Chủ nhật, 17/11/2024, 06:20[GMT+7]

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Thứ 4, 09/01/2019 | 18:16:01
1,842 lượt xem
Chiều ngày 9/1, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Nguyễn Thị Lĩnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Cuối tháng 12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố chương trình GDPT mới vừa kế thừa vừa phát triển những ưu điểm của chương trình GDPT hiện hành. 

Chương trình GDPT mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.

Chương trình GDPT mới phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Chương trình GDPT mới áp dụng 6 biện pháp "giảm tải”. Đó là giảm số môn học và hoạt động giáo dục; giảm số tiết học; giảm kiến thức; tăng cường dạy học phân hóa - tự chọn; thực hiện phương pháp dạy học mới; đổi mới đánh giá kết quả giáo dục.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 với lớp 4, 8, 11; năm học 2024-2025 với lớp 5, 9 và 12.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, tập trung làm rõ một số khó khăn, hạn chế khi thực hiện chương trình GDPT mới, đồng thời đề ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định việc triển khai thực hiện chương trình GDPT mới phụ thuộc đội ngũ nhà giáo, từ giáo viên, hiệu trưởng đến nhà quản lý và hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học, vì vậy cần sự tham mưu của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc phát triển chương trình GDPT mới thành công hay không phụ thuộc sự kết hợp nhịp nhàng của các bên liên quan với mục đích sớm đổi mới để nâng cao chất lượng phổ thông. 

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo cần tham mưu, đề xuất với UBND cấp tỉnh/huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình GDPT mới theo đúng lộ trình quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT từ năm học 2020-2021. Tổ chức tập huấn, quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Tổ chức thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm thực hiện hiệu quả, đúng tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 08/NQ-CP, thực hiện các nguyên tắc được nêu trong Công văn số 3712/BGDĐT-CSVC ngày 24/8/2018 về việc dồn dịch, sáp nhập các điểm trường có quy mô nhỏ phải được thực hiện trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh. 

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách địa phương, lồng ghép có hiệu quả và sử dụng đúng mục đích nguồn vốn từ các chương trình, đề án, dự án; huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện chương trình GDPT mới.

Đặng Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày