Thứ 7, 23/11/2024, 20:18[GMT+7]

Khao khát làm giàu trên quê hương

Thứ 4, 19/12/2018 | 14:33:09
1,075 lượt xem
Khi chiến tranh, họ là những người lính sinh tử ngoài chiến trường, trở về đời thường, họ tiếp tục tỏa sáng trên mặt trận giảm nghèo, làm giàu trên quê hương.

CCB Phí Văn Chắt nuôi gà theo mô hình ứng dựng công nghệ sinh học.

Năm 1972, ông Nguyễn Văn Trọng, thôn Thượng Lãng, xã Minh Hòa tham gia quân ngũ. Làm nhiệm vụ lái xe thuộc Đoàn 559 chở lương thực, vũ khí và bộ đội chi viên cho các chiến trường A, B, C. Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông được điều động về Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng. Năm 1979 tiếp tục tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1987, ông Trọng phục viên trở về địa phương mở cửa hàng tạp hóa và bán thức ăn chăn nuôi. 

Đến năm 2011, ông bắt tay vào làm mô hình VAC từ việc chuyển đổi 10.000m2 đất ruộng để đào ao thả cá, chăn nuôi lợn, gà và trồng cây ăn quả... Ông Trọng chia sẻ: Hiện nay, gia đình tôi nuôi hơn 200 con lợn thịt, 30 con lợn nái sinh sản và 100 con gà thả vườn. Riêng ao cá, mỗi năm gia đình tôi xuất ra thị trường 7 – 8 tấn cá thương phẩm. Mô hình VAC đem về lợi nhuận cho gia đình gần 300 triệu đồng/năm.

Còn với CCB Phí Văn Chắt, thôn Phú Bắc, xã  ĐôngÁ (Đông Hưng) có khu chăn nuôi chỉ vẻn vẹn 1.000mnhưng bất cứ thời điểm nào trong chuồng nuôi của gia đình ông cũng có gần chục nghìn con gà lớn nhỏ. Ông Chắt tham gia quân ngũ từ năm 1967 tại Trung đoàn 335, Quân khu Tây Bắc, chủ yếu làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào. Ông bị thương trong một trận đánh ở Xiêng Khoảng năm 1973. 

Sau trận này, ông Chắt được đưa về tuyến sau dưỡng thương và sau đó ra quân. Sau đó ông về công tác tại Bộ Thương nghiệp đến năm 1993 về nghỉ chế độ. Về quê, ông tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình theo mô hình ứng dụng công nghệ sinh học vào nuôi gà lai chọi, gà rốt ri, gà mía lai.

Ông Chắt cho biết: Mỗi tháng, gia đình tôi xuất bán 5 – 6 tạ gà sạch ra thị trường trong xã và các địa phương lân cận. Gia đình tôi thu lãi gần 200 triệu đồng/năm từ chăn nuôi và kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, gia đình tôi còn trực tiếp phân phối các chế phẩm sinh học, giống gà, ngan, vịt cho bà con nhân dân.

Từ một quỹ tín dụng chỉ có vốn điều lệ gần 40 triệu đồng với 55 thành viên, 6 cán bộ, nhân viên và trụ sở phải đi thuê thì nay sau 29 năm, Quỹ tín dụng nhân dân xã Bình Minh (Kiến Xương) do CCB Phạm Thành Long làm giám đốc đã có 1 trụ sở chính khang trang và 2 phòng giao dịch tại xã Thượng Hiền, Hòa Bình với 19 cán bộ, nhân viên. Tổng nguồn vốn trên 200 tỷ đồng với 3.247 thành viên. Quỹ đã lọt tốp 10 rồi tốp 5 đến tốp 3 trong hệ thống quỹ tín dụng của tỉnh. 

Có thời gian tham gia quân ngũ và trực tiếp có mặt trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị ông phối hợp với các đơn vị khác chiến đấu ác liệt và giành chiến thắng trong chiến dịch Xuân Lộc đã đập tan "cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn để cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của chế độ Việt Nam cộng hòa. 

Ông Long tâm sự: Trở về đời thường, khi đã thành công trên con đường mình chọn, tôi luôn tâm niệm cống hiến vì cộng đồng, xây dựng quê hương. 

Chính vì thế, ngoài hỗ trợ vốn cho nhân dân vay hàng trăm tỷ đồng, quỹ còn tích cực ủng hộ địa phương 250 triệu đồng xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2007 đến nay, quỹ tài trợ hơn 400 triệu đồng tiền học bổng cho trên 1.000 học sinh giỏi các cấp học của 3 xã Bình Minh, Thượng Hiền, Hòa Bình; thường xuyên tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện ở địa phương...

Họ là 3 trong số nhiều CCB của tỉnh Thái Bình đang ngày ngày làm giàu cho gia đình, quê hương, góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã đẹp trong chiến tranh lại càng đẹp hơn giữa đời thường.

Tất Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày