Thứ 7, 23/11/2024, 14:08[GMT+7]

Vọng cố hương

Thứ 2, 19/11/2018 | 09:01:33
2,633 lượt xem
Nguyễn Viêm (1691) tự là Hiếu Khê, người làng Mỹ Xá, huyện Phụ Dực nay là thôn Lam Cầu 1, xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Bảo Thái năm thứ 2 (1721) với Nguyễn Tông Khuê và Uông Sĩ Đoan.

Từ đường tiến sĩ Nguyễn Viêm ở thôn Lam Cầu 1 nhỏ bé đơn sơ như chính cuộc đời thanh liêm chính trực của ông. Hiện từ đường đang xuống cấp nghiêm trọng.

Ra làm quan khi triều đình vua Lê - chúa Trịnh hục hặc cào xé lẫn nhau và đang độ suy tàn. Chúa Trịnh Giang là kẻ vô cùng bạo ngược, phế vua nọ lập vua kia và sát hại các công thần như Nguyễn Công Hăng, Lê Anh Tuấn. Trịnh Giang còn thẳng tay truất bỏ và trừng trị những người dám can ngăn thú ăn chơi xa xỉ và dâm loạn của mình như Bùi Sỹ Tiêm người làng Kinh Lũ, huyện Đông Quan… Suốt cuộc đời làm quan thanh liêm, Nguyễn Viêm đã để lại nhiều câu chuyện truyền tụng về tấm gương liêm khiết, thanh sạch giữa cảnh tham quan, ô lại…

Thật khó khăn khi tìm tài liệu nghiên cứu về hoạn lộ của tiến sĩ Nguyễn Viêm, chỉ biết chắc chắn rằng sau khi đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ khoa Tân Sửu, niên hiệu Bảo Thái năm thứ 2 (1721) mà văn bia đề danh tiến sĩ vẫn còn lưu tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội ghi: “Bấy giờ, học trò mặc áo trắng đến đua tài gần 3.000 người, tuyển chọn ghi tên ở bảng mực nhạt được 25 người, phép tuyển chọn thật hết mức tinh vi chặt chẽ…”. Nguyễn Viêm là 1 trong 25 người “mực nhạt” đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ. Làm đại quan dưới thời chúa Trịnh Giang nổi tiếng “ăn chơi” nhưng Nguyễn Viêm luôn giữ cho mình sự trong sạch giữa chốn quan trường nhầy nhụa. Ông được chúa Trịnh Giang tin cẩn giao cho chức “Cống khoa cấp sự trung hàm kiến công lang” chịu trách nhiệm về phần công nghiệp xây dựng cơ bản. Đến năm 1724, do có nhiều công lao với Trịnh Giang, ông được bổ hàm “Cẩn sự Tả lang” tương đương quan Ngự sử. Đây là điều kiện Nguyễn Viêm gần gũi vua Lê - chúa Trịnh, tuy nhiên với bản tính ngay thẳng, cương trực ở nơi cận kề chúa Trịnh ông cũng khó có thể bảo toàn tính mạng.

Chuyện can vua, cản chúa thường chuốc họa vào thân. Sinh thời nhằm lúc thế sự triều chính nghiêng ngả, triều đình Lê - Trịnh với quyền lực chính trị chia hai và được gọi là “Lưỡng đầu chế” mà ngôn từ hiện đại gọi là “cơ cấu quyền lực kép”. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng những vị đại quan “có dính dáng” đến triều vua Lê - chúa Trịnh sau này đều bị thất lạc lý lịch “trích ngang”, vì vậy nguồn khảo luận về Nguyễn Viêm là rất hạn chế nên muốn biết rõ hơn về đường hoạn lộ thăng trầm của Nguyễn Viêm chỉ có thể khảo cứu từ tình hình triều chính Lê - Trịnh cuối thế kỷ XVII nơi mà Nguyễn Viêm ngày ngày cúc cung tận tụy vua Lê - chúa Trịnh. 

Muốn làm sáng tỏ đức độ thanh liêm của ông có thể căn cứ vào các nguồn khảo luận của giới sử gia thời ông làm quan ghi chép về sự ra đời của chế độ nhà nước phong kiến “Lưỡng đầu chế” mà thực chất là quyền bính nằm trong tay chúa Trịnh. Xuất phát điểm năm Canh Tý (1600), con trai thứ của Trịnh Kiểm là Trịnh Tùng tranh quyền của anh trai là Trịnh Cối từ Đàng trong đem quân ra Bắc đánh bại nhà Mạc (1527 - 1592) lấy được Đông Đô lập ra nghiệp chúa. Trịnh Tùng ép vua Lê Thế Tông (1567 - 1599) phong cho mình làm Đô nguyên súy Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An Vương tức là người nắm giữ mọi quyền hành trong nước, lập ra vương phủ đặt các chức tham tụng, bồi tụng… nhằm thâu tóm quyền lực cai trị đất nước cho dù triều đình vua Lê đang tồn tại, đương triều vẫn có các cấp bộ nhưng mọi quyền bính lại thuộc về phủ chúa. Chúa Trịnh nổi lên thì vua Lê bị át quyền, chỉ là cái bóng vật vờ mờ nhạt trong ván bài chính trị quyền lực của chúa Trịnh, còn kinh tế thì ngân khố chi tiêu đều dựa vào “bổng lộc” do chúa Trịnh ban bố. Trải qua 11 đời chúa Trịnh, đến năm Mậu Thân 1788, Án Đô Vương (Trịnh Bồng) bị sát hại và vua Lê Chiêu Thống bỏ triều đình đem theo quyến thuộc chạy sang cầu viện Trung Quốc mới chấm dứt thời kỳ vua Lê - chúa Trịnh. 

Trong đó sử cũ chép rằng đời chúa Trịnh Giang (1710 - 1760) là con trưởng của chúa Trịnh Cương (1685 - 1729). Năm Kỷ Dậu 1729, chúa Trịnh Cương mất, Trịnh Giang được lập lên nối ngôi chúa, hiệu là Uy Nam Vương là vị chúa thứ 6 trong các đời chúa Trịnh và là đời chúa ăn chơi sa đọa nhất. Sử cũ ghi Trịnh Giang nối ngôi chúa đã không phát huy được sự nghiệp của cha là Trịnh Cương để lại. Trịnh Giang hoang dâm vô độ, ăn chơi xa xỉ, cho xây dựng từ đường ở các làng ngoại thích như Tử Dương, Mi Thử cực kỳ nguy nga tốn kém, xây dựng chùa quán (Thiền viện) như Hồ Thiên, Quỳnh Lâm, Sùng Nghiêm… Những công trình xây dựng đáp ứng nhu cầu ăn chơi của Trịnh Giang đương nhiên hao tốn rất nhiều ngân khố và công sức người dân và để có tiền Trịnh Giang đã cho tăng thêm các loại thuế, làm kiệt sức dân. Trịnh Giang còn thẳng tay phế truất ngôi vua của vua Lê Thuần Tông (1699 - 1735) mà không thông qua đình thần vào năm Nhâm Tý 1732 và đến năm Ất Mão 1735 Trịnh Giang ép buộc vua Lê Thuần Tông phải thắt cổ tự tử. Là triều thần phụ trách công nghiệp xây dựng, trước nỗi thống khổ của người dân và sự xa xỉ lãng phí của chúa Trịnh Giang chắc chắn nhiều lần Nguyễn Viêm phải hặc tấu can chúa. Và nhiều lần Nguyễn Viêm phải đối mặt với nguy cơ “mất mạng” bởi sự can chúa của mình. Cuối cùng Nguyễn Viêm cũng thoát khỏi chốn cung thành nhầy nhụa, nhớp nhơ cảnh trụy lạc của chúa Trịnh Giang bằng con đường xin về làm quan án sát xứ Tuyên Quang xa xôi. Nhưng ở chốn “thâm sơn cùng cốc” cũng chẳng hơn gì chốn cung đình bởi “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn”, ở nơi trị nhậm mới Nguyễn Viêm hàng ngày phải đối mặt với đám quan tham ô lại đầy mưu ma chước quỷ. Vốn tính cương thường, thẳng ngay ông đã vạch trần nhiều âm mưu, thủ đoạn lọc lừa của đám quan tham. 10 năm trị nhậm xứ Tuyên, Nguyễn Viêm gây được cảm tình của chúa Trịnh và được chúa Trịnh Giang thăng chức “Mậu lâm Tả thị lang hàn lâm viện đãi chế”. Năm 1734, ông lại được điều về làm Hiến sát xứ Hải Dương mấy năm thì từ quan về quê.

Đường quan lộ của Nguyễn Viêm không gặp thời vì khi ông “mũ áo xênh xang” cũng là lúc triều đình nhà Lê đã ở phần cuối của giai đoạn suy tàn. Các vua Chân Tông, Huyền Tông, Gia Tông đều là vua thiếu niên và mất sớm. Các vua Thế Tông, Thần Tông, Dụ Tông, Hy Tông, Thuần Tông, Hiển Tông và nhất là Lê Chiêu Thống sau này là những ông vua “khoanh tay rũ áo”. Toàn bộ hoạt động đối nội, đối ngoại, trị quốc, an dân đều do chúa Trịnh quyết định. Dân đã khốn khổ cổ “đôi tròng” vua Lê - chúa Trịnh mà quan lại từ cung vua đến phủ chúa lại ra sức vơ vét của cải của dân. Làng quê thì đói khổ, xơ xác, trăm họ lâm vào cảnh lầm than, đất nước lâm vào loạn ly, trên cao không còn vua sáng thì hiền tài như Nguyễn Viêm đâu còn đất dụng. Chán cảnh quan trường, Nguyễn Viêm bỏ về quê làng Mỹ Xá sống ẩn dật cũng là để giữ khí tiết sạch trong của mình.


Ông Nguyễn Thành Tín, hậu duệ tiến sĩ Nguyễn Viêm, Chủ tịch UBND xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ

Theo nguồn khảo cứu lịch sử địa phương, tiến sĩ Nguyễn Viêm là vị quan thanh liêm giữa chốn quan trường đầy rẫy tệ tham nhũng, ức hiếp dân lành cuối thế kỷ XVII. Ông là người soạn văn bia quốc học tự văn chỉ huyện Phụ Dực. Xã Mỹ Xá thời mạt Lê có 1 người đỗ tiến sĩ là cụ Nguyễn Viêm và có đến 18 vị đỗ hương cống, giám sinh, sinh đồ. Dân gian có câu: “Cống sĩ làng Cầu, đàn trâu làng Hạ” ý nói người học hành đỗ đạt ở làng Cầu rất đông còn làng Hạ thì rất nhiều “đầu cơ nghiệp”.
 
Ông Nguyễn Quốc Việt, Bí thư Chi bộ thôn Lam Cầu 1, xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ

Thời vua Lê - chúa Trịnh, xã Mỹ Xá thuộc huyện Phụ Dực và nay là thôn Lam Cầu 1, xã An Hiệp từ xưa đã có nhiều người học hành đỗ đạt. Làng Lam Cầu ngoài tiến sĩ Nguyễn Viêm còn có 4 người đỗ Hương cống, sinh đồ, giám sinh. Dân làng tự hào “Lam Cầu cao xứ, tứ đại công khanh”.

Ông Nguyễn Văn Duyệt, hậu duệ tiến sĩ Nguyễn Viêm, tộc trưởng họ Nguyễn, thôn Lam Cầu 1, xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ

Cụ Nguyễn Viêm là đời thứ 6 tộc Nguyễn làng Mỹ Xá. Cụ tôi đỗ tiến sĩ năm 1721 được triều đình bổ chức quan nhưng cụ tôi là người thanh liêm chính trực, chẳng chịu cúi luồn chán cảnh quan trường bỏ về quê ở ẩn. Cụ tôi nổi tiếng văn hay, chữ tốt nên được chọn soạn văn bia quốc học tự văn chỉ huyện Phụ Dực.


Quang Viện