Thứ 7, 16/11/2024, 10:48[GMT+7]

Đột phá nước sạch nông thôn Thái Bình

Thứ 2, 17/12/2018 | 13:45:26
1,176 lượt xem
Nếu như năm 2012, tỷ lệ các xã có nước sạch trên địa bàn tỉnh chiếm 28,67% thì chỉ sau 4 năm tỷ lệ đó đã đạt 100% và đến nay đã có khoảng 96,6% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch. Đó chính là sự đột phá chỉ có ở tỉnh Thái Bình khi chủ trương đưa nước sạch về quê bằng con đường xã hội hóa trong xây dựng các nhà máy nước ở huyện, ở xã được ban hành.

Niềm vui khi có nước sạch.

DÂN KHÁT NƯỚC SẠCH

Thái Bình là tỉnh ven biển, dân số hơn 1,8 triệu người, địa giới hành chính chia thành 7 huyện, 1 thành phố với 10 phường, 9 thị trấn và 267 xã. Trước năm 1998, trên địa bàn tỉnh chỉ có 8 công trình cấp nước sạch với tổng công suất 2.400m3/ngày đêm, thực hiện cung cấp nước sạch cho khoảng 16.000 nhân khẩu. Mục tiêu để 100% người dân được sử dụng nước sạch luôn là băn khoăn, trăn trở của cấp ủy, chính quyền các cấp. Theo báo cáo của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, đến năm 1998, toàn tỉnh chỉ có 8 công trình cấp nước sạch tập trung được xây dựng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và vốn khác ở một số địa phương trong tỉnh như: xã Lê Lợi (Kiến Xương), xã Minh Khai (Hưng Hà), xã Đông Lâm (Tiền Hải)… Tuy nhiên, đến nay 7/8 trạm cấp nước đã ngừng hoạt động, chỉ còn trạm cấp nước xã Thụy An (Thái Thụy) được xây dựng từ năm 1997, công suất thiết kế 400m3/ngày đêm đang thực hiện cấp nước cho khoảng 2.000 nhân khẩu trên địa bàn xã.

Trước thực trạng thiếu nước sinh hoạt, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định và các văn bản chỉ đạo làm căn cứ triển khai thực hiện việc cấp nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn. Bằng nhiều nguồn vốn như: vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn vay Ngân hàng Thế giới, vốn khác…, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện để mạng lưới nước sạch sớm phủ kín các thôn làng. Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới đã có 20 công trình được xây dựng; trong đó 7 công trình có quy mô 1 xã, 4 công trình có quy mô 2 xã và 9 công trình có quy mô từ 3 - 5 xã; tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 461 tỷ đồng, công suất thiết kế khoảng 28.760m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho gần 77.000 hộ. Sau khi hoàn thành, đối với các công trình xây dựng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh giao cho cấp xã; đối với công trình xây dựng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, tỉnh giao cho Công ty Cổ phần Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn Thái Bình quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng. Các công trình được đưa vào hoạt động đã đáp ứng niềm khao khát nước sạch, nước hợp vệ sinh cho bà con, cho trường học và trạm y tế…

CHÍNH SÁCH ĐÚNG, HỢP LÒNG DÂN

 Chương trình nước sạch nông thôn chỉ thực sự mang lại sự đột phá cho tỉnh khi Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND ngày 2/8/2012 ban hành quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn, tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2012 - 2015 được ban hành.Cơ chế, chính sách đúng và trúng, được ban hành kịp thời nên chỉ sau hơn một năm triển khai thực hiện Quyết định số 12, Thái Bình đã thu hút được 20 doanh nghiệp đăng ký đầu tư 23 công trình phục vụ cấp nước cho 137 xã với tổng vốn đầu tư 1.384 tỷ đồng, gấp hai lần tổng vốn đầu tư cho các công trình nước sạch nông thôn từ trước tới năm 2012. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 12 còn nhiều điểm chưa phù hợp với điều kiện thực tế nên ngày 29/4/2014 UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 19/2014/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn, tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2012 - 2015. Theo Quyết định số 19, việc hỗ trợ được thực hiện theo tiến độ dự án, nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ lần đầu tiên khi giá trị khối lượng đã đầu tư đạt tối thiểu 50% tổng mức đầu tư của dự án. Ngoài ra, nhà đầu tư còn được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay ngân hàng thương mại để đầu tư tài sản cố định trong 3 năm đầu kể từ ngày vay vốn và được hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo nghề cho lao động.

Công ty Cổ phần Casaro miền Bắc lắp đặt đường ống dẫn nước sạch tại xã Thái Dương (Thái Thụy).

Với cơ chế hỗ trợ đó, tỉnh đã thu hút được ngày càng nhiều các doanh nghiệp tham gia đầu tư cấp nước sạch cho khu vực nông thôn. 

Ông Ngô Đức Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch tỉnh cho biết: Từ khi Thái Bình có chính sách mở cửa đón các doanh nghiệp nước sạch vào đầu tư, số lượng các công trình, nhà máy nước sạch trên địa bàn nông thôn ngày càng nhiều. Chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư vào công trình nước sạch nông thôn là cú hích lớn đối với doanh nghiệp, trong đó với sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân với phương châm "một cái bắt tay, ba nhà hưởng lợi”. Nếu không có sự phối hợp này thì mục tiêu phủ kín nước sạch trên địa bàn nông thôn vào năm 2020 của tỉnh Thái Bình khó thực hiện được. Trong liên kết này, nhà nước hỗ trợ 20%, người dân tham gia đóng góp 15%, doanh nghiệp đối ứng và hoàn thành khối lượng công trình, bảo đảm cung cấp nước sạch đến người dân...

Nhờ ban hành những chính sách đúng và trúng, việc cung cấp nước sạch trên địa bàn nông thôn tại Thái Bình đã có nhiều cải thiện, điều đó được thể hiện ở số lượng nhà máy, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch tăng cao. Đến nay, nước sạch đã phủ kín 286 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã có đường ống cấp 1 đến trung tâm xã. Với kết quả đó, Thái Bình là tỉnh đứng đầu cả nước về phủ kín mạng lưới nước sạch nông thôn. 

Ông Phạm Bá Tập, xã Thụy Thanh (Thái Thụy) phấn khởi cho biết: Hiện nay, do tác động của tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn nên nguồn nước giếng khoan, nước mưa không còn bảo đảm vệ sinh để phục vụ sinh hoạt và ăn uống. Vì vậy, người dân rất vui mừng, phấn khởi khi có nguồn nước sạch để sinh hoạt, qua đó góp phần bảo đảm sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời giảm thiểu những bệnh tật do nguồn nước sinh hoạt không hợp vệ sinh gây ra.

ĐỂ MỌI NGƯỜI DÂN ĐỀU ĐƯỢC SỬ DỤNG NƯỚC SẠCH

Theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, đến năm 2020 Thái Bình không chỉ thực hiện cấp nước sạch cho 100% xã, phường, thị trấn mà tỷ lệ hộ dân trên địa bàn tỉnh sử dụng nước sạch cũng phải đạt 100%. Trên cơ sở quy hoạch mạng lưới cấp nước sạch đã được phê duyệt và cơ chế, chính sách đã ban hành, đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 30 dự án đầu tư mới, đầu tư nâng cấp mở rộng được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư; 26 dự án chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn Ngân hàng thế giới; 01 dự án đầu tư từ nguồn vốn Khoa học công nghệ của trung ương, ngân sách tỉnh hỗ trợ. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng sau khi được chấp thuận đầu tư, 31 doanh nghiệp nước sạch đã tích cực huy động mọi nguồn lực với khoảng hơn 2.000 tỷ đồng để các dự án sớm đi vào hoạt động cấp nước cho nhân dân, gấp khoảng 3,6 lần so với giai đoạn 1998 – 2012, tổng công suất đăng ký cấp nước khoảng 264.160m3/ngày đêm. Đến nay, các dự án đã cơ bản hoàn thành công trình đầu mối, hệ thống mạng lưới đường ống dịch vụ được lắp đặt đến cổng các hộ dân; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch của các xã, thị trấn toàn tỉnh đạt trên 96,3%, trong đó nhiều địa phương có tỷ lệ đạt trên 97% là thành phố, Vũ Thư, Kiến Xương, Đông Hưng.

Không chỉ đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình, các doanh nghiệp nước sạch còn chú trọng nâng cao chất lượng nước, góp phần bảo đảm vệ sinh, nâng cao sức khỏe cho người dân khu vực nông thôn. Công ty Cổ phần Phát triển Thủy Long là một ví dụ. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Giám đốc Công ty cho biết: Để nâng cao chất lượng nước, Công ty đã xây dựng phòng thí nghiệm tự kiểm tra mẫu nước thô và mẫu nước thành phẩm hàng ngày, định kỳ vệ sinh bể và các thiết bị, đồng thời thực hiện kiểm tra ngoại kiểm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh theo đúng quy định. Chính vì thế, từ khi thực hiện cấp nước đến nay chất lượng nước của Công ty luôn được bảo đảm, được nhân dân nhiệt tình tham gia sử dụng. Tiểu ban quản lý chất lượng nước sạch được tỉnh thành lập với mục đích thực hiện công tác nội kiểm, ngoại kiểm tại các dự án; phối hợp với Bộ Y tế tổ chức kiểm tra ngẫu nhiên một số nhà máy nước; yêu cầu nhà đầu tư thực hiện nghiêm túc việc công khai: quy trình công nghệ, quy trình quản lý chất lượng, quy định về quản lý, vận hành, bảo dưỡng hệ thống cấp nước...; đồng thời yêu cầu nhà đầu tư xây dựng phòng nội kiểm để thực hiện việc tự kiểm định chất lượng nước hàng ngày; từ đó tạo sự yên tâm cho người dân khi sử dụng nước.

Có thể nói chủ trương xã hội hóa nước sạch nông thôn được tỉnh triển khai thực hiện đã tạo nên sự bừng sáng ở khắp các miền quê trong tỉnh. Bởi nếu chỉ trông chờ hoàn toàn vào nguồn ngân sách nhà nước và chương trình mục tiêu quốc gia thì phải 50 năm nữa mới phủ kín được mạng lưới nước sạch trong toàn tỉnh. Do đó, để 100% người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh đều sử dụng nước sạch, thời gian tới, Thái Bình tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc sử dụng nước sạch; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư để dự án phát huy được tối đa hiệu quả trong phục vụ nhu cầu nước sạch của nhân dân.

Nhóm phóng viên