Thứ 5, 14/11/2024, 11:36[GMT+7]

Từ dự án “Tác động từ mạng xã hội...” nghĩ đến thực trạng

Thứ 3, 20/11/2018 | 08:38:17
1,621 lượt xem
Khi nói đến phong trào nghiên cứu khoa học của học sinh, nhiều người thường nghĩ ngay đến các loại máy móc phục vụ đời sống. Thế nhưng, vừa qua, hai nữ sinh Trường THPT Tiên Hưng đã xuất sắc vượt qua nhiều dự án để đạt giải nhất tại hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông năm 2018 của các trường THPT trên địa bàn huyện Đông Hưng với chủ đề: “Tác động từ mạng xã hội đến tâm lý đám đông hiện nay. Thực trạng và giải pháp”. Đây là dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội hành vi.

Giờ ra chơi của học sinh Trường THPT Tiên Hưng.

Thầy giáo Dương Thế Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tiên Hưng, giáo viên định hướng cho hai học sinh thực hiện dự án chia sẻ: Tâm lý đám đông ban đầu vốn chỉ là tâm lý của một nhóm người song kể từ khi mạng xã hội “bùng nổ” thì nó thực sự đã trở thành vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của xã hội. Không một ai có thể tưởng tượng và lường trước được hậu quả nghiêm trọng mà tâm lý đám đông trên mạng xã hội gây ra. Điều đáng nói là hầu hết học sinh THPT hiện nay đều sử dụng mạng xã hội, luôn có biểu hiện tâm lý đám đông khi sử dụng và trên thực tế đã gây ra không ít hậu quả nghiêm trọng. Nhận thức được điều đó, ngay sau khi hai học sinh Nguyễn Thị Nhàn và Nguyễn Thị Tú Hảo chia sẻ ý tưởng thực hiện dự án, tôi rất ủng hộ. 

Em Nguyễn Thị Nhàn, học sinh lớp 11A3, Trường THPT Tiên Hưng tâm sự: Không những ủng hộ chúng em mà trong suốt thời gian thực hiện dự án thầy Bảo còn là người định hướng để chúng em có những bước nghiên cứu đúng đắn. Bên cạnh đó, cô giáo Vũ Thị Thanh Mai, giáo viên Ngữ văn của Trường cũng giúp chúng em có cái nhìn, đánh giá đúng về tâm lý đám đông hiện nay.

Chia sẻ về ý tưởng nghiên cứu, em Nguyễn Thị Tú Hảo, học sinh lớp 11A6, Trường THPT Tiên Hưng cho biết: Qua khảo sát thực tế có 99,5% học sinh trong trường sử dụng mạng xã hội với các mục đích như kết nối với người quen, học tập, cập nhật tin tức, xu hướng. Hầu hết học sinh sử dụng điện thoại để vào mạng xã hội, vào mọi thời điểm trong ngày như lúc đi chơi, ăn cơm, sinh hoạt cá nhân, phụ giúp bố mẹ, trên đường đi - về học, học bài, ra chơi, thậm chí ngay cả trong giờ học. Thời điểm học sinh thích nhất là lúc lên giường ngủ bởi đây là thời điểm mà mạng xã hội hoạt động mạnh mẽ nhất đồng thời cũng là thời điểm mà sự quản lý của gia đình và nhà trường bị hạn chế. Thông qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo, youtube, instagram, twitter, nhiều học sinh đã hình thành tâm lý đám đông khi thích và chia sẻ những hình ảnh, câu nói, cách sống, quan điểm sống trên trang cá nhân của mình. Điều đáng nói là nhiều học sinh chưa hiểu được tác động của tình trạng trên. Bên cạnh những tác động tích cực như thắt chặt tinh thần đoàn kết, hưởng ứng các phong trào ý nghĩa, tố cáo, vạch trần cái xấu..., việc chia sẻ những thông tin trên mạng xã hội tồn tại rất nhiều tiêu cực như hình thành sự bảo thủ, niềm tin mù quáng; hình thành nhận thức phiến diện, một chiều (hiện tượng tam giác, tròn, vuông); nguy hiểm hơn, đó là cơ hội để đối tượng xấu lợi dụng công kích, phản động (câu chuyện của đối tượng Bùi Mạnh Đông, Cần Thơ).

Trước thực trạng trên, hai em Nguyễn Thị Nhàn và Nguyễn Thị Tú Hảo đã đề xuất một số giải pháp như: bộ lọc thông tin, định hướng cho học sinh, lắng nghe và thấu hiểu học sinh, học sinh cần tự nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân... Sau khi cùng nhà trường, Đoàn Thanh niên thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền tại nhà trường như: khảo sát, tuyên truyền trên loa phát thanh của nhà trường, định hướng cho học sinh qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa..., hầu hết học sinh đã nhận thức được các vấn đề về tâm lý đám đông và tác động từ mạng xã hội đến tâm lý đám đông của bản thân. Vào giờ ra chơi, nhiều học sinh đã hạn chế thời gian sử dụng điện thoại, thay vào đó là ra sân trường đá cầu, nhảy dây, thảo luận bài tập.

Thầy giáo Dương Thế Bảo chia sẻ thêm: Mặc dù dự án của hai học sinh Trường THPT Tiên Hưng vẫn đang trong giai đoạn tiếp tục hoàn thiện để dự thi cuộc thi cấp tỉnh song không thể phủ nhận kết quả bước đầu mà dự án mang lại cho học sinh toàn trường. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hai em thực hiện dự án, góp phần giáo dục đạo đức cho học sinh Trường THPT Tiên Hưng nói riêng, học sinh toàn tỉnh nói chung.

Đặng Anh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày