Thứ 7, 23/11/2024, 18:21[GMT+7]

Xử lý nghiêm “xe dù, bến cóc” và xe hợp đồng “trá hình”

Thứ 2, 26/11/2018 | 08:46:27
2,023 lượt xem
Mặc dù đã được tuyên truyền, vận động nhưng hiện nay tình trạng “xe dù” và xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định, xe chạy trái luồng tuyến trên địa bàn tỉnh vẫn ngang nhiên hoạt động tại nhiều tuyến đường, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông.

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải kiểm tra phương tiện kinh doanh vận tải hợp đồng trên đường Long Hưng (thành phố Thái Bình).

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, việc kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô vẫn còn nhiều vi phạm Luật Giao thông đường bộ và có nguy cơ ngày càng gia tăng với các lỗi chủ yếu như dừng, đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định; “xe dù, bến cóc” và xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định, xe chạy trái luồng tuyến... 

Bên cạnh đó, từ cuối năm 2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo dừng hoạt động xe khách tuyến nội tỉnh nhưng vẫn còn hiện tượng một số xe lén lút vận chuyển hành khách từ các huyện đi thành phố Thái Bình, đặc biệt là tuyến thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) và tuyến thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà) đi thành phố Thái Bình... Những hoạt động này đã và đang dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh vận tải, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dịch vụ và không bảo đảm trật tự an toàn giao thông, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trước thực trạng trên, để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và Bộ Giao thông Vận tải về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-UBND về việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định, xe chạy trái luồng tuyến trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã lập kế hoạch chuyên đề phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh và Công an thành phố Thái Bình kiểm tra, xử lý xe ô tô vận tải hành khách không có phù hiệu, xe chạy hợp đồng không đúng quy định trên địa bàn thành phố Thái Bình. Qua tuần tra, kiểm soát, từ ngày 1/10 - 18/11, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với các lực lượng lập 21 biên bản vi phạm hành chính đối với các lỗi vi phạm như vận chuyển hành khách theo hợp đồng mà không có hợp đồng vận chuyển theo quy định; dừng xe đón, trả khách không đúng nơi quy định, nơi có biển cấm đỗ, cấm dừng...

Ông Trịnh Xuân Hảo, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải cho biết: Trong đợt cao điểm từ đầu tháng 11 đến nay, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã bố trí luân phiên 3 đội thanh tra buổi sáng từ 6 giờ đến 7 giờ 30 phút thường trực và đi tuần tra, xử lý tại các tuyến đường Trần Thái Tông, Võ Nguyên Giáp, Long Hưng; buổi trưa từ 11 giờ đến 11 giờ 45 phút bố trí 2 đội thanh tra thường trực kiểm tra, xử lý tại khu vực Bến xe khách trung tâm và Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trường Đại học Y Dược Thái Bình; buổi chiều từ 16 giờ 30 đến 17 giờ 30 bố trí 1 đội thanh tra thường trực kiểm tra, xử lý tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trường Đại học Y Dược Thái Bình; trong giờ hành chính tập trung cả 4 đội thanh tra để xử lý đối với xe vận chuyển hành khách nội tỉnh. 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn do lực lượng công an tham gia phối hợp không thường xuyên, liên lục. Sự chống đối quyết liệt của các đối tượng vi phạm như không dừng xe khi lực lượng thanh tra giao thông ra tín hiệu kiểm tra; trốn tránh vào các tuyến đường ngang khi phát hiện có lực lượng thanh tra giao thông đứng trực tại các điểm hay dừng, bắt khách; sử dụng người mật báo để trốn tránh khi có lực lượng kiểm tra trên đường. Đặc biệt còn có trường hợp cho phương tiện lao thẳng vào lực lượng chức năng trong quá trình làm nhiệm vụ...

Thiết nghĩ, để giải quyết dứt điểm tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định, xe chạy trái luồng tuyến cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và các địa phương. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát các phương tiện trên thiết bị giám sát hành trình, đặc biệt là đối với các phương tiện trước đây vận chuyển hành khách nội tỉnh. Thường xuyên kiểm tra việc các doanh nghiệp gửi thông báo tới Sở Giao thông Vận tải trước khi thực hiện hợp đồng vận chuyển hành khách. Thực hiện thu hồi phù hiệu, dừng cấp phù hiệu xe hợp đồng cho các tổ chức, cá nhân có phương tiện vi phạm sử dụng xe hợp đồng để vận chuyển hành khách nội tỉnh. Có như vậy, tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định, xe chạy trái luồng tuyến mới được xử lý dứt điểm, qua đó góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Phạm Hưng