Thứ 7, 23/11/2024, 21:26[GMT+7]

Chị Phượng “hành”

Thứ 2, 17/12/2018 | 10:32:13
1,450 lượt xem
Khác với những vụ đông trước, năm nay, cánh đồng thôn Gián Nghị, xã Song An (Vũ Thư) có thêm màu xanh đầy sức sống của những luống hành xanh mơn mởn. Người mạnh dạn nhân rộng cây hành ở vùng đất này là chị Nguyễn Thị Phượng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Gián Nghị.

Trong khi trò chuyện với chúng tôi, đôi bàn tay thô ráp của chị Phượng vẫn thoăn thoắt nhặt cỏ, vun đất cho từng gốc hành. Chị chia sẻ: Đồng đất Song An khá tơi xốp, thuận lợi cho trồng cây màu. Về vụ đông, nông dân trồng đủ các loại rau màu khác nhau, từ bí xanh, bí ngô, khoai tây, đậu đỗ, rau các loại, trong đó có cả cây hành lấy củ. Tuy nhiên, đối với cây hành, từ trước đến nay, bà con chỉ trồng nhỏ lẻ, nhà nhiều thì 1 - 2 luống, nhà ít thì một vài rạch để đáp ứng nhu cầu của gia đình chứ chưa có hộ nào trồng với quy mô lớn. 

Năm 2017 - 2018, chị Phượng nhiều lần bỏ tiền túi, một mình khăn gói sang Hải Dương học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp của nông dân tỉnh bạn. Được bà con chân tình chia sẻ về kỹ thuật thâm canh, hiệu quả của cây hành, lại được các doanh nghiệp tỉnh bạn cung ứng, hỗ trợ giống, phân bón, vật tư và hỗ trợ khâu tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch, vụ đông năm 2018, chị Phượng quyết định trồng hành củ với quy mô gần 2ha.

Gia đình chị Phượng vận động các hộ trong thôn, sau thu hoạch lúa mùa cho gia đình chị mượn ruộng để trồng hành vụ đông. Điều này không khó và được bà con ủng hộ nhiệt tình vì mấy năm gần đây, diện tích không sản xuất vụ đông khá nhiều. Sau khi mượn được ruộng, chị Phượng sử dụng hàng tấn vôi bột để khử trùng, vệ sinh ruộng. Thay vì cày đất, lên luống bằng tay theo phương pháp truyền thống, chị thuê máy làm luống nhằm tạo các luống hành đồng đều, chuẩn về độ cao, chiều rộng, đồng thời tiết kiệm thời gian, bảo đảm lịch thời vụ. Loại hành củ chị Phượng chọn trồng là giống hành xanh, vì loại hành này phù hợp với điều kiện thời tiết địa phương, ít bệnh và cho năng suất cao. 

Chị Phượng chia sẻ: Sau mấy ngày ươm củ hành giống tại luống, hành đang bắt đầu lên đẹp thì gặp đợt mưa liên tục, làm ruộng ngập nước, trong khi hành là loại cây ưa ẩm nhưng không chịu được úng, khiến gia đình chị phải vất vả tìm cách chống úng bảo vệ cây. 

Thuận lợi là nhờ kỹ thuật làm luống hành cao, dóc nước nên cây hành của gia đình chị Phượng ít bị chết dột. Hiện tại, sau gần 2 tháng trồng và chăm sóc, cánh đồng hành của chị Phượng phát triển tốt, cây hành bắt đầu xuống củ. Chị Phượng tập trung theo dõi, chủ động phòng, trừ bệnh sương mai, đây là loại bệnh phổ biến của cây hành. Dự kiến, đến giữa tháng Chạp, cây hành của gia đình chị cho thu hoạch. Chăm sóc đúng kỹ thuật, hành cho năng suất 4 - 6 tạ củ/sào. Giá hành củ tươi từ 13.000 - 20.000 đồng/kg, cao điểm vụ đông năm ngoái, hành có giá 28.000 đồng/kg, với giá bán này, ước tính cây hành cho thu lãi 4 - 5 triệu đồng/sào, thậm chí gần chục triệu đồng/sào hành. Ở vụ đầu thử nghiệm sản xuất hành, chị Phượng đặt mục tiêu trừ chi phí đầu tư, thu lãi từ 1 - 2 triệu đồng/sào hành, còn lại chủ yếu là nắm vững kỹ thuật, kinh nghiệm trồng hành làm tiền đề để vụ đông sang năm mở rộng diện tích. Nhờ phát triển cây hành củ vụ đông, gia đình chị Phượng tạo việc làm thời vụ cho 8 - 10 lao động địa phương với thu nhập 120.000 đồng/ngày công.

Gần 2ha hành của gia đình chị Phượng dự kiến cho thu hoạch vào dịp tết Nguyên đán 2019.

Nếu chưa tìm hiểu, hẳn nhiều người sẽ nghĩ chị Phượng rảnh rỗi mới có thời gian để đi tìm tòi, học hỏi và mượn đất trồng hành, thực tế thì ngược lại. Gia đình chị Phượng có gia trại hàng nghìn mét vuông với hàng trăm mét vuông chuồng trại, hàng mẫu ao, nhiều năm qua, chị Phượng là lao động chính chăm sóc đàn lợn, gà, vịt, cá lúc nào cũng đông đúc. Gia đình chị Phượng là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm qua. Mặc dù bận mải với việc phát triển kinh tế gia đình, chị Phượng vẫn dành nhiều thời gian tham gia việc làng, việc xóm. Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn, chị Phượng nói vui “đám cưới, đám ma, cất nhà, sang cát” của các gia đình trong thôn, chị đều có mặt đầy đủ và là người lãnh đạo các phong trào phụ nữ của thôn.

Điều đặc biệt, tuy vợ chồng chị Phượng chỉ sinh được hai cậu con trai nhưng chị Phượng lại có “con gái” và hiện có cháu bi bô gọi “bà ngoại”. Chia sẻ với chúng tôi, chị Phượng cho biết, “con gái” chị tên là Ánh, chính là con gái của chị gái chồng, do hoàn cảnh bố mẹ Ánh không còn, chị Phượng đã nhận nuôi cháu gái chồng dù khi ấy, kinh tế gia đình chị cũng rất khó khăn. Nhờ lòng nhân ái, yêu thương của mợ Phượng, Ánh được chăm lo, học hành đầy đủ, tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định và mới có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Đã từ lâu chị Phượng coi Ánh như con gái và ngược lại Ánh yêu thương, chăm sóc, coi chị Phượng như chính người mẹ sinh ra mình lần thứ hai. 

Chuyện nhà chị Phượng sinh con trai nhưng lại có con gái ríu rít với bố mẹ khiến bà con trong thôn, trong xã ai cũng khen ngợi, nể phục vợ chồng chị, nhất là tấm lòng rộng mở nhân ái của chị. Năng động làm kinh tế giỏi, nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương, sống nhân nghĩa, sẻ chia, chị Phượng thực sự là tấm gương sáng của chị em phụ nữ địa phương.

Quỳnh Lưu 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày