Chủ nhật, 24/11/2024, 02:17[GMT+7]

Đổi mới hoạt động ngoài giờ - Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Thứ 7, 29/12/2018 | 10:08:10
1,700 lượt xem
Thực tế những năm qua đã chứng minh hoạt động ngoài giờ lên lớp không chỉ nhằm bổ sung kiến thức cho các hoạt động giáo dục chính khóa mà có vị trí hết sức quan trọng tạo sự hứng khởi trong học tập của học sinh, giúp các em tự rèn luyện và hoàn thiện nhân cách.

Các em học sinh trải nghiệm bữa ăn thời chiến với cơm nắm, muối vừng và lương khô.

Phát huy yếu tố địa phương

Thái Bình được biết đến là nôi hát chèo. Với thế mạnh từ môn nghệ thuật truyền thống này, nhiều trường đã mạnh dạn đưa hát chèo vào hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh. Đây chính là hoạt động ngoại khóa của các trường tại Thái Bình được nhiều địa phương trên cả nước biết đến và học hỏi.

 Trên nền nhạc mượt mà của những làn điệu chèo, Trường Tiểu học và THCS Thụy Việt (Thái Thụy) đã đổi mới thời gian thể dục giữa giờ bằng những động tác múa uyển chuyển, giúp học sinh thư giãn tinh thần, giảm bớt căng thẳng để học tốt các tiết học tiếp theo. 

Cô giáo Lê Thị Chang, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Bộ môn hát chèo đối với các em học sinh ở lứa tuổi tiểu học, THCS thường khó hơn so với tất cả những làn điệu múa, hát khác. Chính vì vậy, chúng tôi phải sử dụng giáo viên âm nhạc, thanh nhạc và kết hợp với nghệ nhân không chuyên của địa phương để hướng dẫn các em trong quá trình múa, hát chèo. 

Bà Nguyễn Thị Chiều, một nghệ nhân không chuyên đang sinh sống tại địa phương nhận dạy múa, hát chèo cho các em học sinh chia sẻ: Mặc dù dạy các cháu khó hơn so với những người lớn tuổi nhưng nhờ tình yêu với môn nghệ thuật truyền thống nên các cháu tiếp thu khá nhanh. Nhiều cháu đã thể hiện năng khiếu của mình với bộ môn này.

Không chỉ riêng Trường Tiểu học và THCS Thụy Việt, hiện nay, rất nhiều trường học trong tỉnh tổ chức dạy hát chèo cho học sinh trong các hoạt động ngoại khóa. 

Cô giáo Giang Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diêm Điền (Thái Thụy) chia sẻ: Múa, hát chèo là hoạt động thường xuyên tại trường, được duy trì trong nhiều năm trở lại đây. Trong cuộc sống hiện đại náo nhiệt, ồn ào, chúng tôi hy vọng những làn điệu chèo khiến các em thư thái hơn và có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc. Nhìn học trò say sưa múa, hát, yêu mến giai điệu truyền thống, chúng tôi thấy rất vui, yêu nghề hơn.

Học sinh Trường THCS An Vũ (Quỳnh Phụ) múa hát tập thể trong giờ ra chơi.

Đa dạng các hoạt động

Nếu như cách đây khoảng 5 - 7 năm, nhiều người rất bất ngờ và thích thú với những clip ghi lại màn đồng diễn tập thể của các trường học tại Thái Bình như tiết mục múa, hát chèo của học sinh Trường Tiểu học An Bài (Quỳnh Phụ), nhảy cha cha cha của học sinh Trường Tiểu học Thanh Nê (Kiến Xương)… thì nay, hoạt động ngoài giờ lên lớp của các trường đã đa dạng hơn rất nhiều. Không chỉ múa, hát, nhảy tập thể mà đó còn là ngày hội văn hóa, ngày hội dân gian, sân khấu hóa và nhiều sân chơi bổ ích. Trong năm học vừa qua, ở cấp tiểu học, hoạt động ngoài giờ lên lớp đã được triển khai tại 295 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. 

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nội dung của hoạt động ngoài giờ lên lớp khá đa dạng và phong phú, phù hợp với điều kiện của từng trường và các địa phương bao gồm các hoạt động: giáo dục thể chất, thẩm mỹ, tham quan di tích lịch sử, giao lưu văn hóa, bảo vệ môi trường, lao động công ích và các hoạt động xã hội khác phù hợp với tâm sinh lý độ tuổi các em. Các trường sinh hoạt theo chủ điểm, tiết sinh hoạt cuối tuần và tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, hoạt động đội. Thời gian ra chơi thường kéo dài hơn để học sinh được tham gia các hoạt động ca múa hát sân trường, chơi các trò chơi dân gian, đọc sách, báo phù hợp với tâm lý, nhu cầu, sở thích của các em. Các trường còn tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ theo sở thích và nhu cầu của học sinh như: em yêu khoa học, toán tuổi thơ, tiếng Anh, tiếng Pháp, âm nhạc, võ thuật, giáo dục kỹ năng sống… được tổ chức vào cuối các buổi chiều sau giờ học hoặc ngày nghỉ cuối tuần.

Tại ngày hội văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao của Trường Tiểu học Vũ Lạc (thành phố Thái Bình), học sinh được hòa mình vào các tiết mục văn nghệ tập thể, các trò chơi dân gian. Đây chính là sân chơi mang lại tiếng cười thoải mái nhất cho các em sau những giờ trên lớp. Ngày hội không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho học sinh và cán bộ, giáo viên toàn trường. 

Cô giáo Đặng Thị Chuyển, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Xác định mục tiêu trọng tâm “vừa dạy chữ, vừa dạy người”, bên cạnh việc bảo đảm chuẩn kiến thức chương trình học, nhà trường rất chú trọng đến công tác dạy kỹ năng, nhân cách sống cho học sinh. Từ việc xây dựng ý tưởng đến triển khai thực hiện hoạt động ngoài giờ lên lớp đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của các thầy cô giáo, đặc biệt là sự tham gia tích cực từ tổng phụ trách đội, các giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, tin học, ngoại ngữ. Bên cạnh thời khóa biểu, hoạt động đội, nhà trường đã xây dựng chương trình cụ thể theo từng tuần, thiết kế nội dung hoạt động vào từng thời điểm, từng chuyên đề như: an toàn giao thông, phòng, chống dịch bệnh chân tay miệng, rửa tay với xà phòng…

Luồng sinh khí tạo thành công

Theo cô giáo Mai Thị Bích Nguyện, Hiệu trưởng Trường THCS An Vũ (Quỳnh Phụ), 3 con đường chủ yếu để hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đạt hiệu quả đó là: thông qua tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, tiết sinh hoạt tập thể lớp cuối tuần và hoạt động cao điểm theo chủ điểm tháng. Tại Trường THCS An Vũ, học sinh không chỉ được dạy múa, hát chèo, các hoạt động sân khấu hóa… mà còn được tham quan, trải nghiệm tại khu vực vườn cây sinh thái trong khuôn viên của nhà trường, tham gia các diễn đàn theo chủ đề như quyền trẻ em, giáo dục giới tính hay các cuộc thi, hội thi. Đây là dịp để các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh nắm bắt được những băn khoăn, lo lắng và mong đợi của các em về bạn bè, thầy cô, nhà trường và gia đình; đồng thời, giáo dục kỹ năng sống, tăng tính đoàn kết, giao lưu, học hỏi giữa học sinh trong trường. 

Với các hoạt động nổi bật, Trường THCS An Vũ luôn là đơn vị đi đầu trong các phong trào giáo dục của huyện Quỳnh Phụ, đưa trường từ tốp những trường xếp cuối huyện trở thành một trong những trường đứng đầu huyện về chất lượng giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà và các hoạt động của đoàn thanh niên.

Ông Nguyễn Văn Roanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Phụ cho biết: Những năm qua, môi trường tinh thần trong giáo dục tại Quỳnh Phụ đã có những chuyển biến hết sức tích cực, thể hiện trong các mối quan hệ trong nhà trường và giữa nhà trường với cộng đồng dân cư và chính quyền các cấp. Việc đổi mới hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của địa phương. Thời gian tới, ngành Giáo dục huyện sẽ chú trọng và có những đầu tư hơn nữa để các hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường đạt hiệu quả hơn.

Từ việc đổi mới hoạt động ngoài giờ lên lớp, các trường trong tỉnh có thêm điều kiện để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đặng Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày