Thủ ngự hải môn
Truyền ngôn, nghe đình thần tấu vua Minh Mệnh chỉ dụ Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ quay trở lại trấn Sơn Nam hạ làm công việc khẩn hoang vùng đất bãi bồi Tiền Châu đồng thời đem quân đánh dẹp cuộc khởi nghĩa nông dân do Phan Ba Vành cầm đầu. Chính phẩm quan văn cầm quân đi dẹp loạn là một thách đố nhưng Nguyễn Công Trứ đã dẹp yên cuộc khởi nghĩa của Phan Ba Vành, tuy quân của triều đình tổn thất khá lớn. Vua Minh Mệnh hả hê ngợi khen và ban thưởng cho Nguyễn Công Trứ, nhà vua cũng không quên phong hầu tước cho “Nam Hải thập bát tướng (18 tướng)” của Phan Ba Vành, trong đó có Cát Ngọc hầu Vũ Đức Cát vốn là cựu thần nhà Tây Sơn và hai người anh, em ruột của Phan Ba Vành là Phan Thanh Cầu và Phan Thanh Cầm tử trận khi chiến đấu với quân triều đình là thượng đẳng tôn thần làm thành hoàng làng.
Làng Trung Lang, xã Nam Hải, huyện Tiền Hải xưa tên Nôm là Man Trung. Làng có ngôi chùa Đông (Kim Đổ tự) chiết tự cổ có nghĩa là trông (Đổ) đống vàng, được xây dựng lâu đời trên đất Trung Lang. Hiện tại chùa đã được tôn tạo mới nhưng còn giữ được quả chuông khắc bài minh, trong đó ghi: “Man Trung xã, Hội chủ Đô ty quan Vũ Đức Cát, thê Vũ Thị Định, tử Vũ Văn Dung cung tiến tam quan” bằng chữ Hán Nôm và được tiến sĩ Bùi Quý Lộ (Đại học Quốc gia Hà Nội dịch), nghĩa là: “Hội chủ người xã Man Trung là quan Đô ty Vũ Đức Cát, vợ là Vũ Thị Định, con là Vũ Văn Dung cúng ba quan tiền”.
Cũng trên địa bàn xã Nam Hải, ở làng An Hạ cũng có ngôi chùa cổ được xây dựng đầu thế kỷ XIX. Chùa cũng có quả chuông khắc bài minh ghi: Gia Long thứ 18, Kỷ Mão - 1819: “Man Trung xã, Thủ ngự Lạt hải môn, Khâm sai cai đội Cát Ngọc hầu Vũ Đức Cát”. Tạm dịch là: “Người xã Man Trung làm quan Thủ ngự cửa Ba Lạt, Khâm sai cai đội Cát Ngọc hầu là Vũ Đức Cát”.
Theo bản dịch và nghiên cứu của Tiến sĩ Bùi Quý Lộ về quá trình khai khẩn đất đai dẫn đến quá trình hình thành huyện Tiền Hải năm 1828 thì vị tướng tài ba chủ đạo thủy quân, quân sư của nhà Tây Sơn là Vũ Đức Cát đã được Phan Ba Vành trọng dụng thu nạp. Ông là quan cấp “Tam phẩm” của nhà Tây Sơn nhưng lại đứng về phía Phan Ba Vành lãnh đạo nông dân tiến hành cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Nguyễn. Khi ông chết, Minh Mệnh vẫn phong tước hầu (Cát Ngọc hầu) cho ông, điều này chứng tỏ rằng cho dù ông là người bất đồng chính kiến với triều đình nhà Nguyễn nhưng ông lại là người có công lao lớn với đất nước trong những năm nhà Tây Sơn đánh giặc xâm lược phương Bắc, bất đắc chí cũng vì sự bần cùng của dân phiêu tán không có ruộng đất sinh sống mà đứng về phía Phan Ba Vành dựng cờ khởi nghĩa.
Cũng rất khó khăn để tìm được tài liệu ghi chép đầy đủ về Cát Ngọc hầu Vũ Đức Cát với cuộc chiến chống lại quân triều đình nhà Nguyễn. Tương truyền ông là tướng chỉ huy của nhà Tây Sơn thao lược dũng mãnh trên chiến trường sông nước, ông vừa là thuộc hạ trung tín của Bắc Bình vương Nguyễn Huệ và cũng là quân sư đắc lực của nhà Tây Sơn.
Có một điều khó lý giải là ở những ngôi chùa cổ như “Kim Đổ tự” hay “An Hạ tự” lẽ thường đều có bi ký của chùa, nhưng ở hai ngôi chùa cổ của xã Nam Hải chúng tôi tìm mãi mà không thấy bia đá. Rất may có hai quả chuông khắc chữ Hán Nôm còn có thể khảo cứu đôi chút về Cát Ngọc hầu, tuy nhiên, ông sinh và mất năm nào cũng như quê quán ở đâu vẫn còn là ẩn số, chỉ biết rằng những tài liệu điền dã cho thấy ở làng Trung Lang xưa còn có dấu vết nền nhà cũ của ông.
Các bậc cao niên của làng vẫn gọi là “dinh ông Đô” - Đô ty là chức bậc của ông thời nhà Tây Sơn. Tra cứu quan chế thời đó được biết Đô ty là chức quan phòng thủ ở những nơi xung yếu có phẩm trật vào hàng tam phẩm. Như vậy, có thể suy luận ông là đại quan thời nhà Tây Sơn trấn giữ vùng cửa biển hiểm yếu chặn đường tiến, đường lui của quân địch và cũng có thể khi quân Tây Sơn tiến ra Bắc, ông đã khởi binh từ vùng đất Man Trung giúp Quang Trung trấn giữ cửa Ba Lạt (Thủ ngự Lạt hải môn) chiến đấu đánh thắng quân xâm lược phương Bắc. Sau khi nhà Tây Sơn tan rã, ông vẫn kiên trì bám trụ ở lại mảnh đất đầu sóng, ngọn gió này. Biết ông là cựu thần nhà Tây Sơn giỏi võ nghệ, dày dạn kinh nghiệm sông nước, đặc biệt là phòng thủ trên biển nên Phan Ba Vành đã tìm đến ông. Chỉ sau thời gian ngắn, lực lượng của Phan Ba Vành ngoài “Nam Hải thập bát tướng”, ông đã quy tụ được khoảng 5.000 người. Với lực lượng lớn và tài thao lược của 18 vị tướng tài giỏi trong đó có Cát Ngọc hầu Vũ Đức Cát làm quân sư kiêm hậu cần chủ yếu là rèn vũ khí, Phan Ba Vành đã chỉ huy nghĩa quân khuynh đảo tinh thần quan quân triều đình nhà Nguyễn. Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ mặc dù là đại quan triều đình nhà Nguyễn đem quân “tiêu diệt” nghĩa quân Phan Ba Vành và ông là lực lượng đối kháng thắng cuộc nhưng ông vẫn nhìn nhận một cách thấu tình đạt lý về cuộc khởi nghĩa do Phan Ba Vành cầm đầu cốt yếu là “đòi cơm no, áo ấm, ruộng cày” mà thôi.
Ngoài Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, các sử gia thời đó cũng phải thừa nhận lý do cốt tử cuộc khởi nghĩa nông dân do Phan Ba Vành làm thủ lĩnh chống lại ách áp bức, bóc lột nặng nề của triều đình nhà Nguyễn đầu thế kỷ XIX với ước vọng “cơm no, áo ấm” cho dân nghèo chứng minh rằng Phan Ba Vành là người có khát vọng giải phóng giai cấp từ rất sớm. Cuộc khởi nghĩa tuy đã bị dìm trong biển máu, thủ lĩnh Phan Bá Vành cùng các tướng sĩ của ông lần lượt sa vào tay quan quân triều đình Minh Mệnh và đều bị hành quyết nhưng dũng khí của ông cùng “Nam Hải thập bát tướng” và hàng nghìn nghĩa binh, nghĩa sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa nông dân quy mô lớn đã viết lên trang sử liệt oanh của phong trào đấu tranh anh hùng của tầng lớp nông dân Việt Nam dưới thời các triều đại phong kiến lưu truyền đến muôn đời sau.
Theo sử cũ, thời vua Gia Long và Minh Mệnh 90% ruộng đất tập trung trong tay địa chủ có từ 5 - 50 mẫu. Dân nghèo không có ruộng đất lại thêm thiên tai, địch họa, đói kém triền miên khiến cho làng xã tiêu điều, xơ xác. Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã phải thú nhận trong bản điều trần gửi vua Minh Mệnh: “Cái hại quan lại một hai phần thì cái hại cường hào đến tám chín phần” để vạch rõ tình trạng bóc lột của giới quan lại và tầng lớp cường hào làng xã. Người nông dân lúc đó không ruộng đất cấy cày, đói khổ lầm than bần cùng mà tìm theo Phan Ba Vành cùng “Nam Hải thập bát tướng” quyết chiến đấu giành quyền sống.
Ông Vũ Văn Rinh, 93 tuổi, thôn Nội Lang Bắc, xã Nam Hải, huyện Tiền Hải Thuở nhỏ tôi đã nghe các cụ kể rằng làng Nội Lang Bắc này có dinh ông Đô (tức Đô ty Vũ Đức Cát) và tôi còn chơi ở nền nhà cũ của ông Đô. Bây giờ con người đông lên, nhà cửa chen lấn mất cả dấu vết nền nhà cũ của danh tướng Cát Ngọc hầu. Tuy nhiên, ở chùa Đông (Kim Đổ tự) làng Nội Lang Bắc vẫn còn quả chuông cổ và cây hoa đại có tuổi đời hơn 200 năm. Tương truyền cây đại cổ này do Đô ty Vũ Đức Cát trồng. Quả chuông cổ có khắc chữ Hán Nôm ghi danh Đô ty Vũ Đức Cát khẳng định Cát Ngọc hầu là người ở làng này, khi nhà Tây Sơn phất cờ hành quân ra Bắc đánh giặc xâm lăng thì Vũ Đức Cát đã khởi binh giúp Quang Trung đánh tan giặc vùng cửa biển Ba Lạt được Quang Trung Nguyễn Huệ tấn phong “Thủ ngự Lạt hải môn”. Sau này ông theo Phan Ba Vành cũng được phong tướng.Ông Phạm Xuân Bách,89 tuổi, thôn Trung Lang, xã Nam Hải, huyện Tiền Hải Tôi đã ngót 90 niên nhưng cũng chỉ nghe các cụ kể lại ngày xưa xã Man Trung có làng Trung Lang, làng rất lớn, sau chia thành Nội Lang, Tây Lang, Thục Thiện, An Tứ, An Hạ. Cũng nghe các cụ kể lại xã Man Trung có vị tướng nhà Tây Sơn sau này làm tướng của Phan Ba Vành là Thủ Lạt Cát Ngọc hầu. Còn dấu tích dinh ông Đô thì tôi chưa nhìn thấy bao giờ, chỉ biết ở chùa An Hạ và chùa Đông có ghi chép về vị hầu tướng này.Cựu chiến binh Trần Ca,thôn Nội Lang Trung, xã Nam Hải, huyện Tiền Hải Tôi nghe các cụ kể lại trước đây còn Văn chỉ ở Trung Lang, nơi ông Vũ Đức Cát khởi binh giúp vua Quang Trung đánh giặc phương Bắc và cũng là nơi ông tổ chức rèn binh khí giúp Phan Ba Vành khởi nghĩa chống lại quan quân triều đình nhà Nguyễn, trực tiếp đối đầu với Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Về sau, Phan Ba Vành rút quân sang đóng ở bên Giao Thủy (Nam Định), ở Trung Lang và Ba Lạt giao lại cho Cát Ngọc hầu Vũ Đức Cát. Phan Ba Vành thua trận và phải nộp mạng cho triều đình nhà Nguyễn là do thất bại ở bên Giao Thủy. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Lần đầu tiên tổ chức giải cờ tướng Việt Nam - Đài Bắc Trung Hoa 23.11.2024 | 21:05 PM
- Khai trương đại lý Skoda Thái Bình 23.11.2024 | 21:07 PM
- Chung kết cuộc thi hùng biện tiếng Anh dành cho học sinh THCS cấp tỉnh 23.11.2024 | 20:03 PM
- ĐT Việt Nam sang Hàn Quốc chuẩn bị cho AFF Cup 23.11.2024 | 20:03 PM
- Trung Quốc phát hiện mỏ vàng khổng lồ trị giá hàng trăm tỷ USD ở tỉnh Hồ Nam 23.11.2024 | 16:58 PM
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.11.2024 | 17:03 PM
- Cơ sở thu giữ CO2 bằng điện gió đầu tiên trên thế giới 23.11.2024 | 14:09 PM
- Ký ức đẹp với một vùng quê lúa 23.11.2024 | 12:33 PM
- Mẹo giúp món chiên giòn ít ngấm dầu mỡ 23.11.2024 | 12:36 PM
- Thành phố Hồ Chí Minh vào top điểm đáng ghé thăm ở châu Á năm 2025 23.11.2024 | 17:03 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng