày trải nghiệm đủ món ngon Hà Nội.

Theo ngoisao.net