Thứ 2, 25/11/2024, 20:43[GMT+7]

Tạo sự lan tỏa về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

Thứ 2, 26/11/2018 | 11:02:38
1,671 lượt xem
Cùng với biểu dương, cổ vũ những cách làm hay, gương điển hình, Báo Thái Bình cũng đã có nhiều tin, bài có nội dung phê phán, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản trên địa bàn...

Mỗi năm, nông dân sử dụng trên 20.000 tấn phân bón hữu cơ.

Là một trong những vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng, cả nước nói chung, Thái Bình cũng nằm trong bối cảnh chung khi việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, các loại phân bón hóa học cùng với trình độ khoa học kỹ thuật trong canh tác, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản còn thấp, vấn đề xử lý nguồn thải trong sản xuất nông nghiệp còn mang tính đơn giản... Với đặc điểm cơ cấu lao động nông nghiệp của tỉnh chiếm tỷ lệ cao, đây là nguyên nhân gây nên hiện tượng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động vùng nông thôn, phát sinh nhiều dịch bệnh nguy hiểm.

Theo rà soát, mỗi năm, nông dân sử dụng trên 600 tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại, trên 200.000 tấn phân bón vô cơ, trong đó lượng nhỏ hấp thụ vào cây trồng, còn lại thẩm thấu vào đất, nước làm ô nhiễm môi trường. Chưa kể khoảng 10 - 15% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nguyên chất, vốn là những hợp chất độc hại, đứng đầu danh sách 12 loại độc nguy hiểm còn sót lại ở vỏ các bao bì vứt bừa bãi trên đồng ruộng, kênh mương sẽ tác động trực tiếp đến môi trường. Tình trạng này khiến đất đai bị chai cứng, giữ nước kém và giảm độ màu mỡ, quan trọng hơn đó là khiến con người có nguy cơ mắc các bệnh ung thư.

Trong hoạt động chăn nuôi, tổng đàn gia súc của tỉnh khoảng trên 1 triệu con, trong đó chủ yếu là lợn; trên 12.000 con gia cầm; tổng lượng xả thải trong chăn nuôi lên tới hàng nghìn tấn chất thải rắn/ngày đêm. Điều đáng nói, phần lớn mô hình chăn nuôi ở dạng nông hộ nhỏ lẻ, phân tán. Tuy các trang trại, gia trại đã xây dựng hầm biogas để xử lý nhưng hầu hết đều chưa đạt chuẩn bởi diện tích hầm nhỏ so với quy mô chăn nuôi nên không thể lưu giữ, xử lý lượng chất thải đúng theo quy định trước khi đưa ra môi trường. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường từ nguồn thải ở các lò giết mổ gia súc, gia cầm cũng là vấn đề đáng báo động bởi hầu hết các cơ sở giết mổ đều là nhỏ lẻ, phân tán, ngay tại gia đình, trong khu dân cư...

Trong lĩnh vực thủy sản, sự tăng nhanh về diện tích, sản lượng (2,18%/năm) thời gian qua gây nguy cơ lớn ảnh hưởng đến môi trường bởi thức ăn dư thừa và chất thải của đối tượng nuôi tồn dư trong nước do lượng thức ăn phải tiêu tốn để thu được 1kg tăng trọng cao. Khi xảy ra dịch bệnh gây chết ngao, tôm, cá với số lượng lớn thì công tác thu gom, xử lý xác động vật thủy sản chưa triệt để, thiếu tính khoa học. Đáng chú ý, tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhất là ở khu vực nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, chất lượng môi trường đất, nước và các hệ sinh thái có nguy cơ biến đổi mạnh do suy thoái và ô nhiễm; chất lượng nước tại các khu vực này có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ (BOD, COD, ni-tơ, phốt-pho... cao hơn tiêu chuẩn cho phép); đồng thời xuất hiện các khí độc hại và chỉ số vi sinh vật, độ đục, với nồng độ cao hơn mức cho phép, phát sinh dịch bệnh thủy sản, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Với sản lượng khai thác thủy sản tăng từ 44,8 nghìn tấn năm 2010 lên 74,3 nghìn tấn năm 2017 (tốc độ tăng bình quân 7,5%/năm) cũng đặt ra thách thức cần giải quyết để hài hòa mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường (BVMT).

Cán bộ ngành Nông nghiệp thanh tra vật tư, thuốc thú y tại một cơ sở kinh doanh xã Đông Kinh (Đông Hưng).

Nhận thức rõ về vai trò của công tác tuyên truyền về BVMT trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua Báo Thái Bình đã mở chuyên mục Tài nguyên - Môi trường trong sản xuất nông nghiệp trên cả 3 loại hình: báo viết, báo điện tử và truyền hình online. Đồng thời tăng cường số lượng phóng viên tham gia, qua đó nâng cao chất lượng và số lượng tin, bài, ảnh liên quan. Các tin, bài, ảnh đã phản ánh cơ bản việc triển khai những giải pháp BVMT của các cấp, các ngành như: đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng các mô hình sản xuất sạch, khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học... vào sản xuất. 

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Báo Thái Bình tăng cường phản ánh về công tác quy hoạch đưa các trang trại chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư, vận động, hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng đệm lót sinh học, các chế phẩm sinh học để xử lý chất thải, tăng khả năng phòng bệnh cho vật nuôi... Trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, khai thác thủy sản đã tập trung tuyên truyền các giải pháp phát triển bền vững như: đánh bắt thủy sản có trách nhiệm, tuân thủ quy định của pháp luật và quy ước quốc tế; sử dụng các chế phẩm sinh học (tỏi) trong phòng bệnh cho tôm, sử dụng thức ăn đúng liều lượng cho thủy sản; xây dựng riêng biệt hệ thống cấp và thoát nước cho các vùng nuôi...

Cùng với biểu dương, cổ vũ những cách làm hay, gương điển hình, Báo Thái Bình cũng đã có nhiều tin, bài có nội dung phê phán, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản trên địa bàn...Qua đó nhận thức về BVMT trong các cấp, ngành và nhân dân ngày càng được nâng lên, mức độ gia tăng ô nhiễm từng bước được hạn chế.

Để nâng cao hơn nữa tính hiệu quả trong công tác tuyên truyền về BVMT trong nông nghiệp, nông thôn, thời gian tới, Báo Thái Bình tiếp tục bám sát vào sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và định hướng của Ban Tuyên giáo về tuyên truyền công tác BVMT trong nông nghiệp, nông thôn; tăng cường tuyên truyền cả về số lượng và chất lượng. Cùng với báo in, phát huy hơn nữa vai trò của báo điện tử và truyền hình online là những phương tiện đang được độc giả, khán giả sử dụng nhiều.


Phan Lợi - Lưu Ngần