Thứ 6, 15/11/2024, 18:32[GMT+7]

Thông cáo số 21, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Thứ 7, 17/11/2018 | 06:54:52
1,509 lượt xem

Ngày 16/11/2018, Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Trong quá trình thảo luận, đã có 26 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và 05 đại biểu phát biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia góp phần thể chế hóa nghị quyết của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân; kịp thời, chủ động ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các ý kiến của ĐBQH còn tập trung vào những nội dung cụ thể như sau: Tên gọi của Luật; phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật; đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; chính sách trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; quy định các hành vi bị nghiêm cấm; quy định cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu bia; quy định không được bán rượu, bia trên internet; quy định kiểm soát quảng cáo rượu, bia; các biện pháp quản lý rượu thủ công; các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; kinh phí và quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia; thông tin, giáo dục, truyền thông và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia v.v.

Kết thúc phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng về dự án Luật, nhất là những nội dung liên quan đến kỹ thuật xây dựng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà quản lý để hoàn thiện dự án Luật.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Trong quá trình thảo luận, đã có 17 đại biểu phát biểu ý kiến. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về sự cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư công. Nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với phạm vi sửa đổi của Luật; đề nghị sửa đổi Luật cần đảm bảo tính bền vững, ổn định và sửa đổi toàn diện để đảm bảo khuôn khổ pháp lý về đầu tư công, khắc phục mâu thuẫn với các luật khác và điều chỉnh một số các quan hệ mới phát sinh. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung cụ thể của dự án Luật, như: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; đối tượng đầu tư công; công khai, minh bạch trong đầu tư công; các hành vi bị cấm trong đầu tư công; tiêu chí phân loại dự án đầu tư quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C; chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm; điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án; trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư trung hạn 05 năm và hàng năm vốn NSNN; phân cấp thẩm quyền của các cơ quan trong thẩm định nguồn vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án; thẩm quyền, quy trình lập, phê duyệt và giao kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch đầu tư; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân và Thường trực Hội đồng Nhân dân.v.v.

Kết thúc phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Thứ bảy, ngày 17/11/2018, các cơ quan của Quốc hội làm việc theo chương trình riêng.

Thứ hai, ngày 19/11/2018: Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua các Luật: Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học./.

Theo: dangcongsan.vn