Thứ 7, 23/11/2024, 21:26[GMT+7]

Đông Kinh: Giàu lên từ nghề

Thứ 3, 04/12/2018 | 08:50:57
1,538 lượt xem
Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã mang lại diện mạo mới cho nhiều làng quê, không chỉ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp mà những làng mộc, làng xây dựng, làng may... xuất hiện ngày càng nhiều, giúp người dân nông thôn vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Đông Kinh (Đông Hưng) là một trong những xã như thế.

Xưởng may của gia đình anh Trần Quang Tường tạo việc làm cho gần 300 lao động.

12 năm lăn lộn với nghề may, khi thì đồng phục học sinh, khi thì quần áo bảo hộ lao động... và bây giờ là may gia công xuất khẩu, dù trải qua nhiều khó khăn, thách thức nhưng gia đình anh Trần Quang Tường ở thôn Kinh Nậu chưa bao giờ nản chí mà quyết tâm làm giàu từ nghề may trên mảnh đất quê hương. Nhờ chịu khó học hỏi, tìm tòi nên đến nay gia đình anh đã mở được 1 xưởng may gia công áo khoác cho các đối tác xuất khẩu sang Hàn Quốc, Italia..., thu hút gần 300 lao động với thu nhập từ 4 - 12 triệu đồng/người/tháng. 

Anh Tường cho biết, năm 2017 gia đình anh đạt doanh thu gần 20 tỷ đồng. Lúc đầu có 2 - 3 người làm, khó khăn từ vốn đến kinh nghiệm nhưng cứ phát triển dần dần, đến nay một ngày sản xuất được 5.000 sản phẩm. Công nhân thu nhập theo sản phẩm và được bảo đảm đầy đủ các chế độ theo quy định của pháp luật. Xưởng may của gia đình anh đã giúp nhiều người dân trong xã có việc làm ổn định, trong đó có cả người già và người khuyết tật. 

Chị Hoàng Thị Ngọc, một trong những công nhân làm việc lâu năm tại xưởng chia sẻ: Thu nhập của tôi hiện tại được 11 triệu đồng/tháng. Môi trường làm việc rất thoải mái. Hàng tháng anh Tường tạo điều kiện để công nhân có phụ cấp chuyên cần, tiền xăng xe, sinh nhật, ốm đau, ăn uống, chế độ thai sản đều đầy đủ.

Trên địa bàn xã Đông Kinh có 4 xưởng may gia công, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Điều đáng nói ở đây là chủ các xưởng may đều là những người rất trẻ tuổi, năng động và hoạt bát. Dù mới đi vào hoạt động từ đầu năm đến nay nhưng xưởng may gia công Khánh Ly ở thôn Kinh Hào đã thu hút 60 lao động địa phương, thu nhập từ 4 - 8 triệu đồng/người/tháng. 

Chị Bùi Thị Miền, chủ xưởng may cho biết: Trước tôi cũng đi làm công nhân, về nhà tổ chức gia công ban đầu có vài máy, dần dần công nhân đông lên, tạo điều kiện cho mọi người và cũng muốn phát triển kinh tế gia đình nên tôi mở xưởng. Khi bà con có việc làm ổn định sẽ thoát khỏi cảnh đồng ruộng vất vả.

Xã Đông Kinh hiện có 27 nghề như dệt chiếu, xe đay, may mặc, chế biến lương thực, cơ khí, xây dựng... 

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện tại, địa phương có 1.000 lao động làm nghề tiểu thủ công nghiệp, riêng nghề may thu hút 500 lao động. Để tiếp tục duy trì và phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp, xã có nhiều giải pháp cụ thể, trong đó tiếp tục tạo điều kiện vay vốn; các đoàn thể tín chấp, ủy thác các nguồn vốn chính sách cho các tổ chức, cá nhân vay đầu tư sản xuất. Địa phương cũng phối hợp với các ngành, đoàn thể mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng, dạy nghề cho đoàn viên, hội viên và nhân dân. Thực hiện tốt quy hoạch và sử dụng đất đai để tạo điều kiện cho các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp mở rộng và phát triển sản xuất.

Đường vào Đông Kinh hôm nay đã được trải nhựa đến từng xóm, diện mạo nông thôn khởi sắc. Kết quả ấy có phần đóng góp không nhỏ của chủ trương và các giải pháp phát triển nghề và làng nghề của cấp ủy, chính quyền xã.

Thu Thủy
(Đài TTTH Đông Hưng)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày