Thứ 7, 23/11/2024, 14:10[GMT+7]

Vạn cổ phương danh

Thứ 2, 17/12/2018 | 10:09:58
1,971 lượt xem
Ở hai thời kỳ lịch sử trước và sau Công nguyên cách nhau hàng mấy trăm năm, vùng đất thuộc tổng Lịch Bài, huyện Chân Định (nay là xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương) được dân gian truyền ngôn xưa là nơi mẹ Âu Cơ chia tay Lạc Long Quân dắt 50 người con lên rừng, cha Lạc Long Quân đưa 50 người con xuống biển, nơi Triệu Việt Vương từng mộ quân đánh giặc Lương giữ yên bờ cõi và cũng là nơi ký thác của ông sau khi chọn làn nước xanh trong của biển cả tẩy sạch bụi trần… phương danh lưu muôn thuở.

Đình Luật Ngoại thờ Phương Dung và Thạch Công, phối thờ Triệu Việt Vương.

Theo các nguồn khảo luận, Lý Bí (503 - 548) quê phủ Long Hưng (Hưng Hà nay) đánh thắng quân xâm lược nhà Lương năm 544, lập nên vương triều Lý (Lý Nam Đế), tên nước là Vạn Xuân. Mùa hè năm 545, quân Lương lại phát động cuộc phản công chinh phục, nhà Lương phong Dương Phiêu làm Thứ sử Giao Châu, Trần Bá Tiên làm Tư mã, huy động một lực lượng lớn quyết tiêu diệt nhà nước Vạn Xuân non trẻ. Trước sức mạnh của quân Lương, cuộc kháng chiến của vua Lý Nam Đế liên tục gặp bất lợi. Lý Bí phải rút lui về vùng động Khuất Lão, trao quyền cho vị tướng trẻ, tài năng là Triệu Quang Phục tiếp tục nhận sứ mệnh lãnh đạo cuộc kháng chiến. Cuộc phản công xâm lăng của nhà Lương truất ngôi vương quyền của Lý Bí mà đẩy Triệu Quang Phục thế ngôi, xưng Triệu Việt Vương. Nhưng ở ngôi vua chẳng bao lâu thì cuộc nội chiến lại đẩy Triệu Việt Vương vào thế cùng quẫn khiến ông phải nhảy xuống biển tự vẫn.

Trong lần điền dã mới đây, chúng tôi có dịp về xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương tìm hiểu về những sự tích truyền ngôn. Bi ký đình Luật Nội và Luật Ngoại có ghi rằng, từ thuở xa xưa hai ngôi đình này thờ hai mẹ con bà Phương Dung và Thạch Công là những người có công giúp vua Hùng đánh đuổi giặc xâm lăng. Thân phụ của Thạch Công là Hùng Tuệ Công dòng dõi vua Hùng, tương truyền ông làm phủ doãn Chân Định. Đình Luật Ngoại, xã Quang Lịch còn câu đối tối cổ ghi rằng:

Nhất môn nghĩa liệt Hùng mẫu tử
Vạn cổ sơn hà Triệu Việt Vương.

Tạm dịch:

Một nhà tình nghĩa mẹ con nhà họ Hùng
Vạn năm sông núi còn ghi công đức vua Triệu Việt.

Theo nghĩa chiết tự của câu đối thì vùng đất Chân Định (Kiến Xương nay) là nơi ghi dấu ấn lịch sử thời vua Hùng dựng nước cho đến thời nhà Triệu thế kỷ thứ V lại là nơi tụ nghĩa giúp Triệu Quang Phục đánh thắng quân Lương. Truyền ngôn rằng Đế Minh cháu ba đời của Đế Viêm (Thần Nông). Đế Minh sinh ra Đế Nghi, một lần đi săn tại phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh gặp con gái Vụ Tiên liền lấy làm vợ sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục mặt mày sáng sủa, thông minh. Đế Minh lấy làm lạ cho nối ngôi nhưng Lộc Tục cố từ nhường ngôi cho anh. Đế Minh liền lập Đế Nghi kế vị cai trị đất Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị đất phương Nam hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương thường về thủy phủ chơi, thấy con gái vua Động Đình (tương truyền thờ ở đền Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ nay) xinh đẹp liền lấy làm vợ sinh ra Sùng Lãm hiệu Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước. Long Quân dạy dân việc cày cấy, bắt đầu có tôn, ti, quân thần, đạo cha con, vợ chồng. Một lần Âu Cơ cùng Đế Nghi từ phương Bắc du ngoạn đất phương Nam, mê mải cảnh sắc phương Nam mà lạc nhau không về phương Bắc, lại gặp Long Quân giữa chốn hoang dã mênh mông. Hai người ở với nhau sau sinh ra bọc trăm trứng nở ra trăm người con trai. Một lần Âu Cơ khóc với Long Quân rằng: “Thiếp vốn là người phương Bắc nay ở với chàng nơi phương Nam sinh được trăm trai mà không cùng nhau nuôi nấng thật đáng thương thay!”. Long Quân nói: “Ta thuộc giống rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy âm dương tương hợp mà sinh ra con cái nhưng thủy hỏa khắc nhau, dòng giống không đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia tay. Ta đem năm mươi trai về thủy phủ chia trị các xứ, nàng đưa năm mươi trai về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên”. Trăm con nghe theo, sau đó từ biệt mà đi. Âu Cơ cùng 50 con về sống ở Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ) cùng nhau suy tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang. Chia nước thành 15 bộ (còn gọi là huyện) trong đó có huyện Chân Định. Vế đối thứ nhất “Nhất môn nghĩa liệt Hùng mẫu tử” là ý chỉ đất Chân Định từ xa xưa vốn là nơi mẹ con nhà vua Hùng (có thể) đã từng ở nơi này sau đó mới chia tay về đất Bạch Hạc lập nên vua Hùng và nhà nước Văn Lang.

Bối cảnh lịch sử nhà nước Vạn Xuân, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: “Vua tung quân ra đánh. Sàn chống cự, thua chết. Quân Lương tan vỡ chạy về Bắc. Nước ta được yên”. Từ năm (542 đến 550) Lý Bí rồi Triệu Quang Phục đã hai lần đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, giành lại quyền tự chủ trên toàn đất nước. Giới nghiên cứu lịch sử cho rằng thời kỳ 542 đến 550 nhà nước Vạn Xuân trải qua những năm tháng gian nan nhất tưởng như bị tiêu diệt hoàn toàn nhưng vẫn chiến thắng giặc ngoại xâm, đất nước độc lập và có điều kiện tiếp tục dựng xây. Triệu Quang Phục, người huyện Chu Diên (Khoái Châu, Hưng Yên), sinh giờ Dần, ngày 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn (524). Cha ông là Thái phó Triệu Túc, mẹ là Nguyễn Thị Hựu. Triệu Quang Phục (sau này xưng vương lấy hiệu là Triệu Việt Vương) tiếp tục trị vì nước Vạn Xuân từ năm 548 đến năm 571. Thuở khó khăn nhất Triệu Quang Phục đã lùi về huyện Chân Định chiêu mộ nghĩa binh, rèn quân chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương. Hiện nhiều xã ở huyện Kiến Xương vẫn còn trò chơi dân gian vật cầu và nấu cơm cần tương truyền là cách rèn luyện quân sĩ của Triệu Quang Phục. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: Khi Triệu Việt Vương làm vua ở thành Long Biên, Lý Thiên Bảo (anh trai của Lý Nam Đế) cũng xưng làm Đào Lang Vương ở nước Dã Năng (Lào). Năm 555, Lý Thiên Bảo chết không có con nối dõi, quân chúng suy tôn người cháu là Lý Phật Tử lên nối ngôi. Năm 557, Lý Phật Tử đem quân đánh nhau với Triệu Việt Vương để tranh giành thiên hạ. Sau mấy lần giao chiến biết không thể thắng được Triệu Việt Vương nên Lý Phật Tử xin giảng hòa. Triệu Việt Vương nghĩ Lý Phật Tử là cháu họ của Lý Nam Đế nên đã đồng ý giảng hòa. Với âm mưu tiêu diệt bằng được Triệu Việt Vương, Lý Phật Tử cho con trai là Nhã Lang xin lấy con gái của Triệu Việt Vương là Cảo Nương. Triệu Việt Vương kết mối thông gia và cho Nhã Lang ở rể. Nhưng Việt Vương không thể ngờ được âm mưu của Lý Phật Tử, suốt thời gian ở rể Nhã Lang không ngừng dò la tin tức để nắm bí mật quân sự của Việt Vương báo lại cho cha mình. Có được thông tin nội ứng, năm 571 Lý Phật Tử lợi dụng lúc Việt Vương sơ hở đem quân đánh úp. Bị đánh bất ngờ Triệu Việt Vương thua trận phải đem con gái bỏ chạy về phương Nam, quân Lý Phật Tử truy sát ráo riết nên Triệu Việt Vương cưỡi ngựa chạy thẳng đến cửa biển, cùng đường nhảy xuống biển tự vẫn. Tương truyền cửa biển thời đó là Nguyệt Lâm, tổng Lịch Bài (nay là xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương).


Ông Phạm Văn Tuất, 85 tuổi, nguyên trưởng ban quản lý di tích lịch sử đình Luật Ngoại, xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương


Có nhiều truyền thuyết về vùng đất Quang Lịch chúng tôi, cũng có ý kiến cho rằng câu đối cổ trong đình Luật Ngoại khó hiểu vì vế 1 nói về mẹ con nhà họ Hùng, vế 2 nói về vua Triệu Việt vậy theo câu chữ thì hai mẹ con họ Hùng không thể giúp Triệu Việt Vương đánh giặc được mà sự thật là hai thời kỳ lịch sử hào hùng của một vùng đất mà thôi.

Ông Nguyễn Văn Thiện, thủ từ đình Luật Ngoại, xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương


Có nhiều nơi ở Nam Định, Ninh Bình… thờ Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) nhưng có lẽ duy nhất ở đình Luật Ngoại, xã Quang Lịch có đôi câu đối tối cổ ghi công đức của vua Triệu với đất Chân Định xưa, có thể ngài đã hóa thánh trong lòng dân quê tôi nên được thờ làm thành hoàng làng.
 
Ông Trần Xuân Đạo, thôn Luật Ngoại 2, xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương


Đình Luật Ngoại là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được nhân dân Quang Lịch chúng tôi ra sức giữ gìn, bảo vệ và tôn tạo. Ngôi đình cổ này đang xuống cấp nên rất mong các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện xã hội hóa để nhân dân thập phương chung tay giữ gìn, tôn tạo ngôi đình cho hậu thế.


Quang Viện 

  • Từ khóa