Thứ 7, 23/11/2024, 20:06[GMT+7]

Quyền lợi của người thuộc hộ nghèo khi đi khám chữa bệnh trái tuyến ở tỉnh

Thứ 4, 28/11/2018 | 09:32:35
4,447 lượt xem
Thời gian qua, có rất nhiều người, nhất là hộ nghèo băn khoăn về việc khi bị bệnh nặng muốn đi khám bệnh tại tuyến tỉnh thì có được có được bảo hiểm y tế chi trả không? Nếu được thì cần những thủ tục gì. Phóng viên Báo Thái Bình đã tìm hiểu và cung cấp thông tin cụ thể như sau:

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Căn cứ  Điều 22, Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014 về mức hưởng bảo hiểm y tế thì:

“1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điều 26, 27 và 28 của Luật này thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:

a) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các điểm a, d, e, g, h và i khoản 3 Điều 12 của Luật này…

3. Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này theo tỷ lệ như sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này:

a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;

b) Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trong phạm vi cả nước;

c) Tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2015; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

5. Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương và có mức hưởng theo quy định tại khoản 1 Điều này”.

Như vậy, trường hợp người nghèo đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến xã và muốn đi khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh nên được coi là đi khám chữa bệnh trái tuyến.

+ Nếu là hộ gia đình nghèo tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc vùng đặc biệt khó khăn thì khi đi khám, chữa bệnh nội trú tại tuyến tỉnh thì mức hưởng như đi đúng tuyến và bằng 100% chi phí khám, chữa bệnh nằm trong danh mục được quỹ bảo hiểm y tế chi trả.

+ Nếu không thuộc trường hợp trên  sẽ chỉ được hưởng với mức 60% chi phí khám, chữa bệnh nằm trong danh mục được quỹ bảo hiểm y tế chi trả khi nằm viện nội trú. Còn nếu người nghèo đi khám chữa bệnh ngoại trú sẽ phải tự chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh.

Về thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 28 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 như sau:

“1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh; trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó; đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế”.

Do đó, khi đi khám chữa bệnh thì người nghèo phải xuất trình được thẻ bảo hiểm y tế, nếu thẻ không có ảnh thì phải xuất trình được thêm giấy tờ tùy thân có ảnh.

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày