Chủ nhật, 24/11/2024, 07:02[GMT+7]

Học tập và làm theo phong cách sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ 2, 03/12/2018 | 08:05:08
19,867 lượt xem
(Chuyên đề đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 12/2018)

Ảnh tư liệu.

Phong cách sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều nét đã trở thành huyền thoại không những đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả thế giới. Cuộc sống riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực sự hòa nhập với cuộc đời công mà Người đã hiến dâng tất cả cho nhân dân, cho đất nước, cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng toàn thế giới.

Phong cách sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ một triết lý nhân sinh là lấy khiêm tốn, giản dị, đức độ, yêu thương con người làm chuẩn. Đó là sự giản dị, thanh đạm, thanh cao trong sinh hoạt hàng ngày; đó là cách sống chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, rất quý trọng thời gian; không ham muốn danh lợi riêng cho mình; đó là tình thương yêu con người quyện với tình yêu thiên nhiên tạo nên tinh thần lạc quan của người chiến sĩ, kết hợp chặt chẽ với những rung động say mê của một tâm hồn nghệ sĩ. Là lãnh tụ của dân tộc nhưng đời sống vật chất của Người cũng như đại đa số của người dân bình thường.

Sau gần 30 bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân, trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước, Người đã sống ở hang núi Pác Bó (Cao Bằng) trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn với tinh thần lạc quan cách mạng. Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng di chuyển lên Việt Bắc, lãnh đạo kháng chiến kiến quốc. Nơi ở của Người chỉ là một ngôi nhà sàn bé hoặc mái lá đơn sơ. Kháng chiến thắng lợi, trở về Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn nơi ở và làm việc là một ngôi nhà nhỏ vốn của người thợ điện phục vụ cho phủ Toàn quyền Đông Dương cũ. Đảng, Nhà nước mời Người ra ở tòa nhà lớn Phủ Chủ tịch nhưng Người đã từ chối. Khi ngôi nhà sàn được xây dựng thì tầng dưới Người dùng làm nơi họp Bộ Chính trị và làm việc với cán bộ các bộ, ban, ngành, tiếp một số đoàn khách, bạn bè, đồng chí gần gũi hoặc các cháu thiếu niên, nhi đồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dành cho mình một chút riêng ở tầng trên nhà sàn với hai phòng nhỏ, diện tích mỗi phòng chỉ hơn 10m2. Trong phòng làm việc cũng như phòng ngủ chỉ có những đồ vật thật sự cần thiết và hết sức đơn giản. Người rất ghét thói xa hoa, lãng phí, hưởng thụ và lại càng xa lạ với thói phô trương, hình thức.

Trong sinh hoạt hàng ngày, Bác luôn đặt cho mình một kỷ luật hết sức chặt chẽ, giữ nếp trật tự, ngăn nắp gọn gàng, thường xuyên chú ý đến việc rèn luyện sức khỏe, sắp xếp thời gian thực hiện mọi công việc thật hợp lý và sao cho có hiệu quả tốt nhất. Bác có thói quen đọc báo chí, bản tin trước giờ làm việc hàng ngày, đánh dấu các bài cần chú ý để tiện việc theo dõi, trao đổi ý kiến và sử dụng khi cần thiết. Những công việc trong ngày, trong tuần, trong tháng - từ việc họp hành, làm việc với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, hay phụ trách các bộ, ban, ngành, tiếp khách trong nước và quốc tế, đến việc viết báo, đọc và trả lời thư từ, đi thăm cán bộ, nhân dân các địa phương hay cơ sở, xem phim, xem biểu diễn văn nghệ... đều được Bác bố trí hết sức hợp lý để tốn ít thời gian nhất, ít làm phiền đến cơ sở mà lại có hiệu quả nhất.

Bữa ăn hàng ngày của Người thường chỉ có canh cua, tương cà, dưa muối, cá kho với lá gừng. Người nhắc các đồng chí phục vụ bữa ăn cho mình chỉ nấu vừa đủ, không để thừa, tránh lãng phí. Sau các bữa ăn, Người tự mình sắp xếp gọn gàng bát đĩa trên bàn để các đồng chí phục vụ thu dọn đỡ vất vả. Những hôm trời mưa to, Người vẫn đi đến chỗ ăn cơm vì không muốn để các đồng chí phục vụ phải vất vả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu thiên nhiên và sống gắn bó, hòa vào thiên nhiên. Khi trở về Tổ quốc, người đích thực sống hòa nhập với thiên nhiên, với bờ suối, rừng cây, có cảnh đất trời, sông núi, có đất trồng rau, trồng hoa... Những năm tháng ở Thủ đô Hà Nội, Người sống trong ngôi nhà sàn dưới bóng cây râm mát, rộn rã tiếng chim, có ao nuôi cá. Mảnh đất nhỏ trước nhà sàn, Người trồng đủ các loại hoa, có hàng rào hoa dâm bụt bao quanh như ở làng Sen quê nhà. Phía sau nhà là vườn cam quê hương, bên kia bờ ao cá là vườn trồng rau xanh và một số cây ăn quả như cam, bưởi, hồng, táo, xoài, dừa... Đầu nhà sàn là cây vú sữa, trước nhà là những cây dừa... của đồng bào miền Nam tặng Người. Những lúc mát trời, Người ngồi đọc sách, tiếp khách bên giàn hoa giấy phía sau tòa nhà Phủ Chủ tịch, không gian thiên nhiên thoáng đãng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái. Một cây bụt mọc bên bờ ao cá bị sâu mục và mối ăn làm rỗng ruột đến quá nửa thân nhưng Người cũng không cho chặt bỏ với một lời giải thích hết sức đơn giản và thuyết phục: Việc chặt bỏ một cây thì dễ nhưng trồng được cây to bóng mát như vậy thì phải mất hàng chục năm mới có được và Người còn hướng dẫn cho người làm vườn cách cứu chữa cho cây khỏi bị sâu mục và mối xông. Người đã đề xướng phong trào “Tết trồng cây”, vì “việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”: “Mùa Xuân là tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động ngày nay đã trở thành một phong tục tập quán tốt đẹp trong nhân dân.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình yêu thiên nhiên gắn liền tình yêu đất nước, tình yêu con người, vì hạnh phúc của con người, vì sự phồn vinh của đất nước. Người căn dặn: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Nhân dịp trồng cây trên đồi Vật Lại, Ba Vì, Người đã mời một số cán bộ có trách nhiệm đến bàn tiếp vấn đề trồng người. Người căn dặn phải bắt đầu từ việc chăm sóc cây mới trồng, từng con người mới lớn, nâng niu từng tấm gương người tốt, việc tốt xuất hiện ở trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu triệu quần chúng nhân dân lao động trong cả nước. Phải có nhiều cây mới thành rừng, phải có nhiều người tốt mới thành một xã hội tốt đẹp. Tình yêu con người và tình yêu thiên nhiên đã tạo nên tinh thần lạc quan, tâm hồn thư thái, khoáng đạt, phong cách ung dung, tự tại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mọi hoàn cảnh. Người truyền tinh thần lạc quan cho mọi người bằng những lời nói đầy thuyết phục, bằng cả những câu chuyện vui nhẹ nhàng, hài hước đặc biệt là bằng sự quan tâm đầy tình nghĩa.

Phong cách sinh hoạt giản dị, thanh đạm của Bác không phải cố để tạo nên một vỏ bọc bề ngoài cho “thấy gần gũi” với mọi người, mà nó xuất phát từ tính đạo đức nhân văn trong con người của Bác, Bác không cho phép mình ăn ngon, mặc đẹp, hưởng thụ khi nhân dân còn nghèo khổ, thiếu thốn. Bác sống giản dị, thanh đạm, làm việc không mệt mỏi chỉ với một mục đích là làm sao cho “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Bác cũng mong muốn làm sao cho nhân dân từ ăn no, mặc ấm phải đi đến ăn ngon mặc đẹp, đời sống của mỗi người, mỗi gia đình phải không ngừng được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên Bác cũng khuyên chúng ta phải ít ham muốn về vật chất: “Ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh, không chạy theo danh lợi, không say mê quyền lực, vì những ham muốn ấy sớm muộn sẽ làm con người hư hỏng”. Những tệ nạn như tham nhũng, dối trá, bè cánh, tranh giành địa vị, vơ lợi ích về cho những người thân trong gia đình, họ hàng... đều xuất phát từ những ham muốn vật chất mà Bác đã chỉ ra từ rất sớm. Đối với cán bộ, đảng viên Bác căn dặn, “Cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải kính yêu nhân dân, phải tôn trọng thật sự quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng”, ra lệnh, ra oai... phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo”.       

 Trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có phong cách sinh hoạt của Người; qua học tập, mỗi cán bộ mới hiểu rõ hơn giá trị của phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh, từ đó liên hệ với bản thân, nhận thức rõ hơn sự cần thiết phải học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh, mỗi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, thể hiện cụ thể trong suy nghĩ và thực hiện công việc hàng ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.



  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày