Thứ 4, 27/11/2024, 23:41[GMT+7]

Cùng vào cuộc

Thứ 6, 28/12/2018 | 20:42:09
1,010 lượt xem
Thực hiện quy chế dân chủ trong từng cơ quan, địa phương, đơn vị là một việc làm khó nhưng để có được một cơ quan, một địa phương, một đơn vị thực sự phát triển thì phải thực hiện được quy chế dân chủ.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm trung tâm kỹ thuật sản xuất chương trình truyền hình trực tiếp giao lưu “Trái tim nhân ái” lần thứ II của Báo Thái Bình.

Lãnh đạo và nhân viên chỉ khi nào “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” thì mới có được sự đồng cảm với nhau, lãnh đạo mới biết được nhân viên của mình đang làm gì và nghĩ gì. Ngược lại nhân viên cũng biết được những việc làm và suy nghĩ của lãnh đạo. Nếu mất dân chủ thì chuyện đó không bao giờ diễn ra, nếu có dân chủ thì đây là chuyện bình thường. Tuy nhiên, việc phát huy dân chủ phải đi đôi với việc giữ vững nguyên tắc kỷ luật, kỷ cương.

Ở Báo Thái Bình mọi người đang sống và làm việc với nhau bằng đúng tình cảm, tình đồng nghiệp, sự chân tình. Có lẽ vì thế mà công việc luôn trôi chảy, hiệu quả cao, mọi người tin vào nhau trong công việc và sẵn sàng sẻ chia cách làm của mình. Đơn cử, khi tỉnh cho phép Báo Thái Bình được xây dựng báo điện tử. Ngay sau khi được đầu tư thiết bị, trong điều kiện thiếu về nhân lực, nhưng để tiếp cận với công nghệ mới các phóng viên đã biết sử dụng camera, máy ảnh hiện đại, máy tính có cấu hình cao để dựng chương trình, đều sẵn sàng chia sẻ công việc với những người chưa biết. Vì vậy đến nay, sau 2 năm làm quen với việc mới nhiều phóng viên đã làm được ba, bốn việc khác nhau của tờ báo.

Phóng viên trước đây chỉ đơn giản xuống cơ sở là để lấy tư liệu về viết bài trên báo giấy, thì bây giờ ngoài việc đó là phải làm ngay tin và ảnh cho báo điện tử, rồi đến viết kịch bản, quay phim, dựng phim cho truyền hình internet. Công việc nhiều lên, thu nhập tăng lên đó chính là nguyên nhân tạo ra sự ổn định của cơ quan.

Ngày 25/10/2018, Báo Thái Bình được Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao cho phối hợp với Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh, Hội Doanh nhân nữ Thái Bình tổ chức truyền hình trực tiếp chương trình giao lưu “Trái tim nhân ái” lần thứ II năm 2018, thời gian thực hiện chương trình là 34 ngày. Vì vậy, ngay sau khi nhận lệnh cả cơ quan đã vào việc, từng loại kịch bản phục vụ cho làm các phóng sự chèn, rồi kịch bản giao lưu, kịch bản kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và đặc biệt là kịch bản tổng thể được lãnh đạo và các biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên nghiêm túc phối hợp cùng nhau thực hiện nhiều ngày. Cả tòa soạn như hội, riêng ngày tổng duyệt và đêm diễn ra chương trình truyền hình trực tiếp cả cơ quan không ai vắng mặt, bộ phận nào vào việc của bộ phận ấy, mọi người đều xác định đây là lần đầu tiên Báo làm quen với mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện và cũng là lần đầu ở Thái Bình có buổi truyền hình trực tiếp trên cả 3 kênh, đó là kênh TBTV của Đài PTTH Thái Bình, trên truyền hình internet báo điện tử của Báo Thái Bình và chuyển tiếp trên truyền hình cáp Thái Bình. Buổi truyền hình trực tiếp đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. 

Niềm vui càng được nhân lên khi cả 3 đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh tới dự chương trình và đến trung tâm kỹ thuật thăm hỏi, động viên. Nhiều đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cũng tới dự cổ vũ, động viên cho chương trình; nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh biết tin cũng tới dự hoặc gửi tiền, hiện vật về ủng hộ chương trình. Vì vậy, đêm giao lưu đã thu được tiền và hiện vật gần 4 tỷ đồng để giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật và trẻ mồ côi. Số tiền đã lớn nhưng nó lại không phải là lớn mà cái lớn hơn đó chính là khơi dậy lòng nhân ái trong mỗi con người biết sống vì cộng đồng.

Một chuyện khác, khi trên một facebook cá nhân xuất hiện bài viết nói về các phóng viên của Báo Thái Bình đã nhận 100 triệu đồng để làm phóng sự tô vẽ cho bữa ăn trưa của học sinh Trường Tiểu học Kỳ Bá (thành phố Thái Bình). Chỉ một ngày sau khi chủ tài khoản facebook trên đăng bài viết thì một tờ báo ở Hà Nội đã lấy lại nội dung facebook này để làm bài viết trên báo của mình. Trước tình hình đó, Ban Biên tập đã hội ý và khẳng định ngay rằng, chuyện trên là hoàn toàn bịa đặt, nhưng vì uy tín của đơn vị và danh dự của phóng viên, Ban Biên tập yêu cầu các phóng viên có liên quan tới vụ việc mà báo phản ánh phải viết tường trình, mặt khác làm văn bản đề nghị Công an tỉnh vào cuộc để tìm cho ra chủ tài khoản của facebook trên. Sau hơn hai tuần vất vả, lực lượng công an đã tìm được chủ tài khoản facebook và đã thừa nhận hành vi của mình, nhận mức phạt hành chính là 5 triệu đồng. Đồng thời chủ tài khoản facebook cũng đến Báo Thái Bình gặp Ban Biên tập để xin lỗi vì vô tình làm ảnh hưởng đến uy tín của tờ báo và phóng viên, gây hậu quả nghiêm trọng. Từ kết quả của Công an tỉnh Thái Bình, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định xử phạt báo NP 10 triệu đồng về hành vi đưa tin sai sự thật, báo cũng có văn bản xin lỗi Báo Thái Bình đồng thời nêu rõ hình thức xử lý đối với các phóng viên sai phạm. 

Phóng sự “Hai là một” đăng trên Báo Thái Bình điện tử nói về chiến công của các chiến sĩ công an trong quá trình điều tra sự việc trên, sau 5 ngày đăng tải đã thu hút gần 60.000 lượt người vào truy cập.

Qua vụ việc trên đã cho tòa soạn một bài học, đó là chỉ khi nào hiểu được anh em, biết được anh em thì sẽ biết được công việc anh em làm và tạo được lòng tin ở anh em, cũng qua đó tăng được uy tín của tờ báo với người dân. Kết quả này chính là nhờ cái gốc khi thực hiện quy chế dân chủ.

Cuộc sống thì muôn hình muôn vẻ, không phải lúc nào người lãnh đạo cũng biết hết và đáp ứng hết mọi nhu cầu nhân viên. Vì vậy, những chuyện này, chuyện khác xảy ra ở cơ quan này, cơ quan khác cũng là chuyện thường ngày xảy ra ở huyện và đấy mới chính là xã hội song điều đáng nói ở đây là động cơ của những rắc rối nằm ở đâu và trong xử lý từng công việc thì lãnh đạo đã công tâm, công bằng hay chưa, đã dân chủ hay chưa.

Tuấn Dung