Thứ 7, 16/11/2024, 18:47[GMT+7]

Hội Nông dân huyện Đông Hưng - chỗ dựa tin cậy của hội viên

Thứ 2, 10/12/2018 | 14:10:12
1,002 lượt xem
Để tổ chức hội thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Đông Hưng đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ giải quyết việc làm đem lại hiệu quả rõ nét đối với đời sống của nông dân.

Mô hình trồng thanh long cho thu nhập cao của nông dân xã Hồng Châu.

Để hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, nhiệm kỳ qua, các cấp hội nông dân huyện Đông Hưng đã tổ chức 3.033 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 220.000 lượt hội viên nông dân; 245 buổi hội thảo cho 19.500 lượt hội viên về kỹ thuật cấy lúa hiệu ứng hàng biên, chăm bón rau màu và sử dụng thức ăn chăn nuôi, phân bón các loại cây. Tổ chức 21 cuộc cho trên 1.000 lượt cán bộ, hội viên tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Tín chấp cho hội viên mua phân bón trả chậm trên 2000 tấn. Thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của 350 tổ tiết kiệm vay vốn, số dư đến nay trên 370 tỷ đồng, cho 9600 hội viên vay. 

Bên cạnh đó, các cấp hội còn thành lập 16 tổ hợp tác chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản (tăng 10 mô hình so với nhiệm kỳ trước), 60 trang trại theo tiêu chí mới, 1.261 gia trại. Nhiều xã, hội nông dân còn làm tốt hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, tạo cơ hội cho hội viên đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. 

Đồng chí Phạm Tiến Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Châu cho biết: Thời gian qua, Hội không chỉ làm tốt việc hỗ trợ nông dân về nguồn vốn (tín chấp với ngân hàng cho trên 130 hộ vay gần 2,7 tỷ đồng), tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm cho hàng trăm hội viên mà hàng năm còn cung ứng từ 40-50 tấn phân bón trả chậm bảo đảm chất lượng cho trên 850 hộ chăm sóc cây trồng, nâng cao năng suất. Vì thế, ngày càng nhiều hội viên tham gia sinh hoạt hội, cùng xây dựng tổ chức hội vững mạnh.

Năm 2014, chị Trần Thị Lập, xã Đông Vinh đã đầu tư 700 triệu đồng chuyển đổi 7000m2 đất trồng trọt không hiệu quả sang xây dựng 10 ô chuồng nuôi lợn thịt, đào 3 ao thả cá, 1.200m2 nuôi gà thịt, gà đẻ, trồng táo, chuối và rau màu quanh bờ ao. Chị Lập tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do hội nông dân các cấp tổ chức, tìm hiểu qua báo, đài, học hỏi từ các mô hình chăn nuôi thành công trong và ngoài xã, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn áp dụng vào việc chăn nuôi. Ngoài ra, chị Lập còn nhận làm đại lý bán thức ăn chăn nuôi, vừa để có thêm thu nhập cho gia đình, vừa có điều kiện giúp đỡ những hội viên khác bằng cách cho mua thức ăn chăn nuôi trả chậm. Mỗi năm việc phát triển chăn nuôi và kinh doanh đem lại cho chị Lập nguồn thu nhập khoảng 300 triệu đồng. 

Nhắc đến các mô hình nông dân làm kinh tế giỏi của huyện Đông Hưng không thể không nói tới mô hình trồng cam canh hữu cơ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mảnh đất cằn cỗi, sản xuất kém hiệu quả của ông Nguyễn Văn Vinh, xã Đô Lương. 

Ông Vinh cho biết: Từ năm 2013, tôi bắt tay trồng cam canh trên diện tích 7200m2, năm 2016 và năm 2017 đã cho thu hoạch mỗi năm trên 4 tấn quả, trừ chi phí còn lãi gần 150 triệu đồng. 

Để cây cam canh sai quả, ngọt, an toàn cho người ăn, ông Vinh áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, bảo vệ, chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, bón phân hữu cơ. Đây chính là bí quyết để cam của gia đình ông được các cơ quan, công sở, trường học, người dân đến tận nhà đăng ký mua trước khi thu hoạch hàng tháng.

Đồng chí Nguyễn Văn Năng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Nhằm phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, các cấp hội nông dân huyện Đông Hưng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; đồng thời phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên hiến kế, hiến công cho cấp ủy, chính quyền. Vận động nông dân đồng thuận trong dồn điền đổi thửa, thực hiện quy vùng sản xuất; đóng góp ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, nội đồng. Do vậy, hết năm 2013, 100% xã trong huyện đã hoàn thành dồn điền đổi thửa; xây dựng, phát triển 31 cánh đồng mẫu lớn với 1409ha, 6 cánh đồng 4 vụ ở 5 xã, đưa cây vụ đông thành vụ sản xuất chính trong năm với trên 4.700ha. Cùng với sự đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước, nông dân đã tích cực đóng góp hàng triệu ngày công, hàng triệu m2 đất và hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp, làm mới cơ bản đường giao thông nông thôn, cứng hoá trên 70% hệ thống kênh mương thủy lợi đồng ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

Thực hiện phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, các cấp hội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức: 142 buổi tuyên truyền, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; 421 lớp tập huấn kỹ thuật gắn với tuyên truyền về phòng chống tội phạm, ma tuý, phòng chống bạo lực gia đình; 156 lớp tập huấn về an toàn giao thông, 11 lớp trợ giúp pháp lý cho trên 57.000 lượt hội viên. 

Hàng năm, có 100% gia đình hội viên đăng ký và thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Qua đánh giá hàng năm có 88% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Với sự đồng thuận cao, đóng góp tích cực của cán bộ, hội viên nông dân đã đưa 27 xã của huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày