Thứ 7, 23/11/2024, 21:44[GMT+7]

Tâm đức của vợ chồng nhà giáo Phạm Ngọc Khái

Thứ 5, 08/11/2018 | 08:21:08
3,048 lượt xem
Trên quốc lộ 10, đoạn đường thuộc địa phận xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, ngày đêm nhộn nhịp người và xe qua lại. Phía Bắc quốc lộ 10 là tòa nhà 5 tầng khang trang, sạch đẹp. Đây là trung tâm dưỡng lão An Thái, một công trình bảo trợ xã hội ngoài công lập, chuyên lo việc chăm sóc người già. Giám đốc trung tâm là nhà giáo Phạm Quỳnh Vân.

Các điều dưỡng viên chăm sóc cho các cụ.

Bà Phạm Quỳnh Vân là người con của dòng họ Phạm Tiên Hưng, làng Phú Lễ, xã Tự Tân. Một dòng họ nổi tiếng về hiếu học và giàu truyền thống cách mạng, yêu nước, thương dân. Được song thân nuôi ăn học và theo gót các bậc tiền nhân, bà Vân trở thành giáo viên, dạy học ở thành phố Thái Bình từ khi tốt nghiệp đến lúc nghỉ hưu. Chồng bà Vân là nhà giáo nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Khái, giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Dược Thái Bình, quê xã Bách Thuận (Vũ Thư). Vợ chồng nhà giáo nhân dân Phạm Ngọc Khái đều rất có tâm, có đức với sức khỏe và đời sống con người, nhất là người cao tuổi.

Với cái tâm, cái đức “thương người như thể thương thân” và truyền thống cao đẹp của dòng họ, gia đình và quê hương, bà Vân bàn với chồng đứng ra thành lập trung tâm dưỡng lão An Thái. Có trung tâm dưỡng lão An Thái nên lớp người cao tuổi, kể cả những người chưa được hưởng trợ cấp đã có thêm điều kiện sử dụng hiệu quả khoản tiền trợ cấp của nhà nước và khoản tiền của con cháu đóng góp nuôi nấng các bậc sinh thành. Trung tâm dưỡng lão An Thái rộng gần 1.000m2. Giám đốc trung tâm Phạm Quỳnh Vân đang chỉ đạo triển khai tiểu dự án xây dựng vườn hoa, ao cá, sân chơi, mở thêm đường đi bộ tầng thấp. Một công trình đồ sộ giữa vùng nông thôn mới vừa được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nội thất khép kín gần như hoàn thiện, sẵn sàng tiếp nhận 40 - 50 người có nhu cầu.

Đến trung tâm dưỡng lão An Thái, thăm cảnh, thăm người và tôi được nghe những cụ già đang sống tại trung tâm kể cho nghe nhiều chuyện rất vui. Hơn một năm, kể từ khi khai trương đến nay, trung tâm dưỡng lão An Thái đã đón nhận 20 khách hàng. Một doanh nhân Nhật Bản vãng lai, một thầy thuốc đông y nổi tiếng, một bác sĩ nội khoa 10 năm nằm liệt giường, vợ con phải thuê người chăm sóc, nuôi nấng tại gia, từ thành phố chuyển đến trung tâm dưỡng lão An Thái. Một nhà giáo, vợ liệt sĩ, hai công nhân đường sắt, điện nước; một công nhân nông nghiệp... Cũng có vài ba vị lão nông tri điền, kinh tế khá giả, con cháu bận đi làm ở nơi xa, gửi tiền về nhờ trung tâm chăm sóc. Một cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam/Điôxin, sống độc thân, hai ba chục năm nằm liệt gường đến loét thịt, tróc da, nhờ mạng xã hội đã tìm đến trung tâm dưỡng lão An Thái cứu giúp. Một bà già mắc tai biến não, bán thân bất toại, bệnh viện trả về, con dâu đưa mẹ vào trung tâm gửi điều dưỡng. Có cả một số người ra ngõ không biết lối về, đến trung tâm quên luôn phòng ăn, phòng ngủ, con cháu đến thăm cũng không nhận ra... Chỉ có những điều dưỡng viên có chuyên môn, được đào tạo chính quy mới biết cách ứng phó, biết thay đổi món ăn hợp khẩu vị từng người, biết “thí” người lớn như dỗ trẻ lên ba ăn, ngủ. Điều dưỡng viên coi các cụ như ông, bà, cha, mẹ mình, tận tình bón cháo, đút cơm, nâng giấc, thay bỉm, xoa bóp, thuốc thang, không nề hà việc khó. Cái tâm, cái đức của vợ chồng nhà giáo Phạm Ngọc Khái được thể hiện trong từng lời nói, từng cử chỉ của tất cả nhân viên, điều dưỡng viên.

Hầu như tất cả những người vào trung tâm đều có chuyển biến tích cực về sức khỏe, về đời sống tinh thần và vật chất. Ông Tân ở Tiền Hải, 6 tháng tăng được 6kg; bà giáo Hoài 60 tuổi, thường xuyên được bấm huyệt, đã giảm nhiều bệnh tật, hạ đường huyết rõ rệt. Một cụ già trên 90 tuổi, vừa ăn uống điều độ, vừa bấm huyệt và thể dục thường xuyên, hạ đường huyết từ 9,8 xuống còn 6,1. Người đăng ký ở lâu dài với trung tâm chiếm hơn 2/3 số người đến trung tâm. Nhiều người tình nguyện sống ở trung tâm đến khi nhắm mắt xuôi tay, về với thế giới người hiền.

Khởi nghiệp dưỡng lão khu vực tư nhân không dễ dàng ở một tỉnh. Phải là người có tâm, có đức, có nhiệt huyết, vì sự nghiệp cao cả thiêng liêng như vợ chồng nhà giáo Phạm Ngọc Khái và Phạm Quỳnh Vân, bên cạnh họ có cả một đội ngũ chuyên nghiệp, có tầm nhìn xa, có tư duy nhân văn mới làm được những việc trên.

Cao Bá Khoát 

(Tự Tân, Vũ Thư)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày