Thứ 4, 27/11/2024, 18:41[GMT+7]

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính

Thứ 4, 24/10/2018 | 08:03:49
3,088 lượt xem
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý dân cư của các cơ quan quản lý nhà nước, ngày 8/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 896 phê duyệt đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020.

Công an phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) kiểm tra phiếu thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đề án 896 ra đời đã khẳng định được vai trò quan trọng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Xác định rõ vị trí và tầm quan trọng của đề án này, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo 896 tỉnh, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong đó chú trọng việc thu thập, nhập và chuyển đổi dữ liệu dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước và nhu cầu chính đáng của công dân. 

Hiện nay, tỉnh đang triển khai thí điểm thu thập thông tin về dân cư tại 33 xã, phường ở các huyện, thành phố theo đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư. Để tạo sự thống nhất, hiệu quả, đúng tiến độ, tổ giúp việc Ban Chỉ đạo 896 tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên triển khai thí điểm thu thập thông tin về dân cư tại địa bàn 33 xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh. 

Sau 2 tháng triển khai thí điểm tại các xã, phường đã hoàn thành bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ đề ra theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Các cơ quan, ban, ngành đã tích cực phối hợp với lực lượng công an trong quá trình thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư thường xuyên trao đổi thông tin, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trong đó đã thu thập thông tin với tổng số 95.687 hộ, 299.671 nhân khẩu (chiếm 15,3% số hộ và 14,6% số nhân khẩu trên địa bàn toàn tỉnh).

Thượng tá Nguyễn Đức Anh, Phó trưởng Công an huyện Vũ Thư cho biết: Từ đầu năm 2017 đến nay, chúng tôi đã cấp mới, cấp đổi trên 10.000 căn cước công dân. Thông qua công tác quản lý hộ khẩu và cấp phát căn cước công dân, Công an huyện đã chủ động đối chiếu những thông tin trên phiếu đã thu thập về để sửa chữa cho chuẩn với thông tin của công dân. Bên cạnh đó, đơn vị kiểm tra, rà soát mặt bằng, lắp đặt các thiết bị, cơ sở hạ tầng và đường truyền để phục vụ một cách tốt nhất cho đề án thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Trong đợt triển khai thí điểm này, Vũ Thư triển khai thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư tại hai xã Việt Thuận và Tân Phong, sau 2 tháng triển khai đã thu thập được 21.394 nhân khẩu, đạt 98%. Qua triển khai cho thấy chất lượng công tác đăng ký, quản lý cư trú tại một số địa phương còn hạn chế. Hệ thống sổ sách theo dõi dân cư còn nhiều sai lệch, các di biến động về nhân khẩu qua các thời kỳ chưa cập nhật thường xuyên.

Thiếu tá Đào Văn Tá, Trưởng Công an phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình cho biết: Đơn vị đã tham mưu cho UBND phường ban hành kế hoạch triển khai thí điểm thu thập thông tin dân cư trên địa bàn; trong đó thành lập các tổ công tác gồm các thành viên là: tổ trưởng, tổ phó và trưởng các đoàn thể tổ dân phố, cảnh sát khu vực làm tổ trưởng. Các thành viên được tập huấn có nhiệm vụ đến từng hộ dân để phát phiếu và hướng dẫn các công dân kê khai đầy đủ thông tin theo mẫu quy định; kiểm tra, đối chiếu các thông tin trên phiếu với sổ hộ khẩu, giấy khai sinh và các giấy tờ có liên quan của công dân bảo đảm chính xác, thống nhất và chất lượng. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp một số khó khăn, mất nhiều thời gian do một số công dân có nhiều giấy tờ chưa trùng khớp về ngày, tháng, năm sinh, quê quán hoặc người có hộ khẩu tại phường lại không sinh sống ở địa phương.

Đại tá Bùi Đức Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Thực tế hiện nay, việc quản lý dân cư do nhiều bộ, ngành cùng thực hiện, công dân cùng lúc sở hữu nhiều loại giấy tờ: giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân... Thông tin trong các giấy tờ trên có nhiều nội dung trùng lặp nhưng khi tham gia các giao dịch, công dân lại không sử dụng một trong số các giấy tờ đó để xác định tình trạng nhân thân của mình. Do đó việc thực hiện Đề án 896 để mỗi công dân có số định danh cá nhân, khi đó các cơ quan hành chính sẽ khai thác, sử dụng thông tin trực tuyến tại cơ sở dữ liệu để giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Qua đây, người dân được thụ hưởng nhiều lợi ích, vừa tiết kiệm giấy tờ, thời gian, chi phí khi đi giải quyết thủ tục hành chính. 

Việc thu thập thông tin về dân cư trên địa bàn tỉnh ta là rất lớn, do đó trong quá trình triển khai đòi hỏi công dân phải phối hợp tốt trong việc cung cấp thông tin và kê khai đầy đủ, chính xác thông tin. Việc thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm trên cũng chính là bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của công dân khi đi giải quyết các thủ tục hành chính. Việc thu thập thông tin dân cư rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của cả hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Do đó, để hoàn thành việc thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh trước ngày 31/12/2018, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục tới các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ kết quả triển khai thí điểm tại 33 xã, phường, Công an tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên đôn đốc, theo dõi, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc để giải quyết kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thu thập thông tin về dân cư.

Vũ Tiến